Sáng 15.11, tham luận tại Hội thảo Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, PGS-TS Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh vấn đề xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Lê Hải Bình, thế giới đang đầy biến động và để tồn tại phải có một nền quản trị quốc gia mới, linh hoạt, hiệu quả. Cùng đó, việc đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng đặt ra yêu cầu phải đổi mới chính mình.
Để xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh giải pháp xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả. "Tôi cho rằng đây là chìa khóa để chúng ta đổi mới", ông Bình nói.
Ông Bình dẫn chứng, Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu gần đây đã nêu: bộ máy cồng kềnh đến mức 70% ngân sách để nuôi bộ máy, vậy còn đâu để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh đòi hỏi sự đồng tâm, nhất trí, cống hiến và cả sự hy sinh của những người bị động chạm tới lợi ích.
"Để có nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, từ khóa hiện nay chúng ta cần làm là giải quyết "điểm nghẽn của điểm nghẽn" là thể chế và hướng tới tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", ông Bình chốt lại.
Tham luận về xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cho rằng, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, đòi hỏi phải tổ chức lại lực lượng nhằm tạo ra các động lực, nguồn lực mới để tạo sự đột phá phát triển.
Theo ông Thông, trong 7 định hướng, thì có 4 định hướng lớn liên quan thể chế. Thể chế là điểm nghẽn căn bản, là thách thức phải vượt qua để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
"Nhân vật làm nên thể chế chính là hệ thống chính trị. Cho nên đột phá thể chế, thì trước hết là đột phá vào cái nơi mà nó sản sinh ra thể chế, đó chính là hệ thống chính trị. Do đó, đổi mới hệ thống chính trị chính là khâu đột phá tạo ra động lực phát triển", ông Thông nêu, nhấn mạnh, đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy cần phải được xem là cuộc cách mạng thực sự và phải rất quyết liệt để làm mới có thể thành công.
Đầu tiên phải đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng
Về cách thức đổi mới tổ chức hệ thống chính trị, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đầu tiên phải đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng. Theo ông Thông, việc đầu tiên, là phải khắc phục sự song trùng bộ máy.
Cụ thể, Đảng phải sử dụng bộ máy nhà nước làm công cụ tham mưu quan trọng của mình để tinh gọn bộ máy của Đảng. Cạnh đó, phải nghiên cứu để nhất thể hóa các chức vụ lãnh đạo giữa Đảng và bộ máy nhà nước theo nguyên lý, trong một tổ chức, địa phương chỉ có một người đứng đầu. "Hiện nay ta rất nhiều người đứng đầu, khó xác định lắm", ông Thông nói.
Với bộ máy nhà nước, ông Thông kiến nghị phải tư duy lại để chuyển từ tư duy quyền sang tư duy phục vụ. Nhà nước phải đổi mới tư duy, và chỉ làm những việc xã hội không làm được, nền kinh tế không làm được, doanh nghiệp không làm được. Chứ không thể ôm đồm, sẽ nhiều việc và không làm đến nơi, đến chốn được.
Cùng đó, Nhà nước cũng phải tinh gọn chính mình trên nguyên tắc phổ quát là đa ngành, đa lĩnh vực. "Không chỉ bộ máy Chính phủ mà còn bộ máy chính quyền các cấp, tất cả đều trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực để thu gọn bộ máy lại", ông Thông kiến nghị.
Tương tự, ở Quốc hội, ông Thông cho rằng cần phải đổi mới tư duy lập pháp để chỉ làm luật trong phạm vi được Hiến pháp quy định, tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ.
Ông Lê Minh Thông cũng nhấn mạnh, "cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là phải làm từ trên xuống", tức là phải có chương trình, chủ trương từ trên áp xuống mới thay đổi được. Nếu để các cơ quan tự đề xuất tự mình đổi mới thế nào thì rất khó".
Vẫn theo ông Thông, cốt lõi nhất trong tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy của hệ thống chính trị.
"Muốn như vậy phải đổi mới công tác cán bộ. Đổi mới công tác cán bộ là chìa khóa vì cán bộ là gốc vấn đề. Làm sao cán bộ được lựa chọn một cách minh bạch, cạnh tranh và thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc vươn tầm của dân tộc", ông Thông nhấn mạnh và đề xuất 2 giải pháp cụ thể là đổi mới bầu cử và công khai hóa công tác cán bộ.
"Công tác cán bộ của Đảng nhưng công tác đó chỉ có hiệu quả khi dựa vào dân để làm, đồng thời khắc phục được tình trạng đúng quy trình mà không đúng người lâu nay. Trao cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quyền tham gia vào lựa chọn cán bộ, chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ", ông Thông nói thêm.
Bình luận (0)