Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới

12/11/2011 09:06 GMT+7

(TNTS) Trong vòng 10 năm tới, nhiều nước có công nghệ tiên tiến sẽ chi hàng trăm tỉ USD cho cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Mỹ và Nga sẽ là hai cường quốc đóng vai chính trong cuộc chạy đua này. Ngoài ra, còn phải tính đến Ấn Độ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Pháp, Israel và Pakistan.

(TNTS) Trong vòng 10 năm tới, nhiều nước có công nghệ tiên tiến sẽ chi hàng trăm tỉ USD cho cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Mỹ và Nga sẽ là hai cường quốc đóng vai chính trong cuộc chạy đua này. Ngoài ra, còn phải tính đến Ấn Độ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Pháp, Israel và Pakistan.

Nga - Mỹ dẫn đầu

Nhóm nghiên cứu thuộc Trident Comission của Anh được thành lập bởi tổ chức trung lập BASIC (British American Security Information Council) do Anh và Mỹ sáng lập đã đưa ra nhận định trên. Những con số cùng các kết luận về tình hình phát triển vũ khí hạt nhân hiện nay được Trident Comission viết trong báo cáo mang tên "Ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh". Nhiệm vụ của Trident Comission nhằm trả lời ba câu hỏi: Vương quốc Anh có cần phải là cường quốc hạt nhân? Tên lửa Trident (hiện Anh đang sở hữu) có phải là vũ khí tối ưu? Và London cần phải làm gì để thúc đẩy quá trình giải giáp hạt nhân trên thế giới?

 
Tên lửa Trident của Mỹ - Ảnh: Wikipedia

Theo báo cáo của Trident Comission, hiện thế giới có từ 20.530 đến 21.240 đầu đạn hạt nhân, trong đó Nga và Mỹ sở hữu 20.100 đầu đạn. Hai cường quốc này, trong vòng 10 năm tới sẽ chi 770 tỉ USD cho phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Phần lớn số tiền này thuộc về Mỹ (700 tỉ USD) và trong 10 năm tới nước này chi 100 tỉ USD về bảo dưỡng và cải tiến các phương tiện chuyên chở đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh đó, Mỹ còn chi 92 tỉ USD để bảo dưỡng, nâng cấp các đầu đạn hạt nhân hiện hữu và các tổ hợp sản xuất ra chúng. Mỹ còn phải kéo dài thời hạn phục vụ của tên lửa xuyên lục địa Minuteman III và thiết kế loại tên lửa đạn đạo trình mới, đồng thời đóng mới 12 tàu ngầm chiến lược - SSBN(X), mà chiếc đầu tiên sẽ biên chế cho lực lượng hải quân nước này vào năm 2029. Chưa hết, Mỹ cũng phải kéo dài thời hạn phục vụ của máy bay ném bom B-52H Stratofortress đến năm 2035, thiết kế loại máy bay ném bom mới và bắt đầu thay dần các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hiện có vào năm 2025.  

Kẽ hở của START III

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START III do Nga - Mỹ ký hồi tháng 8.2010 (có hiệu lực 10 năm) quy định hai bên phải cắt giảm vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược xuống còn 1.550 đầu đạn và 700 phương tiện chuyên chở vũ khí hạt nhân. Số liệu mới nhất cho thấy Nga hiện có 1.556 đầu đạn hạt nhân đang trực chiến và 515 phương tiện chuyên chở. Như vậy Nga có thể tăng thêm gần 200 phương tiện chuyên chở và nâng cấp, cải tiến (không hạn chế số lượng) đầu đạn hạt nhân mình đang có. Ngoài ra, START III không quy định phải cắt giảm các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, nên cả Nga và Mỹ có thể thoải mái phát triển loại hình vũ khí này.

Với Nga, đất nước này từ nay đến năm 2020 sẽ chi không dưới 70 tỉ USD cho thiết kế mới tên lửa xuyên lục địa có thể mang hàng chục đầu đạn hạt nhân vào năm 2018, nâng cấp các tàu ngầm thuộc dự án 66BDRM, cải tiến tên lửa "Sineva" và đóng mới 8 tàu ngầm thuộc dự án "Borei", được trang bị tên lửa mới R-30 "Bulava"...

Nga cũng đang tiến hành thiết kế tàu ngầm nguyên tử thế hệ thứ năm. Đến năm 2025 nước này sẽ có máy bay ném bom chiến lược tầm xa loại mới. Ngoài ra, trong vòng 10 năm tới, quân đội Nga sẽ nhận 10 tổ hợp tên lửa hạt nhân tầm trung. Trident Comission không nói rõ đó là loại tên lửa nào, nhưng có thể đó là tổ hợp "Iskander-M" mà Nga dự tính sẽ mua trong giai đoạn 2011 - 2020.

Và phần còn lại

Trident Comission còn ghi nhận Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Israel, Pakistan và CHDCND Triều Tiên là các nước có khả năng tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Đáng lưu ý là Israel chưa bao giờ thừa nhận (nhưng cũng không phủ nhận) là mình có vũ khí hạt nhân. Tuy thế, vào những năm 1990, dường như Israel có cung cấp cho Ấn Độ tên lửa có cánh, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hiện Israel còn có tên lửa Jericho-III, có tầm hoạt động từ 4.000 - 6.500 km, nước này còn có 3 tàu ngầm (loại Dolphin) có khả năng mang tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh đó, Israel có máy bay chiến đấu có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Pháp hiện đã hoàn tất việc cung cấp cho hải quân nước mình 4 chiếc tàu ngầm chiến lược loại "Le Triumphant", được trang bị tên lửa M51 có tầm hoạt động 6.000 - 8.000 km. Trong vài năm qua, Pháp còn trang bị mới máy bay chiến lược Rafale 3 thay cho loại Mirage 2000 trên bộ, và loại Rafale MK3 thay cho Super Etendard trên hàng không mẫu hạm "Charles de Gaulle". Các loại máy bay mới này đều có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân loại mới.

 
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga - Ảnh: freei.me

Với Trung Quốc, nước này đang tiếp tục phát triển loại tên lửa đạn đạo DF và đã trang bị cho quân đội của mình loại DF-21 và DF-31A (có khả năng bắn tới lãnh thổ của Mỹ). Ngoài ra, Trung Quốc còn dự tính đóng mới 5 tàu ngầm hạt nhân loại "Jin", có khả năng phóng 12 tên lửa đạn đạo. Ấn Độ hiện đang thiết kế hàng loạt tên lửa đạn đạo Agni (có tầm hoạt động khác nhau). Trong đó loại Agni-V là tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Theo kế hoạch, nước này ít nhất sẽ đóng mới 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, có khả năng mang tên lửa đạn đạo Sagarika. Hiện hải quân Ấn Độ đang có loại tên lửa hạt nhân có tầm bắn 350 km.

Pakistan đang thiết kế tên lửa đạn đạo Shaheen II có tầm bắn 2.000 km. Nước này còn đang thử nghiệm tên lửa chiến lược Hatf-7 (trên bộ) và Ra'ad (tức Hatf-8 cho không lực). Ngoài ra, Pakistan  còn đang thiết kế các loại tên lửa hạt nhân hạng nhẹ. Dù có thế nào, nước này luôn là đối trọng của Ấn Độ.

 
Nguồn: Báo cáo của Trident Comission

Cuối cùng là CHDCND Triều Tiên. Vào năm 2010, nước này tuyên bố đã thiết kế tên lửa đạn đạo Musudan có tầm bắn từ 2.500 đến 4.000 km. Triều Tiên còn đang thử nghiệm tên lửa Taepodong-2, có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa 10.000 km. Trident Comission cũng nêu trong báo cáo của mình là không rõ Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân hay chưa, nhưng tên lửa của họ thì có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ngữ Tử Yên  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.