Cuộc chiến "2 không" chỉ mới ở bước khởi động

26/11/2006 21:32 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT phát động cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD được đông đảo người dân ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến hồ nghi về tính khả thi của cuộc vận động. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chung quanh vấn đề này.

* Thưa Bộ trưởng, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD" đã triển khai được 3 tháng rưỡi. Thế nhưng hiện một số ý kiến cho rằng cuộc vận động chỉ có tính chất phong trào, chung chung? 


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân  - ảnh: N.Q

- Ngay từ đầu, Bộ xác định đây là một cuộc vận động của toàn xã hội chứ không phải trách nhiệm của riêng ngành. Qua những cuộc làm việc với lãnh đạo cấp ủy và UBND tỉnh, thành 5 địa phương trước khi triển khai cuộc vận động, Bộ GD-ĐT thấy rằng, vấn đề được ủng hộ, có thể làm được. Nói thật, khi triển khai tôi nghĩ trong một bối cảnh chung như thế này không nên mong mỏi 100% địa phương hưởng ứng như nhau. Chỉ cần 2/3 địa phương vào cuộc đúng nhịp chung là quý rồi. Vừa làm vừa vận động. Không thể nào cầu toàn được.

Thực tế diễn ra đúng như vậy. Một số nơi người ta đặt nặng vấn đề vào cái báo cáo kết quả cuối năm học nên thấy vướng, khó làm. Bộ GD-ĐT đã có chương trình cho cả năm, từ tháng 8.2006 đến tháng 7.2007 phải làm những công việc gì. Chặng đường này phải đến 2010 mới hy vọng không đảo ngược kết quả. Năm học này mới là khởi động thôi.

* Để cuộc vận động có hiệu quả, theo Bộ trưởng cần phải có những biện pháp nào?

- Biện pháp đầu tiên chúng ta đã thực hiện, đó là tạo cơ chế xã hội cho cuộc vận động. Ở cấp cao nhất, Thủ tướng đã có chỉ thị về việc thực hiện cuộc vận động. Các địa phương thì có chỉ thị của cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố. Trách nhiệm ở cấp trường là phải tổ chức sinh hoạt với 3 đối tượng khác nhau: phụ huynh, học sinh, giáo viên. Từ các buổi sinh hoạt đó đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi: Trường mình có tiêu cực trong thi cử không? Nếu có thì nên chấn chỉnh như thế nào? Biện pháp nào để giúp học sinh học tốt?... Sau khi thảo luận, cần phải có hình thức thể hiện thái độ của phụ huynh, học sinh, giáo viên với lãnh đạo nhà trường là họ đồng ý với cuộc vận động. Làm được xong các phần việc này là lúc xác định: học kỳ I là một học kỳ thi cử nghiêm túc.

Có một số nơi họ làm thế này, tổ chức một kỳ kiểm tra giữa chừng ra đề chung cho học sinh toàn trường (theo khối lớp). Nhiều nơi còn đề nghị chấm chéo. Mục đích là đảm bảo khách quan, công bằng. Những điều đó là sáng kiến của cơ sở để tập dượt cho một kỳ thi học kỳ nghiêm túc.

Giải pháp nữa là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy và học. Trong đó đổi mới cách ra đề kiểm tra. Hiện nay,  Bộ đã giao cho các Vụ phụ trách bậc học phối hợp với một số sở GD-ĐT như Hà Nội, TP.HCM... xây dựng ngân hàng đề kiểm tra theo chiều hướng phát huy sự vận dụng, sáng tạo của HS. Chỉ tiêu đặt ra là đến tháng 3 khai trương được mạng chứa ngân hàng đề đó. Đến lúc đó, dù một tỉnh ở miền núi cũng có thể tải đề xuống để các em làm. Đồng thời, Bộ đã giao cho Vụ GD trung học và Viện Chiến lược và chương trình GD xây dựng cuốn sách kèm theo đĩa CD hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường phổ thông.

Một giải pháp quan trọng khác, đó là phải giới thiệu được những nơi làm tốt. Báo chí đã giới thiệu nhiều gương tốt, nhưng Bộ cũng phải chủ động tập hợp danh sách các trường làm tốt công tác tổ chức dạy và học, gương các nhà giáo...

* Bộ trưởng cũng đề cập đến mối lo ngại về cách đánh giá thi đua sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc vận động?

- Có thực tế, một số tỉnh trước khi công bố kết quả tốt nghiệp THPT chính thức đã hỏi địa phương bạn xem năm nay dự kiến  tỷ lệ thi đỗ là bao nhiêu phần trăm. Sắp tới, Bộ đã khẳng định đổi mới thi đua, không đánh giá tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là một tiêu chí quan trọng. Vấn đề là đánh giá biện pháp, tại sao đạt được kết quả đó. Tỷ lệ khá giỏi từng trường là do trường bàn bạc tự đề xuất và phải căn cứ vào kết quả năm trước, căn cứ vào kiểm tra học lực đầu vào, căn cứ vào tình hình của đơn vị mình...

Năm học này, Bộ chưa thấy có tỉnh nào đặt vấn đề giao chỉ tiêu từ trên xuống. Rõ ràng, không đổi mới công tác thi đua thì không thể chống được bệnh thành tích. Rồi đây, thi đua cũng sẽ không dàn đều. Sẽ có hệ số trong thi đua. Mỗi năm học sẽ có một nhiệm vụ trọng tâm để xếp hệ số cao. Ngoài ra, mỗi địa phương được tự chọn cho mình chỉ tiêu nào là quan trọng.

Thư Hiên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.