(TNO) Ngày cuối năm, chúng tôi đến Hải đội 1, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (ở Bến Đoan, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) để chứng kiến cận cảnh cuộc chiến chống buôn lậu trên biển.
“Xuồng bay”
Dẫn chúng tôi ra cầu tàu, anh Ngô Thanh Tuấn, Phó hải đội trưởng Hải đội 1 đề nghị cất điện thoại, rồi lên xuồng cùng các cán bộ trinh sát ra khơi.
Nhiệt độ ngoài trời 8 độ C. Sóng tung bọt trắng xóa, mưa lất phất khiến hai hàm răng tôi va vào nhau lập cập.
Chiếc xuồng oằn mình trên mặt biển với tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ (khoảng 40 km/giờ). Theo anh Tuấn, đó là chiếc xuồng chạy nhanh nhất mà Hải đội có.
Chừng hơn 1 giờ, xuồng ra khỏi vịnh, sóng bắt đầu đánh mạnh lên cấp 3, cấp 4. Thân xuồng lắc lư chao đảo, có lúc vọt lên rồi rơi rầm xuống nước khiến các chiến sĩ dày dạn cũng nôn nao say sóng.
|
“Có tàu buôn lậu”, anh Ngô Thanh Tuấn đưa tôi chiếc ống nhòm. Trên ống kính hiện rõ một chiếc xuồng đang “bay” trên mặt nước. Chỉ một loáng đã mất hút khỏi tầm quan sát.
Trong cuộc chiến chống buôn lậu cũng như triển khai các nhiệm vụ khác trên biển, nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng như Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát thủy... thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. | ||
|
||
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan |
||
“Đó là những chiếc “xuồng bay”, có thể chạy với vận tốc gần 90 km/giờ. Với tốc độ đó, không một tàu nào của Hải quan có thể bám kịp. Nếu có tàu chặn ngang, chúng sẵn sàng tông thẳng và có thể xé đôi chiếc xuồng chúng ta đang chạy”, anh Tuấn giải thích.
Ngồi trên chiếc xuồng chạy 40km/giờ lướt trên mặt nước tôi đã thấy chóng mặt. Nhưng so với chiếc “xuồng bay” của bọn buôn lậu, chẳng khác nào một chiếc xe Cub 50 chạy đua với một chiếc Camry đời mới.
Để bắt những "xuồng bay" này, lực lượng Hải quan chỉ còn cách “giăng lưới” chờ chúng tập kết hàng.
“Chưa bao giờ chúng tôi bắt được những chiếc "xuồng bay" trên biển vì không có phương tiện nào có thể so tốc độ để đuổi bắt”, anh Tuấn nói.
Không chỉ hơn về tốc độ, những chiếc tàu của dân buôn lậu còn lắp máy công suất lớn để có thể chạy ngay cả khi có sóng to gió lớn trong khi tàu của lực lượng Hải quan đã được trang bị gần 20 năm nay.
Không cân sức
Cả Hải đội 1 chỉ có 6 chiếc tàu, trong đó có 2 chiếc tàu dầu, 4 tàu cao tốc và 4 chiếc xuồng. Gọi là tàu cao tốc nhưng chúng chỉ có thể chạy tối đa đến 22 hải lý/giờ.
Hồi tháng 12.2011, các cán bộ Hải đội 1 đã phải dùng hầu như toàn bộ lực lượng, với 4 chiếc tàu, xuồng mới vây bắt được 3 tàu của Trung Quốc đang chở gần 300 tấn dầu lậu (trị giá 6 tỉ đồng) vào Việt Nam.
Thuyền trưởng tàu HQ 46 Cao Văn Phúc nhớ lại: “Khi đó sóng cấp, 4 cấp 5, dù rất nguy hiểm nhưng anh em vẫn phải cố ra khơi, bởi trinh sát báo về chúng đang kéo hàng đoàn chở dầu lậu vào hải phận Việt Nam. Theo quy định của ngành đăng kiểm, khi sóng cấp 5 tàu phải nằm bờ nhưng trong nhiều tình huống cấp bách, chúng tôi vẫn phải ra khơi dù độ rủi ro cao…”.
Hải đội 1 chịu trách nhiệm chống buôn lậu trên vùng biển rộng lớn, kéo từ Móng Cái đến Quảng Bình. Đây là địa bàn nóng về tình trạng buôn lậu trên biển nhưng tàu thuyền vừa thiếu vừa lạc hậu.
Trên bờ, trụ sở Hải đội cũng phải đi thuê hai căn nhà dân ở ven bờ biển. Một căn không phải thuê lại là nhà cấp 4 lợp mái tôn, nằm trên khu đất… sắp bị giải tỏa.
|
Ông Ngô Thanh Tuấn ngập ngừng: “Căn nhà cấp 4 này đang là nhà ăn cho cán bộ. Sắp tới, TP.Hạ Long giải tỏa khu vực này để làm đường ven biển, chúng tôi cũng chưa biết đi đâu”.
Không chỉ ở Hải đội 1, tình trạng thiếu thiết bị hiện đại chống buôn lậu trên biển còn là tình cảnh chung ở cả vùng biển miền Trung và miền Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhận xét: Trong khi những kẻ buôn lậu sẵn sàng trang bị nhiều phương tiện rất hiện đại như tàu thuyền công suất lớn, gắn ra đa, định vị hiện đại thì trang thiết bị của lực lượng chống buôn lậu hiện tại có nhiều bất cập.
“Tàu tuần tra, kiểm soát trên biển được trang bị số lượng không nhiều, đa số kích thước nhỏ, khả năng chịu sóng kém, tốc độ thấp và không thể ra khơi xa do khả năng chứa nhiên liệu ít. Do đó, việc tuần tra kiểm soát và truy bắt các tàu buôn lậu không thể thực hiện trên biển liên tục trong thời gian dài”, ông Tuấn cho biết.
Káp Thành Long
>> Lính trẻ và cuộc chiến chống buôn lậu
>> Bắt vụ vận chuyển xăng qua biên giới
>> Đề nghị công an điều tra vụ buôn lậu “thịt bò Kobe”
>> Hàng lậu tấp nập về xuôi
>> Bắt vụ vận chuyển pháo lậu số lượng lớn
>> Cung đường "thuốc lá lậu
Bình luận (0)