Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang

21/07/2023 07:06 GMT+7

Tại Diễn đàn An ninh Aspen đang diễn ra từ ngày 18 - 21.7 tại bang Colorado (Mỹ), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả những hành động khiêu khích về thương mại, công nghệ của Washington.

Cáo buộc của Trung Quốc

Trong phiên thảo luận hôm 19.7, Đại sứ Tạ Phong cho biết một trong những điều gây bất bình nhất đối với Trung Quốc là việc Mỹ một mặt tuyên bố thúc đẩy cạnh tranh, nhưng mặt khác lại muốn loại Bắc Kinh ra khỏi cuộc chơi "một cách không công bằng" như cấm cửa Tập đoàn Huawei, hạn chế xuất khẩu linh kiện sản xuất chip sang Trung Quốc, theo trang web tin tức Semafor. "Trung Quốc không muốn gây chiến tranh thương mại hay công nghệ lấy cớ là cạnh tranh. Mỹ đang cố gắng chiến thắng bằng cách loại Trung Quốc ra ngoài và vận động các đồng minh để bao vây Trung Quốc. Điều này không công bằng", Đại sứ Tạ viết trên Twitter.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang  - Ảnh 1.

Mỹ và Trung Quốc đang có những động thái ăn miếng trả miếng về chip

Reuters

Trước đó, Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ Hà Lan sau khi quốc gia châu Âu này công bố quy định hạn chế xuất khẩu thiết bị để sản xuất bán dẫn, được thông qua hồi tháng 3 và sẽ có hiệu lực từ tháng 9 năm nay. Theo AFP, quyết định được công bố chưa đầy hai tháng sau khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sang Mỹ hồi tháng 1 để thảo luận vấn đề này với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mỹ đã thông qua lệnh hạn chế tương tự vào năm ngoái. Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án Mỹ và cho rằng Washington đang tìm cách ép buộc các nước khác áp đặt các hạn chế đối với Bắc Kinh. "Chúng tôi không mong muốn một cuộc ăn miếng trả miếng. Chúng tôi không muốn có chiến tranh thương mại hay công nghệ. Trung Quốc sẽ không khiêu khích nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước bất kỳ hành động nào như vậy. Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả", Đại sứ Tạ tuyên bố.

Nghị sĩ Mỹ gây sức ép để Ford, General Motors giảm lệ thuộc linh kiện Trung Quốc

Kế hoạch của Mỹ

Những bình luận của vị đại sứ được đưa ra trong lúc chính quyền Tổng thống Biden đang hoàn tất lệnh hành pháp nhằm tạo ra một cơ chế kiểm soát việc đầu tư có thể giúp ích cho quân đội Trung Quốc trong các lĩnh vực như chất bán dẫn tiên tiến, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Một quan chức cấp cao trong chính quyền tiết lộ Nhà Trắng đặt mục tiêu hoàn tất việc đánh giá quy định này trước ngày 4.9, theo Reuters. Mặt khác, Mỹ cũng đang chuẩn bị cập nhật các lệnh kiểm soát xuất khẩu có từ năm ngoái nhằm bịt một số lỗ hổng và khiến các công ty Mỹ gặp khó hơn trong việc bán chất bán dẫn cho Trung Quốc.

Mỹ điều tra các công ty đầu tư vào Trung Quốc

Ủy ban Hạ viện Mỹ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra đối với các khoản đầu tư của các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn tại Trung Quốc, theo Reuters ngày 20.7. Ủy ban cáo buộc các khoản đầu tư của 4 công ty đóng góp trực tiếp cho hoạt động vi phạm nhân quyền, hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và nỗ lực của nước này nhằm lật đổ vị thế lãnh đạo công nghệ của Mỹ. Các công ty phải cung cấp thông tin trước hạn chót ngày 1.8. Trung Quốc và 4 công ty trên chưa bình luận gì.

Đáp lại, Trung Quốc gần đây ra lệnh cấm các công ty trong nước mua chip nhớ của Công ty Micron Technology (Mỹ) vì lý do an ninh. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thông báo sẽ siết chặt việc xuất khẩu hai kim loại hiếm chuyên dùng trong sản xuất bán dẫn là gali và germani từ tháng 8 vì lý do an ninh quốc gia.

Trước kế hoạch hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc của chính quyền Mỹ, hai hiệp hội công nghiệp bán dẫn hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc trong tuần này lần lượt đưa ra tuyên bố cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng. Theo Bloomberg, lãnh đạo 3 hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel, Qualcomm và Nvidia đang dự tính vận động chính quyền Mỹ và quốc hội không gia hạn quy định hạn chế đối với việc bán sản phẩm của họ sang Trung Quốc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.