“Virus là một tập hợp nhỏ mã di truyền (ADN - axit deoxyribonucleic hoặc ARN - axit ribonucleic) được bao bọc bởi một lớp áo protein. Virus không thể nhân bản, tự sinh sôi một mình mà phải xâm nhập vào tế bào và sử dụng các thành phần của tế bào chủ để tạo ra các bản sao của chính chúng”, theo National Human Genome Research Institute (Viện nghiên cứu Quốc gia Bộ Gien người (Mỹ).

Trong quá trình xâm nhập vào các tế bào để sinh sôi, thông thường, virus sẽ giết chết tế bào vật chủ và gây ra thiệt hại cho sinh vật chủ.

“Virus rất đặc trưng ở chỗ chúng chỉ có thể tồn tại bên trong tế bào sống. Vì vậy chúng phải có một tế bào sống để tồn tại và tái tạo”, tiến sĩ Bettie J. Graham, Viện nghiên cứu Quốc gia Bộ Gien người (Mỹ), cho biết.

Virus corona tấn công tế bào phổi, gây tổn thương hệ hô hấp

Mọi người bình thường vẫn hay đánh đồng, gọi lẫn lộn virus và vi khuẩn. Bởi lẽ, rất nhiều bệnh tật từ hiếm gặp đến phổ biến, từ nhẹ đến nặng ở con người mọi lứa tuổi là do virus hoặc vi khuẩn gây ra.

Tuy nhiên, “virus và vi khuẩn là hai loài hoàn toàn khác nhau”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết.

Vi khuẩn là sinh vật sống đơn bào không nhân, có khả năng tự sinh sản vô tính còn gọi là sinh sản phân đôi. Chúng chiếm số lượng đông đảo nhất trong sinh giới với nhiều loại, nhiều hình dạng khác nhau như hình que, hình cầu, hình xoắn, một số còn có lôi roi giống như chiếc đuôi giúp di chuyển. Chúng ta phát hiện được vi khuẩn trong các cơ thể sống và bên ngoài môi trường (đất, nước, không khí, đất, bề mặt dụng cụ, đồ vật....).

Trong khi đó, virus chỉ là các tiểu phần, không có cấu trúc tế bào. Chúng phải sống trong tế bào của các cơ thể sống. Hiện nay, giới khoa học vẫn tranh cãi về việc virus có phải là một tổ chức sống hiện hữu hay không. Kích thước của virus nhỏ hơn vi khuẩn từ 10-100 lần. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng virus nhiều hơn vi khuẩn từ 1-10 lần. Virus đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên trái đất.

Bên cạnh đó, có vắc xin giúp phòng ngừa các bệnh do virus. Các thuốc kháng virus thường dùng để điều trị một bệnh cụ thể do virus và chỉ giúp làm giảm quá trình nhân lên của virus, còn lại nhiệm vụ “chiến đấu” chống lại virus để hết bệnh vẫn là của hệ miễn dịch.

Theo chuyên trang Johns Hopkins Medicine, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi những “kẻ xâm lược” từ bên ngoài, chẳng hạn như vi khuẩn, virus, nấm và độc tố (hóa chất do vi khuẩn tạo ra). Nó được tạo thành từ các cơ quan, tế bào và protein khác nhau hoạt động cùng nhau.

Một phần hệ miễn dịch của mỗi người được nhận từ mẹ khi sinh ra gọi là hệ miễn dịch bẩm sinh; phần còn lại sau đó hệ miễn dịch của cơ thể mỗi người sẽ tự hoàn thiện trong quá trình phát triển gọi là hệ miễn dịch thu được.

Theo tiến sĩ Phạm Trường Sơn (tiến sĩ hóa dược tại Hungary, nguyên nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary, người nổi tiếng qua nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm thảo dược giúp tăng sinh tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị ung thư): Hệ miễn dịch là bộ phận đặc biệt phức tạp có ở mọi nơi trong cơ thể để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

“Không có hệ miễn dịch, chúng ta sẽ chết trong vòng vài tuần vì trên 1 cm2 bề mặt da đã có hàng chục nghìn vi sinh vật sẵn sàng tấn công cơ thể bất kỳ lúc nào”, tiến sĩ Sơn nói.

Vòng “biên giới” của hệ miễn dịch là lớp da, màng niêm mạc: miệng, họng, khí quản, dạ dày, ruột, hệ bài tiết… Đây như là những chốt chặn để ngăn những “kẻ xâm nhập” tấn công vào cơ thể.

Trong hệ miễn dịch còn đội quân bạch cầu, được ví như những tế bào sát thủ tự nhiên, để tiêu diệt các mầm bệnh nếu chúng vượt qua biên giới đầu tiên.

Khi virus corona xâm nhập vào cơ thể, các đại thực bào – một thành phần có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, chiến đấu chống lại virus và đồng thời gửi thông tin cảnh báo kích hoạt toàn hệ miễn dịch

Bên cạnh đó, còn có “đội quân” cao cấp hơn bao gồm các tế bào lympho B và T sẽ phân tích cấu trúc vi sinh vật và tạo kháng thể. “Kháng thể được xem như “vũ khí” đặc hiệu có tác dụng riêng cho từng loại virus, vi khuẩn. Sau khi tiêu diệt kẻ thù, chúng ghi nhớ thông tin để nếu mầm bệnh này lần sau tấn công sẽ có ngay “vũ khí” để sử dụng”, tiến sĩ Sơn giải thích.

Như vậy, hệ miễn dịch của con người sẽ luôn tự hoàn thiện và phát triển để bảo vệ cơ thể, chống chọi lại các mầm bệnh.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã giải thích cách virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, cũng như các loại virus gây bệnh khác, có cơ chế nhiễm và gây bệnh như sau: Virus trước tiên phải “vượt biên” qua lớp bảo vệ là da, niêm mạc ở mũi, miệng hay ruột. Với Covid-19, virus sẽ vào vùng hầu họng và xâm nhập các tế bào niêm mạc. Sau đó, chúng nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm, hàng ngàn con.

Virus “vượt biên” qua lớp bảo vệ là vùng hầu họng, niêm mạc ở mũi, miệng tấn công vào cơ thể

Phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc, virus sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Đây là giai đoạn ủ bệnh.

Đến một lúc nào đó, tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người, số lượng virus đủ lớn có thể phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của con người thì bệnh sẽ phát ra. Đây là giai đoạn phát bệnh.

Tiến sĩ Phạm Trường Sơn đã mô tả cách hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus xâm nhập, chống lại bệnh tật như một trận chiến gây cấn.

Khi virus đã xâm nhập cơ thể là lúc các “chàng lính ngự lâm” hệ miễn dịch là thực bào lao đến tấn công “ăn thịt” virus, đồng thời gửi cảnh báo thông tin đến toàn hệ miễn dịch là có kẻ thù xâm nhập.

“Các “anh lính” này dồn về đóng quân tại các căn cứ gần quân địch nhất đó là các hạch bạch huyết (nằm ở mang tai, cổ, nách, bẹn). Vì vậy chúng ta thấy khi có tác nhân lạ gây viêm nhiễm thì các hạch này sẽ sưng to lên”, tiến sĩ Sơn giải thích.

Vì số lượng hạn chế nên các thực bào không thể nào tiêu diệt kịp virus nhân bản quá nhanh, nên chúng phát động viêm gây sốt. Theo tiến sĩ Sơn, đây là “đòn đánh” thông minh vì nhiệt độ cao sẽ làm virus nhân bản chậm hơn, nhờ vậy hệ miễn dịch có thời gian tìm cách đối phó, thường phải mất một tuần. Tuy nhiên, khi cơ thể sốt quá cao (40 độ C) có thể gây tổn thương các mô khác nên người bệnh cần được điều trị hạ sốt.

Xác virus sẽ được các tế bào đưa mang về “doanh trại” ở các hạch để “cấp trên” là tế bào lympho B và T phân tích tìm chiến lược phù hợp.

Tế bào lympho B và T chính là hai “vị tướng”, sẽ thử các loại “vũ khí” để tiêu diệt virus. Khi tìm được “vũ khí” phù hợp (là kháng thể) thì tế bào B sẽ sản xuất hàng loạt và gửi nó đi khắp nơi trong cơ thể để vô hiệu hóa, tiêu diệt “kẻ xâm nhập”.

“Sau một tuần nhiễm bệnh, sốt và mệt mỏi, người bệnh phục hồi do hệ miễn dịch đã hoàn thiện tạo kháng thể để chống lại virus. Thông tin về kháng thể sẽ được lưu trữ để những lần sau nếu virus này xâm nhập thì cơ thể có ngay vũ khí chống lại mà không phải chờ lâu”, tiến sĩ Sơn giải thích.

Báo Thanh Niên
20.08.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top