Cuộc chiến giữ rừng: Máu đổ giữa rừng xanh

09/11/2012 10:11 GMT+7

Tiếng cưa máy, tiếng cây rừng đổ, xe cơ giới gầm rú nơi bìa rừng và cả tiếng kêu hoảng loạn của muôn thú… - âm thanh đó không chỉ “làm đau” những người dân bản địa mà như cứa vào tâm can của những người gác rừng ở Quảng Trị…

Có một cuộc chiến đã bắt đầu từ lâu để làm dứt điểm cơn đau đó. Nhưng theo thời gian, cuộc chiến đó vẫn âm ỉ, khôn nguôi. Đáng sợ hơn, khi đó chỉ còn là cuộc chiến của người với người, khi máu đã đổ…

 Hung thần trên những tuyến đường vùng cao huyện Đakrông
Hung thần trên những tuyến đường vùng cao huyện Đakrông, Hướng Hóa - Ảnh: Nguyễn Phúc

“Mèo” và “mâm cỗ”

Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị lại có sự ví von đắt đỏ đến vậy khi nói về cuộc chiến giữ rừng. Theo ông, “mâm cỗ” ở đây là hơn 230.000 ha rừng (trong đó có 130.000 ha rừng tự nhiên) của tỉnh Quảng Trị, mời gọi những “con mèo” hám lợi, tìm mọi cách lao đầu vào xâu xé. “Con mèo” này tới ăn cỗ được thì nó sẽ rủ đồng bọn đến cùng ăn, chẳng mấy chốc mà đông, mà hết.”- ông Quý lo lắng.

 

Sống - chết: 50-50

“Cung đường “ưa thích” của xe kính đen là đường vùng Lìa, đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây và nhánh phía Đông… tất cả cùng đổ ra QL 9 để về xuôi. Việc dừng xe kính đen là không hề đơn giản, tài xế xe  này sẽ lao thẳng vào lực lượng chức năng. Nếu mình lách sang thì chúng thoát mà đối đầu thì “cả hai cùng chết”… Vì vậy mà có người ví khi kiểm lâm rượt đuổi xe kính đen  cũng giống như chấp nhận tham gia vào “đường đua tử thần”, ở đó cái sống và cái chết là 50-50”, một kiểm lâm viên tâm sự.

Rừng ở Quảng Trị vẫn còn nhiều loại gỗ quý, như: gõ, sú, dỗi, chua khét… “Xấu” thì 10 triệu/m3, “đẹp” thì phải trên dưới 20 triệu/m3. Với mức giá đó thì thật khó để ngăn cản những “con mèo” vào rừng. Ví như tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông, vùng đệm của khu giáp 10 xã thuộc H.Đakrông, là nơi đồng bào thiểu số sinh sống, dân trí thấp, kinh tế kém phát triển nên họ chủ yếu sống nhờ rừng. “Họ vào vùng đệm được thì vào vùng lõi được, hạ hết cây gỗ tạp thì hạ tiếp cây cổ thụ là tất nhiên…”- ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc Khu BTTN Đakrông cho biết. Ghi nhận tại Hạt kiểm lâm H.Hướng Hóa, vụ vận chuyển gỗ lậu lớn nhất mà cán bộ hạt phát hiện lên đến gần 13m3 (xảy ra vào ngày 3.8.2012) và vụ có giá trị lớn nhất cũng tròm trèm 300 triệu đồng. Những cán bộ có trách nhiệm tại đây thừa nhận rằng tại khu vực Cuôi (xã Hướng Lập) và khu vực Hoong, Cóc (xã Hướng Linh)…là những điểm “nóng bỏng tay” về khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép.

Đáng lo nhất là những “con mèo” rừng nay lại được giật giây bởi những con “mèo chúa” từ miền xuôi lên, ranh ma hơn, táo lợn hơn.

Máy cưa xăng, xe kính đen…

Đó được coi là đặc điểm nhận dạng của lâm tặc tại địa bàn Quảng Trị. Ngày nay, khi nhắc về dĩ vãng một thời của lâm tặc người ta vẫn nhớ nhiều đến chiếc cưa lếu (lưỡi cưa to, dài, có cán cầm 2 đầu) bởi đó là công cụ ban sơ để phá rừng. Từ khi máy cưa xăng (chạy động cơ, có lưỡi cưa tự động) ra đời thực sự là một “bước ngoặt” trong “kỹ nghệ” phá rừng… “Giờ đây, dù chỉ có một mình nhưng trong vòng 2 giờ, lâm tặc có thể đốn hạ thân cây có đường kính 60-70 cm mà vẫn còn dư thời gian cắt thân ra thành 2 phách gỗ vuông vắn…”- ông Tiến đưa ra một ví dụ hết sức đáng sợ.

Theo những kiểm lâm viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông thì trước đây 1 máy cưa xăng giá trên chục triệu, nay có hàng Trung Quốc rồi người ta mua đi bán lại, giá chỉ còn 2,3 triệu nên “lâm tặc xoàng” cũng sắm được. Nhiều lâm tặc còn biết chế bộ phận giảm thanh hoặc chỉ hoạt động lúc trời mưa lớn để không ai biết. “Trước đây trâu dùng để kéo gỗ thì nay lâm tặc san đường dùng xe 2 cầu để vận chuyển…”- một kiểm lâm viên ngán ngẩm.

Kinh nghiệm khi lang thang trên những cung đường Hướng Hóa và Đakrông là thấy những chiếc xe kính đen thì phải lập tức tấp vào lề đường rồi… nín thở. Loại xe này được ngụy trang từ loại xe khách 12 hoặc 16 chỗ cũ rích đã được hạ tải, toàn bộ cửa kính ở trên xe đều được dán màu đen bịt bùng. “Lâm tặc tại Quảng Trị  dùng loại xe này để vận chuyển gỗ về xuôi. Chỉ cần nổ máy là chúng phóng bạt mạng  hòng thoát khỏi sự truy đuổi của cơ quan chức năng”- ông Tống Phước Châu, Trưởng phòng pháp chế (Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị) tặc lưỡi.

“Từ  năm 2009 đến 8.2012, đã có gần 2.000 vụ vi phạm lâm luật các loại bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và hơn 4.000m3 gỗ bị tịch thu. Đáng nói rằng, nếu tính cả những vụ mà lực lượng chức năng không phát hiện được thì con số này sẽ là bao nhiêu?”

Nguyễn Phúc

>> Phá rừng phòng hộ
>> Điều tra cán bộ kiểm lâm câu kết lâm tặc phá rừng
>> Phá rừng phòng hộ làm nhà máy xi măng
>> Phá rừng hàng loạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.