Cuộc chiến giữa độc quyền và cạnh tranh giá dầu

16/01/2015 09:00 GMT+7

Giá dầu vẫn đang là chủ đề nóng của kinh tế thế giới, Thanh Niên xin giới thiệu thêm bài viết độc quyền của chuyên gia Anatole Kaletsky.

Giá dầu vẫn đang là chủ đề nóng của kinh tế thế giới, Thanh Niên xin giới thiệu thêm bài viết độc quyền của chuyên gia Anatole Kaletsky.

Một giàn khoan dầu ở Mỹ Một giàn khoan dầu ở Mỹ - Ảnh: Reuters

Nếu có một con số quyết định được vận mệnh kinh tế thế giới, đó chính là giá dầu. Cứ trước mỗi đợt suy thoái trên bình diện toàn cầu kể từ sau năm 1970, giá dầu ít nhất phải tăng gấp đôi, và cứ mỗi lần giảm phân nửa và duy trì đà này liên tục trong 6 tháng hoặc hơn, thế giới lại tận hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng nể. Từ 100 USD giảm còn 50 USD/thùng, giá dầu hiện lơ lửng đúng ngay mức then chốt của nó. Do vậy, liệu chúng ta có nên chờ đợi ngưỡng 50 USD/thùng sẽ là mức giá sàn hoặc giá trần cho biên độ giao dịch mới của giá dầu?

 Anatole Kaletsky (ảnh), sinh năm 1952, là Chủ tịch Viện Tư duy kinh tế mới ở New York (Mỹ), tác giả cuốn sách Chủ nghĩa tư bản 4.0, Sự ra đời của một nền kinh tế mới. Ông là nhà kinh tế học và nhà báo tại Anh, từ năm 1976 đã bắt đầu đóng góp nhiều bài viết bình luận chuyên sâu về giá dầu trên các tờ The Economist, The Financial TimesThe Times of London trước khi tham gia các chuyên mục của Reuters và The International Herald Tribune vào năm 2012.

Hầu hết các nhà phân tích vẫn cho rằng 50 USD là ngưỡng sàn, hoặc thậm chí là bàn đạp của dầu, vì kỳ vọng giá dầu sẽ tăng  lên 70 hoặc 80 USD. Tuy nhiên, kinh tế học và lịch sử cho thấy giá hiện nay nên được xem là mức trần giá dầu có thể giảm đến 20 USD/thùng.

Mức trần mới

Thị trường dầu luôn luôn được đánh dấu bởi cuộc xung đột giữa sự độc quyền và cạnh tranh. Tuy nhiên, cái mà hầu hết các nhà bình luận phương Tây từ chối công nhận chính là ngôi vô địch trong cuộc cạnh tranh hiện nay thuộc về Ả Rập Xê Út.

Về khía cạnh lịch sử, đặc biệt lịch sử của giá dầu đã điều chỉnh theo lạm phát từ năm 1974, khi OPEC lần đầu tiên trỗi dậy. Sự kiện đó đã cho thấy rõ ràng hai chế độ niêm yết giá khác nhau. Từ năm 1974 - 1985, giá dầu tiêu chuẩn Mỹ dao động trong ngưỡng từ 50 đến 120 USD/thùng (tính theo giá trị tiền tệ hiện nay). Từ năm 1986 - 2004, nó lọt vào ngưỡng từ 20 đến 50 USD (ngoại trừ 2 giai đoạn bất thường ngắn ngủi rơi vào thời điểm Iraq tràn quân vào Kuwait năm 1990 và Nga phá giá tiền tệ năm 1998). Từ năm 2005 - 2014, dầu một lần nữa được giao dịch ở ngưỡng từ 50 đến 120 USD, trừ 2 đợt tăng mạnh đột ngột trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Nói một cách khác, biên độ giao dịch trong 10 năm qua tương tự như tình trạng xảy ra vào thập niên đầu tiên của thời đại OPEC, trong khi giai đoạn từ năm 1986 - 2004 đại diện cho một cơ chế hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt giữa hai cơ chế này là do sự suy sụp quyền lực của OPEC vào năm 1985 (bị tác động từ sự phát triển ngành dầu khí ở biển Bắc và Alaska) khiến thế giới chuyển từ giai đoạn độc quyền về giá dầu sang giai đoạn cạnh tranh. Nhưng thị trường cạnh tranh đã chấm dứt vào năm 2005, khi nhu cầu mãnh liệt từ Trung Quốc tạm thời gây nên tình trạng thiếu hụt dầu trên toàn cầu. Diễn biến trên cho thấy 50 USD có thể là ranh giới tiềm năng giữa chế độ giá dầu độc quyền với giá cạnh tranh.

Trong một thị trường cạnh tranh, giá cả nên tương đương với chi phí biên. Theo đó, giá dầu sẽ phản ánh các chi phí mà một nhà cung cấp hiệu quả buộc phải thu lại để sản xuất thùng dầu cuối cùng nhằm đáp ứng nhu cầu của thế giới. Ngược lại, trong cơ chế giá độc quyền, nhà cung cấp độc quyền có thể chọn mức giá cao hơn nhiều so với chi phí biên, và kế đến giới hạn mức sản xuất để đảm bảo cung không bao giờ được vượt cầu.

Chiến lược của Ả Rập Xê Út

Cho đến mùa hè năm ngoái, dầu vẫn được giao dịch theo cơ chế giá độc quyền, bởi vì Ả Rập Xê Út trở thành một “nhà cung cấp chi phối”, hạn chế nguồn cung khi vượt cầu. Thế nhưng, cơ chế này tạo ra sự khích lệ mạnh mẽ cho các nhà sản xuất dầu khác, đặc biệt ở Mỹ và Canada, để nhanh chóng tăng mạnh sản lượng. Bất chấp chuyện phải đối đầu với chi phí sản xuất cao hơn nhiều, các nhà kinh doanh dầu khí đá phiến Bắc Mỹ có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ, nhờ vào sự bảo đảm giá dầu từ Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út chỉ có thể duy trì mức giá cao bằng cách giảm sản lượng của chính mình để tạo không gian cho thị trường thế giới dung nạp thêm sản lượng dầu ngày càng gia tăng của Mỹ. Nhưng đến mùa thu năm ngoái, các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út đã thấy đây là thất sách. Những thế lực thống trị thị trường dầu Trung Đông giờ đây quyết định lật lại thế cờ thua. Cách duy nhất mà OPEC có thể khôi phục, hoặc thậm chí duy trì được thị phần là phải đẩy giá dầu xuống mức mà các nhà sản xuất Mỹ buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng để cân bằng cung - cầu thế giới. Nói ngắn gọn, Ả Rập Xê Út buộc phải chấm dứt vai trò “nhà sản xuất chi phối” và đẩy các đồng nghiệp sản xuất dầu khí đá phiến Mỹ vào thế chỗ.

Việc sản xuất dầu đá phiến có thể đóng cửa rồi mở lại với chi phí thấp. Vì vậy, các điều kiện của thị trường cạnh tranh sẽ áp đặt Ả Rập Xê Út và những nhà sản xuất dầu giá rẻ khác luôn phải hoạt động ở công suất tối đa. Tuy nhiên, giới khai thác Mỹ trải nghiệm các chu kỳ bùng nổ - sụp đổ theo các thị trường tiêu dùng. Đó là đóng cửa khi cầu thế giới suy yếu hoặc xuất hiện các nguồn cung dầu giá rẻ khác từ Iraq, Libya, Iran hoặc Nga và gia tăng sản lượng trong giai đoạn kinh tế toàn cầu phát đạt, thời điểm nguồn cầu về dầu đạt đỉnh điểm.

Theo logic cạnh tranh này, chi phí biên của dầu đá phiến Mỹ sẽ trở thành ngưỡng trần cho giá dầu thế giới, trong khi giá của các mỏ dầu truyền thống ở nơi khá hẻo lánh của OPEC và Nga có thể là mức sàn. Thực tế, giá sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ hầu hết ở ngưỡng 50 USD, trong khi giá hòa vốn của các mỏ dầu truyền thống thường vào khoảng 20 USD. Do đó, biên độ giao dịch trong thế giới mới của giá dầu cạnh tranh có thể là từ 20 đến 50 USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.