Cuộc chiến kéo dài 4 đời tổng thống Mỹ

Như Trần
Như Trần
10/09/2021 08:29 GMT+7

Đáp trả vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 do tổ chức khủng bố al-Qaeda tiến hành, Mỹ đã phát động một cuộc chiến kéo dài qua 4 đời tổng thống nước này.

Ngày 18.9.2001, quốc hội Mỹ cho phép quân đội trừng phạt những kẻ đứng sau vụ tấn công 11.9. Hai ngày sau, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W.Bush có bài phát biểu trước quốc hội về chiến dịch chống khủng bố toàn cầu do Washington dẫn đầu.
Dù không thành viên nào của chính quyền Taliban hay công dân Afghanistan nào nằm trong nhóm 19 đối tượng thực hiện vụ khủng bố 11.9, Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố: “Không phân biệt giữa những kẻ lên kế hoạch tấn công và kẻ đã che chở cho chúng”, theo tờ The Wall Street Journal. Do Taliban không giao nộp các lãnh đạo al-Qaeda đang ẩn náu ở Afghanistan, bao gồm cả Osama Bin Laden được xem là thủ lĩnh của al-Qaeda, nên ông Bush tuyên bố sẽ đưa các thủ lĩnh al-Qaeda ra trước công lý, và “Taliban cũng sẽ phải trả giá”.

Khởi động chiến tranh

Ngày 7.10.2001, Tổng thống Bush khởi động “Chiến dịch Tự do bền vững” ở Afghanistan cùng với sự giúp đỡ của Anh. Canada, Úc, Đức và Pháp cũng cam kết hỗ trợ Mỹ sau đó.
Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, Mỹ chủ yếu không kích vào các mục tiêu al-Qaeda và Taliban. Đến tháng 11.2001, Tổng thống Bush đưa 1.300 binh sĩ Mỹ sang Afghanistan. Con số này đã tăng lên gần 10.000 vào năm sau. Chính quyền Taliban ở Kabul nhanh chóng bị Mỹ và Anh lật đổ chỉ sau vài tuần và đến tháng 12.2001 thì thủ lĩnh Mullah Omar của Taliban chạy trốn.

Mối đe dọa khủng bố thay đổi ra sao 20 năm sau vụ tấn công 11.9?

Cũng vào tháng 12.2001, LHQ đã mời các phe phái lớn của Afghanistan tham dự một hội nghị ở Bonn (Đức). Các bên đã ký một thỏa thuận thành lập chính quyền lâm thời do ông Hamid Karzai lãnh đạo và thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để duy trì an ninh ở Kabul. Đến tháng 5.2003, Lầu Năm Góc tuyên bố phần lớn nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan đã kết thúc. Lúc này, Mỹ có khoảng 8.000 binh sĩ ở Afghanistan.

Duy trì trật tự

Tháng 8.2003, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm nhận quyền kiểm soát các lực lượng an ninh quốc tế (ISAF) ở Afghanistan. Sau đó, số lượng quân ISAF tăng từ 5.000 lên khoảng 65.000 binh sĩ đến từ 42 quốc gia. Tuy nhiên, Taliban cũng bắt đầu xây dựng lại lực lượng, phối hợp cùng các tổ chức Hồi giáo khác tại miền nam và miền đông Afghanistan. Đến khi Tổng thống Bush mãn nhiệm vào tháng 1.2009, số quân Mỹ hiện diện ở Afghanistan đã vượt mức 30.000.
Sau khi bước vào Nhà Trắng năm 2009, Tổng thống Barack Obama khẳng định Afghanistan là mặt trận quan trọng hơn trong chiến dịch chống lại các lực lượng khủng bố. Ông cũng nâng số quân Mỹ ở Afghanistan lên khoảng 68.000 người vào năm 2009. Cuối năm đó, ông Obama gửi thêm 30.000 quân.

Câu chuyện phía sau bức ảnh khắc họa đậm nét cuộc chiến Afghanistan

Tuy nhiên, ông Obama tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi Afghanistan. Ước tính vào năm 2010, khoảng 150.000 binh sĩ nước ngoài được triển khai tại Afghanistan, trong đó có 100.000 quân Mỹ, mức cao nhất trong cuộc chiến. Đến tháng 6.2011, ông Obama tuyên bố rút bớt lực lượng ở Afghanistan do Mỹ đã hoàn thành mục tiêu cốt lõi khi tiêu diệt 20/30 thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda.
Tháng 12.2014, liên minh NATO kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan. Tuy nhiên, khoảng 12.500 binh sĩ nước ngoài - trong đó có 9.800 binh sĩ Mỹ - vẫn ở lại để huấn luyện quân đội Afghanistan và chống khủng bố. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của Taliban lan rộng, an ninh ở Afghanistan ngày càng tồi tệ.
Đến năm 2017, dù từng tuyên bố muốn rút quân khỏi Afghanistan khi tranh cử, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump cho rằng tình hình ở thực địa không cho phép rút quân khỏi Afghanistan. Sau đó, ông Trump điều thêm hàng ngàn binh sĩ đến Afghanistan. Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Trump đã mở các cuộc đàm phán ở Doha (Qatar) với Taliban, tập trung vào việc cắt giảm số quân Mỹ ở Afghanistan. Đổi lại, Washington yêu cầu Taliban cam kết không để các nhóm khủng bố hoạt động ở Afghanistan.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, khép lại cuộc chiến kéo dài 20 năm

Ngày 29.2.2020, Mỹ và Taliban ký thỏa thuận lịch sử mở đường cho việc rút tất cả lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan vào tháng 5.2021 và Taliban phải đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan. Đến tháng 1.2021, quân số Mỹ ở Afghanistan giảm xuống còn 2.500 người. Tổng thống Mỹ lúc này là Joe Biden tuyên hứa sẽ tôn trọng thỏa thuận rút quân và sẽ hoàn thành việc này vào ngày 11.9. Đến ngày 8.7, ông Biden thông báo Mỹ sẽ đưa toàn bộ quân về nước vào ngày 31.8.
Cuối tháng 4, các lực lượng NATO bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan. Bằng một cuộc tổng tiến công chớp nhoáng, Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15.8. Và sau một cuộc sơ tán đầy hỗn loạn ở sân bay Kabul, nhóm binh sĩ cuối cùng của Mỹ rời Afghanistan vào ngày 30.8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.