Nhiều hãng thông tấn, báo in, đài truyền hình trên thế giới liên tục tìm tòi, ứng dụng các thành tựu công nghệ với mục tiêu nâng cao chất lượng thông tin, độ nhanh nhạy và tính tiên phong.
Phóng viên robot
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có nhiều ứng dụng rộng rãi, lĩnh vực báo chí đang nhanh chóng tận dụng để sản xuất tin bài, phân vùng xu hướng độc giả cũng như phân tích lượng dữ liệu khổng lồ nhằm lọc thông tin quan trọng.
Theo trang The Conversation, các hệ thống phân tích, thống kê dữ liệu nhằm gợi ý đề tài giúp phóng viên, trong khi AI còn có thể tự động viết các bản tin tài chính, thể thao và kết quả bầu cử. Nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company (Mỹ) cho thấy công nghệ AI hiện tại có thể tự động hóa khoảng 15% công việc của phóng viên và 9% công việc của biên tập viên.
|
Tháng 11.2018, chương trình AI mang tên Tobi gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn khi sản xuất cho Tập đoàn truyền thông Tamedia (Thụy Sĩ) gần 40.000 bản tin về kết quả bầu cử ở nước này chỉ trong vòng 5 phút. Tại Mỹ, tờ The Washington Post sử dụng chương trình tự động Heliograf để tường thuật nhiều sự kiện vận động tranh cử, thông tin thể thao và kinh tế. Tương tự, Reuters sử dụng công cụ Lynx Insight phân tích dữ liệu tự động để xác định xu hướng nhằm gợi ý đề tài cho phóng viên, còn khoảng 1/4 nội dung tin bài của Bloomberg có sự tham gia của hệ thống tự động hóa.
Bên cạnh đó, khả năng phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ của AI còn giúp hỗ trợ những lĩnh vực khó khăn như điều tra. Tờ Atlanta Journal-Constitution năm 2016 từng đưa tin liên quan đến 450 trường hợp bác sĩ ở Mỹ bị xử lý vì các vi phạm nặng, bao gồm cả tội hình sự. Sau khi AI giúp lọc ra những trường hợp đáng ngờ để nhóm phóng viên tiếp tục điều tra, tờ báo đã vạch trần sự thật rằng gần phân nửa trong số này vẫn được tiếp tục hành nghề.
tin liên quan
Góc nhìn phóng viên: Tuổi trẻ không hối tiếcTrong lĩnh vực truyền hình, robot cũng đang có vai trò hỗ trợ tích cực, chẳng hạn như Tân Hoa xã năm ngoái giới thiệu phát thanh viên robot “không vị kỷ và luôn sẵn sàng làm việc”. Các chương trình máy tính mô phỏng giọng nói, biểu cảm và cử động môi của robot đọc tin giống hệt con người, dù phiên bản ban đầu bị chê là “thiếu sự nồng hậu”. Đài NHK của Nhật Bản cũng tạo ra một phát thanh viên ảo có thể ra dấu cho người khiếm thính hoặc đọc bản tin buổi tối.
Nhà báo hiện đại
Trước xu hướng trên, xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại AI có thể vượt tầm kiểm soát và cạnh tranh công việc của con người hoặc bị lợi dụng viết tin thất thiệt, thậm chí mạo danh nhà báo. Tuy nhiên, tạp chí Politico dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng nhà báo robot khó có thể cạnh tranh với con người trong các lĩnh vực như điều tra hay bình luận sâu về kinh tế, chính trị. Còn theo The Conversation, nhà báo hiện đại sẽ phối hợp làm việc với robot và phụ trách những công việc chúng không làm được, chẳng hạn đặt vấn đề hay tương tác với nhân vật được phỏng vấn. Quá trình phối hợp này đã diễn ra tại Hãng tin AP từ năm 2017 khi AI giúp đặt chú thích cho hàng ngàn ảnh phải xử lý mỗi ngày. Hệ thống có thể xác định được người hoặc vật trong ảnh và đánh dấu các ảnh bạo lực nên biên tập viên sẽ có nhiều thời gian hơn để chọn các bức ảnh đẹp và ấn tượng để xuất bản. Tại Anh, dự án RADAR hiện giúp đưa ra khoảng 8.000 bản tin mỗi tháng dựa trên sự phối hợp của 6 nhà báo và robot giúp tổng hợp thông tin do họ định hướng.
Vì thế, theo các chuyên gia, robot không thay thế mà đang thay đổi công việc của nhà báo hiện đại và nhà báo tương lai sẽ cần trang bị những kỹ năng thiết kế, cập nhật, điều chỉnh, giám sát và duy trì các hệ thống AI. Sự phối hợp giữa người và robot được kỳ vọng sẽ giúp báo chí phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ cải thiện đáng kể tốc độ, hiệu quả và chất lượng tin bài.
“Phản công” mạng xã hội
Bên cạnh đó, một xu hướng khác là tận dụng mạng xã hội để cạnh tranh với chính nó, đồng thời phát triển báo chí đa phương tiện để phục vụ bạn đọc trên nhiều kênh khác nhau. Thống kê cho thấy nhiều trang tin có thu phí đã tăng doanh thu nhờ giới thiệu tin bài trên Facebook, YouTube, Twitter, trong khi các tạp chí được biết đến nhiều hơn thông qua Instagram và Snapchat. “Facebook tiếp tục đưa lượng truy cập đến với trang chúng tôi với một tốc độ và lưu lượng vượt trội. Chúng tôi cũng thấy lượng truy cập tăng mạnh thông qua những mạng xã hội khác như WhatsApp”, theo bà Karyn Fleeting, phụ trách về bạn đọc tại Công ty Reach PLC (Anh) sở hữu nhiều tờ báo như Daily Mirror, Sunday Mirror và The Sunday People.
Với sự chuyển mình mạnh mẽ của báo chí truyền thống và những tác động tiêu cực ngày càng rõ rệt của mạng xã hội về mặt thông tin, “thời hoàng kim” của mạng xã hội cho phép “mỗi người dân là một nhà báo” đang trôi qua nhanh chóng và trả lại nhiệm vụ này cho báo chí. Nguyên nhân được cho là nạn phát tán tin giả, quan ngại về tình trạng bắt nạt trên mạng, tuyên truyền cực đoan và những ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em, theo tờ The Guardian. Khảo sát của Công ty tư vấn Edelman (Mỹ) tại 28 nước cho thấy chỉ có 24% số người được hỏi tin tưởng vào tin tức do người dùng đăng trên Twitter, Facebook và Instagram. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ báo chí truyền thống tăng lên 61% và là mức cao nhất kể từ năm 2012.
Không ngừng tiếp cận kinh nghiệm làm báo “thời 4.0”Trong nhiều năm qua, Báo Thanh Niên, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA), thường xuyên mời cố vấn từ những quốc gia có nền báo chí phát triển để truyền đạt kinh nghiệm làm báo “thời 4.0”. Những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả buộc báo chí đứng trước những thay đổi sâu rộng. Kết quả của những thách thức và cơ hội to lớn này là sự xuất hiện của nhiều giải pháp sáng tạo, phi truyền thống, tận dụng sức mạnh công nghệ để cải tiến không chỉ mô hình tác nghiệp mà cả mô hình kinh doanh báo chí. Quá trình này diễn ra rất sớm và rất nhanh tại nhiều quốc gia. Các cố vấn, đều là những nhà báo và nhà quản lý báo chí nổi tiếng từ Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... mang đến nhiều kinh nghiệm và đóng góp hữu ích cho chiến lược phát triển, giúp rèn luyện những kỹ năng làm báo hiện đại, như chuyển đổi sang mô hình báo chí điện tử, thiết lập tòa soạn hội tụ, ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới hình thức và nội dung báo chí, khai thác nền tảng di động, và xây dựng nguồn doanh thu mới trên nền tảng kỹ thuật số.
Thế Vinh
|
Nguồn thu mớiSong song với cải tiến chất lượng nội dung và hình thức tin bài trong bối cảnh quảng cáo sụt giảm, nhiều tờ báo bắt đầu thu phí thuê bao đối với độc giả online. Tờ The New York Times hiện thu hút khoảng 4 triệu người đăng ký với tiêu chí “mỗi tin bài đều đáng chi tiền để đọc”. Tờ Helsingin Sanomat của Phần Lan có doanh thu tăng vọt nhờ thu phí trên trang online, còn chuyên san điều tra Mediapart (Pháp) thu 2,4 triệu euro/năm (63 tỉ đồng) từ khoảng 140.000 thuê bao và là năm thứ 10 liên tiếp có lãi, trong khi không hề đăng quảng cáo. Theo khảo sát của Digital News Report đối với 200 biên tập viên, giám đốc và lãnh đạo trong lĩnh vực báo chí, 52% cho rằng thu phí sẽ là vấn đề quan trọng nhất đối với nguồn thu báo chí trong năm 2019, so với 27% vẫn tập trung vào quảng cáo.
|
Bình luận (0)