Ngoài hình ảnh một vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc, bị đày lưu vong tại Alger (thủ đô Algeria) cho đến hết đời, vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, họa sĩ.
Bức tranh Chiều tà từng được bán đấu giá tại Pháp - Ảnh: T.L
|
Cháu gái đời thứ 5 tìm về tổ tiên
Chiều 5.3, hội thảo với chủ đề Vua Hàm Nghi: Một cuộc đời nghệ sĩ, do Trung tâm văn hóa và hợp tác Pháp tại TP.HCM tổ chức, với diễn giả là cô Amandine Dabat, nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử mỹ thuật VN của Đại học Paris IV - Sorbonne, đã diễn ra tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM.
|
|
Không ít người dự khán xúc động khi nghe cô chia sẻ: “Từ trong sâu thẳm, tôi luôn ý thức về gốc gác, tổ tiên của mình là người Việt. Dù ở Pháp ít người biết về vua Hàm Nghi, nhưng tự thân tôi mong muốn được tìm hiểu về con người đáng tự hào của ông nên khi học lên tiến sĩ, tôi quyết định chọn đề tài về ông để làm luận văn tốt nghiệp. Các thành viên hậu duệ gia đình vua Hàm Nghi chúng tôi đã từng tới VN du lịch với mong muốn khám phá quê hương tổ tiên mình”.
Mục đích của buổi hội thảo là giới thiệu cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi, điều mà hầu như chưa được biết đến, và phác thảo hành trình đến với nghệ thuật của ông trong thời gian lưu đày. Chính phủ Pháp, với mong muốn “Pháp hóa” vua Hàm Nghi, đã thấy được thiên hướng hội họa của ông và đề nghị ông học vẽ dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Marius Reynaud. Từ đó, ông gặp gỡ các nghệ sĩ khác tại Alger, cũng như tại Paris, nơi ông nghỉ hè mỗi hai năm từ năm 1893. Vua Hàm Nghi cũng được học điêu khắc cùng Auguste Rodin. Hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh bị lưu đày, đối với vua Hàm Nghi là một cơ hội giúp ông tìm lại mối dây liên kết với Đông Dương. Đến với nghệ thuật, ông được thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình cảm của mình với đất mẹ VN.
Người mở đầu cho lịch sử hội họa VN hiện đại
Nhà VN học nổi tiếng N.I.Nikulin người Nga từng nhận định về vua Hàm Nghi rằng: “Số phận đã đưa đẩy ông trở thành người sáng lập nền hội họa hiện đại VN. Vua Hàm Nghi có vị trí vinh dự trong lịch sử dân tộc, không chỉ vì cuộc đấu tranh cho tự do, chống lại chủ nghĩa thực dân, mà còn vì nền hội họa của VN”.
Lên ngôi từ tuổi 13, vua Hàm Nghi trị vì được vài năm thì bỏ ngôi đi kháng chiến rồi bị lưu đày. Ông học vẽ, học nặn tượng trong những ngày lưu vong. Ông có tài chụp ảnh, vẽ tranh, nặn tượng theo các trường phái nghệ thuật Tây phương. Năm 1926, ông có cuộc triển lãm tranh ở thủ đô Paris, và với sự kiện ấy, vua Hàm Nghi cùng với họa sĩ Lê Văn Miến được xem là hai người đi tiên phong vào nền hội họa sơn dầu theo kỹ thuật Tây phương, mở đầu cho lịch sử hội họa VN thời hiện đại. Rõ ràng, vua Hàm Nghi đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, bởi ông là người VN đầu tiên triển lãm tranh, tượng tại Paris, chỉ kém một năm so với sự kiện thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội vào năm 1925.
Vua Hàm Nghi vẽ nhiều phong cảnh Algeria và Pháp, bằng phong cách hội họa phương Tây với cái “hồn” VN. Tranh của ông được đánh giá cao về hai mặt tình cảm và nghệ thuật, như lời của Amandine nghiên cứu: “Tranh cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, nội dung đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, nhưng kín đáo, trầm buồn, u uẩn bởi nghệ thuật là phương tiện để ông thể hiện sự hoài nhớ quê hương. Ông sáng tác nhiều, như vẽ tranh sơn dầu, phấn tiên, điêu khắc đồng, thạch cao... Nếu như phần lớn chủ đề tranh của vua Hàm Nghi là phong cảnh, thì trong điêu khắc, Hàm Nghi tìm cách thể hiện những khuôn mặt phụ nữ, hay con người, qua những bức tượng bán thân. Hàm Nghi luôn thể hiện như một nghệ sĩ phương Tây và một nghệ nhân VN”.
Tác phẩm tiêu biểu trong cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi là bức tranh Déclin du jour (Chiều tà), sáng tác năm 1915. Đây được xem là một phát hiện kỳ thú của lịch sử mỹ thuật VN khi có một họa sĩ vẽ theo cách của phương Tây từ rất sớm - thời điểm sớm hơn các tranh ra mắt của nhiều họa sĩ VN tiền bối như Nam Sơn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Lê Văn Đệ… Đây cũng là tác phẩm của cựu hoàng phát hiện được dưới nghệ danh Xuân Tử khi bán đấu giá ở Paris ngày 24.11.2010 với giá 8.800 euro.
Đáng tiếc là vào năm 1962, căn nhà ông sống ở Algeria bị cháy trong một cuộc chiến tranh tại đây nên tác phẩm của ông không còn nhiều.
|
Bình luận (0)