Được ví như “mũi giáo và tấm khiên” trên trận địa, máy bay chiến đấu và radar đang trong cuộc đua khắc chế lẫn nhau chưa có hồi kết.
Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin Nga đang đẩy mạnh việc phát triển hệ thống chống máy bay tàng hình tối tân, được mệnh danh là “áo giáp radar”. Trùng hợp thay, Mỹ cũng gần như lập tức hé lộ ý định nghiên cứu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 có khả năng tàng hình vượt trội hơn nữa. Có thể nói, đây là những diễn biến mới nhất trong cuộc cạnh tranh giữa hai loại khí tài quan trọng này.
Máy bay đi trước
Chẳng bao lâu sau khi đạt bước phát triển đột phá vào đầu thế kỷ 20, máy bay nhanh chóng được đưa vào sử dụng trong Thế chiến 1. Theo cuốn The First Air Campaign: August 1914 - November 1918 (Chiến dịch không quân đầu tiên 8.1914 - 11.1918) của 2 tác giả Eric Lawson và Jane Lawson, chiến đấu cơ giai đoạn này còn khá thô sơ. Ban đầu, máy bay có động cơ “chong chóng” chỉ được dùng vào công tác do thám và trang bị những loại vũ khí đơn giản như súng máy, bom được điều khiển thủ công. Tất cả các thao tác của phi công đều đơn thuần dựa trên tầm quan sát bằng mắt.
Tuy nhiên, sau khi chứng tỏ ưu thế rõ ràng trên chiến trường, máy bay chiến đấu nhanh chóng được tất cả các bên tăng cường đầu tư phát triển. Bước đột phá tiếp theo là chiến đấu cơ thế hệ 1 ra đời với động cơ phản lực cùng nhiều cải tiến về kiểu dáng, thiết kế để đạt được tốc độ lớn, tầm bay xa hơn. Từ vận tốc chỉ xấp xỉ 180 km/giờ bằng động cơ cánh quạt, một số dòng sử dụng động cơ phản lực đã đạt được tốc độ 600 - 700 km/giờ vào năm 1944. Những phiên bản thế hệ 1 ra đời năm 1950 có thể bay ở tốc độ 1.000 km/giờ. Cải tiến về tốc độ đặc biệt đột phá ở thế hệ 2 khi vượt ngưỡng gấp đôi vận tốc âm thanh, ví dụ như máy bay ném bom F-105 Thần sấm của Mỹ. Từ đó đến nay, máy bay chiến đấu chưa đạt được một đột phá rõ rệt hơn về tốc độ bởi gặp thách thức lớn về vật liệu vỏ máy bay và thể trạng phi công.
|
Chưa dừng lại ở đó, khả năng tránh né radar ngày càng được cải tiến vì đây là một trong những tiêu chí quyết định thắng thua trong cuộc đối đầu giữa “mũi giáo” và “tấm khiên”. Đã được phát triển từ lâu nhưng đến máy bay chiến đấu thế hệ 5 mới có khả năng “tàng hình hoàn toàn”. Với lớp vỏ được chế tạo bằng vật liệu đặc biệt và cải tiến đường nét thiết kế, máy bay thế hệ 5 có thể giảm thiểu phản hồi sóng radar nên khó bị phát hiện hơn.
Radar theo sau
Khi máy bay chiến đấu phát triển mạnh mẽ, việc hình thành hệ thống phát hiện, cảnh báo sớm càng trở nên quan trọng. Vào đầu thập niên 1930, các nước liên tục tăng cường phát triển radar cảnh báo từ xa. Trong giai đoạn này, Mỹ, Liên Xô, Anh, Đức… đều tham gia tích cực vào cuộc chạy đua phát triển radar. Năm 1936, giới quân sự Mỹ bắt đầu phát triển được radar đủ sức phát hiện máy bay trong bán kính 13 km. Một năm sau đó, Liên Xô chế tạo thành công radar có tầm cảnh báo 17 km.
|
Nhưng những mức độ vừa nêu chỉ mới đảm bảo cảnh báo sớm vài phút trước khi máy bay đối phương tới nơi nên chưa phục vụ khả năng phòng không hiệu quả. Trong khi đó, tốc độ của máy bay chiến đấu trong thời kỳ này không ngừng tăng nhanh. Đối phó với thách thức đó, Mỹ đã phát triển loại radar cảnh báo sớm SCR-270 có tầm giám sát lên đến 180 km đối với máy bay có tầm bay cao 7,6 km vào năm 1938. Phiên bản SCR-271 có tầm giám sát xấp xỉ 190 km được chế tạo rộng rãi vào năm 1940, theo website Skylighters.org. Những thế hệ radar mới đây có thể phát hiện máy bay chiến đấu bay tầm thấp ở khoảng cách vài trăm km.
Về cơ bản, radar sẽ phát hiện ra các vật bay dựa vào sự phản hồi của chùm tia vô tuyến được phát ra, gọi đơn giản là sóng radar. Tuy nhiên, với việc các loại chiến đấu cơ thế hệ mới ngày càng giảm độ phản hồi sóng thì các thiết bị cảnh báo cũng phải được nâng cấp về độ nhạy. Ngoài ra, các quốc gia còn xây dựng hệ thống nhiều radar cố định lẫn di động, tạo thành mạng lưới cảnh báo chặt chẽ. (Còn tiếp)
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)