Mượn tiền để trả phí cho môi giới
Khảo sát của Bộ Y tế, lao động (LĐ) và phúc lợi Nhật Bản cho thấy, số LĐ VN làm việc tại Nhật trong năm ngoái tăng lên 240.000 người - cao thứ hai chỉ sau LĐ Trung Quốc và tăng gấp 9 lần trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, xu hướng này cũng dẫn tới nhiều quan ngại về tình trạng bỏ trốn.
Theo Bộ Tư pháp Nhật, năm ngoái có hơn 3.750 TTS VN bỏ trốn. Ngoài ra, nhiều TTS và sinh viên VN phải vay mượn những khoản tiền lớn để trả phí cho môi giới trước khi sang Nhật.
tin liên quan
‘Cuộc đua’ thu hút lao động Việt đến NhậtTheo quy định, các trung tâm môi giới được phép thu không quá 3.600 USD (gần 84 triệu đồng) với một hợp đồng 3 năm. Nhưng tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời một người môi giới tiết lộ ông này lấy phí cao hơn quy định tới 2.000 USD và thu lại biên lai từ các TTS trước khi họ đến Nhật nhằm thủ tiêu bằng chứng.
Trước lo ngại về tình trạng LĐ VN bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Nhật, theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, để giảm thiểu tình trạng này đòi hỏi sự nỗ lực của cả 2 phía. Phía VN khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với phía Nhật Bản giải quyết những vấn đề liên quan. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cũng đã tính đến các giải pháp, đưa ra các quy định khắt khe hơn trong quản lý các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu LĐ. Theo đó, những DN xếp hạng 5 sao, 6 sao mới được phái cử LĐ đi làm việc trong một số ngành nghề đặc thù.
“Thủ tướng đã yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH chấn chỉnh lại các DN phái cử để đảm bảo các TTS sang làm việc tại Nhật Bản tốt nhất. Với những DN có tỷ lệ TTS bỏ trốn cao sẽ dừng, không cho tham gia vào chương trình này. Các nghiệp đoàn không quản lý được TTS, để số lượng bỏ trốn cao cũng sẽ dừng và không hợp tác. Các DN phải tuyển chọn những người có kỹ năng tốt, tuân thủ luật pháp; đồng thời tìm kiếm những đơn hàng làm việc tốt để các TTS yên tâm làm việc, học tập tại Nhật Bản”, ông Diệp nhấn mạnh.
Bên cạnh những giải pháp của VN, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng phía Nhật Bản cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức môi giới việc làm và sử dụng LĐ bất hợp pháp; có sự điều chỉnh chính sách như: tiếp nhận lại hoặc chuyển sang chế độ LĐ cho những TTS đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng; có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực, trình độ của người LĐ; xem xét miễn giảm thuế thu nhập và thuế cư trú cho TTS trong thời gian thực tập tại Nhật Bản như đang thực hiện với TTS của Trung Quốc và Thái Lan nhằm giảm gánh nặng về tài chính cho TTS.
Cảnh báo tình trạng lừa đảo tuyển dụng sang Nhật
Một trong những nguyên nhân khiến LĐ bỏ trốn là do thiếu thông tin bị cò mồi lừa đảo, thu phí cao, gây tốn kém chi phí. Ngày 2.12, Trung tâm LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cũng đã đưa ra cảnh báo tới người LĐ khi tham gia chương trình IM Japan về tình trạng lừa đảo tuyển dụng sang Nhật.
Theo ông Hà Xuân Tùng, Trung tâm LĐ ngoài nước và IM Japan không phối hợp hay ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác để tổ chức ôn luyện trước khi thi tuyển, tuyển chọn, đào tạo và phái cử TTS.
Ngoài ra, trung tâm không thu bất kỳ khoản tiền nào của người LĐ từ lúc người LĐ nộp hồ sơ đến khi tham gia thi tuyển. Các khoản người LĐ phải chi phí sau khi trúng tuyển bao gồm: tiền khám sức khỏe, học phí khóa đào tạo dự bị tiếng Nhật (3 tháng), tiền ăn và ký túc xá (7 tháng). Tổng chi phí cơ bản khoảng 25 - 30 triệu đồng.
Để tránh bị lừa đảo tuyển dụng sang Nhật, Trung tâm LĐ ngoài nước khuyến cáo người LĐ đến số 1 Trịnh Hoài Đức, Q.Đống Đa (Hà Nội) để nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, hoặc trực tiếp gửi chuyển phát nhanh bảo đảm qua đường bưu điện (trung tâm không tiếp nhận hồ sơ thông qua trung gian). Nếu phát hiện các trường hợp tiêu cực trong quá trình thi tuyển hoặc bị các tổ chức, cá nhân lừa đảo, trung tâm đề nghị người LĐ chủ động, trung thực thông báo để được tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi (Điện thoại liên hệ: 024.7303.0199; số máy lẻ 115/116; email: thuctapsinhnhatban@gmail.com).
Thu Hằng
|
Bình luận (0)