Cuối tháng trước, Mỹ sử dụng máy bay không người lái (UAV) tiêu diệt được giáo sĩ cực đoan Anwar al-Awlaki, trùm thuyết giáo và tuyển quân của al-Qaeda, tại Yemen. Máy bay không người lái của Mỹ cũng đã góp phần quan trọng trong chiến dịch quân sự của NATO tại Libya vừa qua. Tầm quan trọng của UAV ngày càng được khẳng định và tiếp tục khiến cuộc đua nghiên cứu, phát triển loại khí tài này càng sôi động. Theo tờ The
Washington Post, ít nhất 50 nước đã mua UAV và nhiều quốc gia trong số đó đang nghiên cứu phiên bản quân sự, có gắn vũ khí. “Đây là xu hướng chung. Tất cả các nước sẽ tiến tới sử dụng công nghệ này vì sớm muộn nó sẽ đảm nhận tất cả chức năng của máy bay có người lái hiện nay”, tờ báo dẫn lời chuyên gia Kenneth Anderson ở Washington nhận định.
Từ lâu, UAV đã trở thành vũ khí cực kỳ đắc dụng của Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda và Taliban ở Afghanistan lẫn Pakistan. Dù Pakistan không ngừng phản đối việc UAV của Mỹ xâm phạm lãnh thổ của mình, nhưng bản thân quân đội nước này cũng đang tích cực sử dụng máy bay không người lái và sắp tới sẽ nhận 85 chiếc từ đồng minh.
Bên cạnh chức năng “n trong 1” với khả năng bắn tên lửa tấn công, do thám, giám sát,… UAV còn có ưu thế vượt trội là chi phí chế tạo thấp. Theo The Washington Post, chi phí sản xuất MQ9-Reaper, UAV vũ trang vào loại đắt đỏ nhất, chỉ khoảng 10,5 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 150 triệu USD cho một máy bay F-22. Vì thế, dù còn nhiều tranh cãi xung quanh tính pháp lý và nhân đạo trong việc sử dụng UAV quân sự, đây vẫn là lĩnh vực đầy tiềm năng đang được nhiều quốc gia chú trọng.
Các “ông lớn” về UAV
Mỹ và Israel đang đứng đầu trong lĩnh vực chế tạo và sử dụng UAV quân sự. Do các quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu nên 2 nước này chỉ bán UAV vũ trang cho một số đồng minh thân cận như: Đức, Ý, Anh, Úc...
Tuy đang là “ông trùm” trong lĩnh vực UAV với những cái tên quen thuộc như MQ-1 Predator, MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk, Mỹ vẫn không ngừng nghiên cứu, cải tiến để tiếp tục cho ra đời những thế hệ máy bay không người lái mạnh mẽ và hiện đại hơn. Lâu nay, Mỹ chủ yếu triển khai UAV từ các căn cứ trên mặt đất nhưng nước này đang phát triển một phiên bản có thể xuất phát từ tàu sân bay để triển khai trên Thái Bình Dương. The Washington Post dẫn lời một số chuyên gia nhận định một trong những mục tiêu chính của dự án là nhằm đối phó tên lửa DF-21D của Trung Quốc, vốn được cho là có khả năng diệt tàu sân bay. UAV có phạm vi bay tối đa gấp 3 lần máy bay có người lái thông thường và nếu có nó, tàu sân bay Mỹ không cần đậu gần bờ biển Trung Quốc để rồi trở thành mục tiêu của tên lửa.
Ngoài ra, tờ PLA Daily của Trung Quốc vừa đưa tin Mỹ vừa mở một cuộc thi với giải thưởng 100.000 USD cho những ý tưởng sáng tạo phát minh một loại UAV trinh sát với thao tác dễ dàng hơn, tầm theo dõi xa hơn. Cuộc thi này không giới hạn về số lượng và đối tượng tham gia: từ các nhà khoa học, kỹ sư đến những người đam mê máy bay trên khắp thế giới. Nhóm thắng cuộc sẽ được cùng một tập đoàn quốc phòng Mỹ tham gia sản xuất 15 chiếc UAV được xây dựng từ ý tưởng của nhóm. Sau khi ra đời, các máy bay này sẽ được phục vụ trong quân đội Mỹ và có khả năng sẽ nhận nhiệm vụ trên biển vào năm 2012.
Về phần Israel, theo trang tin Ifeng thuộc Đài Phoenix của Hồng Kông, nước này vừa cho trưng bày bản mẫu của loại UAV mới nhất có tên Black Panther, có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng, lại có thể di chuyển, bay với tốc độ cao như máy bay thông thường. Black Panther nặng 650 kg, thời gian bay tối đa 6 giờ trong phạm vi 60 km. UAV này có trần bay 3.000m và được trang bị hệ thống theo dõi Sky. Ngoài ra, Israel cũng đang gấp rút trang bị loại UAV IAI Heron tối tân cho toàn quân.
Trung Quốc vào cuộc
Tờ Chosun Ilbo dẫn lời giới quan sát đánh giá trong các nước đang nghiên cứu UAV thì Trung Quốc phát triển nhanh nhất. Tại Triển lãm hàng không quốc tế ở Chu Hải cách đây 5 năm, Trung Quốc lần đầu khoe mẫu UAV nội địa của nước này. Gần đây, Trung Quốc đã xây dựng Viện Nghiên cứu UAV với quyết tâm dốc sức lực và tiền bạc vào lĩnh vực này. Tháng 11.2010, trong 25 mô hình UAV tiên tiến được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, có tới mấy loại là UAV tấn công, có khả năng phóng tên lửa vào cả những mục tiêu trên mặt nước.
Mới đây, tại một sự kiện hàng không hồi tháng 8, Bắc Kinh lại tiếp tục “khoe” bản mẫu của UAV sản xuất nội địa mới nhất mang tên Wing Loong, theo báo Hàng không Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá chiếc này rất giống máy bay không người lái MQ-1 Predator của Mỹ. Trước đó, hồi tháng 6, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tuyên bố chụp được ảnh một UAV của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Máy bay tuần tra Nhật Bản chụp được tấm ảnh UAV Trung Quốc đi theo hạm đội nước này trở về sau một cuộc diễn tập. Từ tấm ảnh có thể thấy chiếc UAV này rất giống máy bay không người lái AAI RQ-2 Pioneer, từng được quân đội Mỹ sử dụng trong giai đoạn 1986-2007. Theo giới quan sát, nhiệm vụ chính của UAV này là do thám trên không để xác định mục tiêu cho pháo và tên lửa của tàu chiến.
Việc Trung Quốc đạt được thành công đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển UAV đã khiến không ít quốc gia hối hả bắt nhịp với guồng đua, theo Chosun Ilbo. Chẳng hạn Ấn Độ vào đầu năm 2011 đã công bố tăng cường nghiên cứu một loại UAV nội địa có khả năng tấn công bằng tên lửa và ném bom, trần bay trên 9.000m. Quân đội Hàn Quốc cũng quyết không đứng ngoài khi vừa tuyên bố tới trước năm 2014 sẽ trang bị 39 chiếc KUS-9. Loại này được cho là có trần bay 4.000m, có thể đứng yên trên không trong 6 tiếng đồng hồ để thu thập và truyền tin tức tình báo trong phạm vi 60 km. Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo sắp sản xuất UAV nội địa có trọng lượng chưa đầy 70 kg, với khả năng bay 20 giờ liên tục. Iran và Nga cũng hé lộ một số mô hình UAV nhưng chưa được kiểm chứng về khả năng thật sự, theo The Washington Post.
Ngoài ra, với việc xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, giới công nghiệp quân sự Mỹ đang tìm cách nới lỏng các quy định về xuất khẩu UAV. The Washington Post dẫn lời Giám đốc Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ William E.Landay III báo cáo trong một cuộc họp tại Lầu Năm Góc rằng cơ quan này đang nghiên cứu lại danh sách những nước được mua UAV. Tập đoàn General Atomics, nhà sản xuất MQ-1 Predator, đã được “bật đèn xanh” xuất các loại UAV đời đầu và không được trang bị vũ khí cho các nước ở Trung Đông và châu Mỹ La-tinh. Theo một phát ngôn viên, tập đoàn đang thương lượng với Ả Rập Xê Út, UAE và Ai Cập.
Những loại UAV “khủng” Hiện nay, Mỹ cùng Israel là 2 nước sở hữu và xuất khẩu máy bay không người lái được trang bị vũ khí tấn công là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper (Mỹ) cùng IAI Heron (Israel). MQ-1 Predator có chiều dài 8,2m, sải cánh 14,8-16,8m, tốc độ tối đa 217 km/giờ, trần bay 7.600m, tầm bay 1.100 km, có thể mang tối đa 6 tên lửa. MQ-9 Reaper dài 11m, sải cánh 20m, tốc độ tối đa 480 km/giờ, trần bay 1.500m, tầm bay 5.900 km, có thể mang nhiều loại bom và tên lửa. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, Mỹ hồi năm ngoái đã triển khai thêm phiên bản UAV vũ trang nâng cấp từ MQ-1 Predators là MQ-1C Grey Eagle. Dòng UAV mới này có sải cánh 17m, tốc độ tối đa 250 km/giờ, có thể hoạt động liên tục 36 giờ và mang được tối đa 8 tên lửa. Mỹ còn sở hữu UAV RQ-4 Global Hawk, tuy không được trang bị vũ khí nhưng là máy bay không người lái do thám hiệu quả nhất hiện nay. Trong khi đó, IAI Heron của Israel dài 8,5m, sải cánh 16,6m, có tốc độ tối đa 207 km/giờ, trần bay 10.000m, tầm bay 350 km, có thể mang được 250 kg vũ khí và thiết bị. Loại UAV này được quảng cáo là có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và trinh sát suốt 24 giờ trong bất kỳ tình trạng thời tiết nào. Hoàng Đình |
Nguyễn Lệ Chi
Bình luận (0)