Đợt căng thẳng liên quan đến cao nguyên Doklam kéo dài từ ngày 16.6 - 28.8 vừa qua là bằng chứng mới nhất cho thấy vấn đề biên giới vẫn là “hòn đá tảng” trong quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh. Báo đài Trung Quốc thậm chí nhắc lại cuộc chiến năm 1962 để “dằn mặt” Ấn Độ.
Đến nay, căng thẳng tuy đã hạ nhiệt nhưng cả hai bên vẫn đang chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường lực lượng tại khu vực giới tuyến núi non hiểm trở. Theo giới quan sát, binh sĩ Ấn Độ được cho là có kinh nghiệm và năng lực tác chiến vùng sơn cước vượt trội hơn nhưng nước này đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển các loại khí tài phù hợp với địa hình núi non.
Theo chuyên san The National Interest, Ấn Độ hiện sở hữu 2.400 xe tăng T-72, 1.600 chiếc T-90 và hơn 100 xe tăng Arjun tự phát triển. Tuy nhiên, tất cả đều bị đánh giá là quá cồng kềnh và nặng nề để hoạt động ở địa hình miền núi và nhiệm vụ chủ yếu là vận hành ở vùng sa mạc dọc biên giới với Pakistan. Trong khi đó, ngay trong giai đoạn căng thẳng leo thang vừa qua, Trung Quốc đã cho thử nghiệm xe tăng hạng nhẹ mới phát triển mang tên ZTQ tại Tây Tạng. Các nguồn tin quốc phòng tiết lộ ZTQ có trọng lượng chiến đấu từ 33 - 36 tấn, động cơ 1.000 mã lực, được trang bị pháo cỡ 105 mm cùng một số vũ khí khác. Đáng chú ý là theo thiết kế, khẩu pháo của ZTQ có khả năng vươn cao để mở rộng góc bắn. Đặc điểm này sẽ giúp tăng cường năng lực tấn công các điểm cao chiến lược tại biên giới trong trường hợp nổ ra xung đột.
|
Trước nguy cơ chậm chân hơn láng giềng, các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ gấp rút lên kế hoạch phát triển xe tăng hạng nhẹ, có thể vận chuyển bằng máy bay tới các khu vực cao dọc biên giới. The National Interest dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ xe tăng mới sẽ được thiết kế với trọng lượng chiến đấu khoảng 22 tấn, hoạt động được ở vùng núi cao 3.000 m và có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách hơn 2 km. Ngoài ra, New Delhi cũng đang thử nghiệm xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ mang tên Namica, cải tiến từ mẫu BMP-2 của Liên Xô trước đây. Namica nặng 14,5 tấn và sở hữu bệ phóng mang tổng cộng 12 tên lửa.
Theo tờ Hindustan Times, đi kèm với xe chiến đấu Namica sẽ là tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) hiện đại được gọi là Nag, nghĩa là rắn hổ mang trong tiếng Hindi. Trong đợt thử nghiệm hồi đầu tháng, Nag đã “bắn trúng mục tiêu ở các khoảng cách và điều kiện ngày đêm khác nhau với độ chính xác rất cao”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Được phát triển từ năm 2009 theo kế hoạch trị giá 42 triệu USD, tên lửa mới nặng 42 kg, tầm bắn tối đa 4 km và tốc độ bay 230 m/giây. Mang đầu đạn 8 kg, Nag được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như thiết bị dò tìm bằng tia hồng ngoại với hệ thống dẫn đường điện tử để phá hủy xe tăng chiến đấu hiện đại và các loại xe thiết giáp khác. Tên lửa thế hệ mới vận hành theo cơ chế “bắn và quên”, tức là sau khi được phóng đi không cần thêm bất kỳ thao tác điều khiển nào khác mà vẫn có thể tấn công mục tiêu. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, dự án Nag đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm phát triển và sẽ sớm triển khai sản xuất hàng loạt.
Bình luận (0)