Cuộc gặp lịch sử trên bán đảo Triều Tiên: Tổng thống Hàn Quốc đi bộ qua giới tuyến

02/10/2007 00:06 GMT+7

Hôm nay, người dân bán đảo Triều Tiên sẽ chứng kiến một sự kiện lịch sử: cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-il và Roh Moo-hyun. Cuộc gặp thượng đỉnh này mở ra hy vọng mới cho tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên.

Bước qua giới tuyến

Trước cuộc gặp tại Bình Nhưỡng, người dân bán đảo Triều Tiên được chứng kiến một hình ảnh lịch sử. Đó là cảnh Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đi bộ qua vùng giới tuyến ngăn cách giữa hai miền. Sau đó, ông lên xe để tiếp tục hành trình tới Bình Nhưỡng, nơi ông sẽ gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Ông Roh là vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đi bộ băng qua vùng giới tuyến, vốn đã ngăn cách hai miền Triều Tiên từ hơn nửa thế kỷ qua. Vào năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung cũng đã tới Bình Nhưỡng để hội đàm thượng đỉnh, nhưng khi đó ông Kim sử dụng máy bay, còn giờ đây Tổng thống Roh đi ô tô và đi bộ.

Hàn Quốc
Thủ đô: Seoul
Diện tích: 99.646 km2
Dân số: khoảng 49 triệu người
CHDCND Triều Tiên
Thủ đô: Bình Nhưỡng
Diện tích: 120.540 km2
Dân số: khoảng 23,3 triệu người
Trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, dự kiến từ ngày 2 đến 4.10, Tổng thống Roh Moo-hyun cũng sẽ dự liên hoan Arirang truyền thống. Hai hành động mang tính biểu tượng nói trên rất có ý nghĩa đối với lịch sử hai miền Triều Tiên.

Lịch sử chia cắt Triều Tiên có cội nguồn từ Thế chiến 2. Khi kết thúc cuộc chiến khốc liệt này, Hồng quân Liên Xô đóng ở miền Bắc và quân Mỹ đóng ở miền Nam bán đảo Triều Tiên. Sau đó một năm, chính quyền miền Bắc bắt đầu hình thành. Năm 1948, nước CHDCND Triều Tiên tuyên bố thành lập và quân đội Xô Viết rút khỏi bán đảo Triều Tiên. Năm 1950, miền Nam tuyên bố độc lập. Từ đó, bắt đầu giai đoạn chiến tranh và chia cắt bắt đầu. Cuộc chiến tranh Triều Tiên, với miền Bắc được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, miền Nam được Mỹ ủng hộ, đã làm khoảng 2 triệu người thiệt mạng. Cuộc chiến chấm dứt vào năm 1953 bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình. Điều này có nghĩa là hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh từ đó đến nay.

Cũng theo thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, một vùng đệm được thiết lập giữa hai miền Triều Tiên. Vùng đệm này có chiều rộng 4 km và dài khoảng 240 km. Một đường ranh giới trên biển cũng được thiết lập. Theo thỏa thuận được ký ban đầu, vùng đệm rộng 4 km trên bộ là vùng phi quân sự, không bên nào được triển khai lực lượng quân đội lớn cùng vũ khí hạng nặng tại đây. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được hai bên tôn trọng, dẫn tới nhiều vụ đụng độ quân sự lẻ tẻ trong suốt hơn 50 năm qua. Khu vực giới tuyến ngăn cách hai miền Triều Tiên, với sự hiện diện dày đặc của lực lượng quân sự hai miền cùng với quân đội Mỹ, cũng trở thành đường giới tuyến được canh phòng gắt gao nhất hành tinh.

Trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng, phái đoàn 300 người Hàn Quốc còn mang theo "chảo" thu sóng truyền hình vệ tinh để có thể xem được các đài truyền hình Hàn Quốc. Đoàn cũng mang nhiều quà tặng cho đại biểu miền Bắc. Trong đó, báo chí cho biết có cả những đĩa DVD phim ảnh và kịch Hàn Quốc để tặng ông Kim Jong-il. Chủ tịch Kim là một người rất mê điện ảnh, báo chí cho biết ông rất hâm mộ nữ nghệ sĩ Lee Young-ae của Hàn Quốc, người đóng vai nàng Dae Jang-geum. Báo chí còn cho biết ông Kim Jong-il hiện có một bộ sưu tập với hơn 20.000 phim nước ngoài và ông cũng từng chỉ đạo sản xuất nhiều phim.
Từ đó, có thể thấy rằng hình ảnh một vị nguyên thủ quốc gia rảo bước qua khu giới tuyến này mang một ý nghĩa rất đặc biệt đối với nhân dân hai miền bán đảo Triều Tiên.

"Việc đi bộ qua khu phi quân sự sẽ là một khoảnh khắc lịch sử và đầy cảm xúc", Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jae-joung phát biểu với báo giới.

Cuộc gặp Bình Nhưỡng

Sau khi đi bộ qua khu phi quân sự, ông Roh Moo-hyun sẽ mang tới Bình Nhưỡng nhiều lời đề nghị. Một trong những đề nghị quan trọng đó là việc rút lực lượng quân sự ra khỏi khu phi quân sự, khai thác vùng đất này cho những dự án hòa bình. Ông Roh cũng có thể sẽ mang tới các cam kết về hỗ trợ năng lượng và lương thực.

Trước khi cuộc hội đàm thượng đỉnh diễn ra, Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhận định về nội dung cơ bản của cuộc gặp. Đó là hai bên có thể sẽ bàn tới việc thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Điều này cho thấy vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang được giải quyết và các nước liên quan sẽ tập trung vào giai đoạn xây dựng hòa bình. Có thể còn quá sớm để dự đoán về kết quả hội đàm nhưng những chuyên gia ngoại giao đã đề cập đến khả năng lãnh đạo 2 miền sẽ ra tuyên bố về vấn đề cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc họp báo hồi giữa tháng 9, Tổng thống Roh Moo-hyun cũng cho biết ông sẽ đề xuất một hình thức tuyên bố nào đó hoặc bắt đầu đàm phán về việc chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và thiết lập cơ chế hòa bình. Ông nhấn mạnh hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ là nội dung thảo luận quan trọng nhất trong hội đàm thượng đỉnh liên Triều.

Hiệp định hòa bình là văn bản chính thức kết thúcp chiến tranh. Về mặt lý thuyết, cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc vì chưa có hiệp định hòa bình. Do vậy, Hàn Quốc và Mỹ vẫn coi CHDCND Triều Tiên là kẻ thù và ngược lại. Trong bối cảnh hiện nay, việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bán đảo Triều Tiên. Nếu không còn coi nhau như kẻ thù, các nước liên quan sẽ có thể tiến hành các hoạt động ngoại giao linh hoạt hơn và đóng góp vào việc thiết lập nền hòa bình bền vững trong khu vực.

Những cột mốc lịch sử
- 1945: Nhật Bản đầu hàng, Liên Xô đóng quân ở miền Bắc, Mỹ đóng ở miền Nam Triều Tiên.
- 1948: CHDCND Triều Tiên ra đời, Liên Xô rút quân.
- 1950: Hàn Quốc tuyên bố độc lập, chiến tranh Triều Tiên nổ ra.
- 1953: Chiến tranh kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn.
- 1968-1969: Tàu do thám Mỹ bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ, máy bay do thám Mỹ bị bắn rơi.
- 1991: CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc gia nhập LHQ.
- 1994: Chủ tịch Kim Il-sung của CHDCND Triều Tiên qua đời, con trai của ông là Kim Jong-il lên thay.
- 2000: Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Liên quan đến vấn đề này, ông Roh Moo-hyun đã có lần "nổi nóng" với Tổng thống Mỹ George W.Bush. Đó là tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Sydney (Úc) hồi tháng trước. Khi không nghe ông Bush đề cập đến chuyện tuyên bố hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, ông Roh đã nhấn giọng: "Ngài đã nói thế chưa, Tổng thống Bush?". Rồi ông tiếp: "Nhưng ngài phải đề cập rõ ràng hơn một chút chứ!".

Như vậy, có thể dự đoán rằng nội dung chính của cuộc hội đàm thượng đỉnh sẽ xoay quanh việc thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, từ đó tiến tới mục tiêu xa hơn là thống nhất.

Bóng mây 2000

Cuộc gặp hôm nay là dịp đầu tiên Tổng thống Roh Moo-hyun hội đàm với lãnh đạo cao cấp nhất của CHDCND Triều Tiên. Nhưng với ông Kim Jong-il thì đây là lần thứ hai. Vào năm 2000, ông Kim Jong-il cũng đã hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung, người đã đề ra chính sách Ánh Dương. Tại cuộc gặp, hai nguyên thủ quốc gia đã có nhiều cam kết quan trọng, trong đó có tuyên bố chung, dẫn tới nhiều chuyển biến đáng lạc quan tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều lời hứa mà hai bên đưa ra cũng đã bị "quên" một cách dễ dàng. Chủ tịch Kim Jong-il đã không đến thăm Hàn Quốc như lời hứa. Hai bên cũng không thực hiện việc cắt giảm quân đội tại khu phi quân sự. Binh sĩ của hai miền thậm chí đã có một số lần đụng độ nhau, đặc biệt là các vụ đụng độ trên biển.

Cuộc gặp thượng đỉnh năm 2000 sau đó còn bị mây mù bao phủ khi có nhiều lời tố cáo rằng tình báo Hàn Quốc đã chi tiền để thuyết phục CHDCND Triều Tiên tham gia. Những người tố cáo cho rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa hai ông Kim Jong-il và Kim Dae-jung chỉ là một chiến dịch đánh bóng hình ảnh của vị nguyên thủ Hàn Quốc mà thôi. Chính quyền Tổng thống Kim Dae-jung đã nhiều lần bác bỏ những lời cáo buộc này, nhưng những nghi ngờ của dư luận thì vẫn còn lởn vởn cho đến nay.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.