Cuộc gặp gỡ hằng năm giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp luôn được chờ đợi bởi rất nhiều vấn đề nóng, nhiều cơ chế - chính sách chưa phù hợp, những rào cản thủ tục gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được giải quyết ngay sau đó. Nhưng chưa bao giờ, sự chờ đợi và kỳ vọng lại lớn như đối với cuộc họp diễn ra hôm nay.
Bởi chưa bao giờ, nền kinh tế lại rơi vào tình trạng "khó chịu" như hiện nay. Giữa các chỉ số vĩ mô vẫn hết sức ổn và thực tế đang có độ vênh rất lớn. Nó khiến cho các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ không phát huy tối đa hiệu quả nếu chỉ đưa ra từ kết quả phản ánh từ những con số báo cáo.
Đơn cử như tín dụng trong hệ thống ngân hàng (NH) đã tăng trở lại nhưng vốn chủ yếu dồn vào mua trái phiếu chính phủ. Như vậy, tiền có ra nhưng sản xuất vẫn đói vốn. Rõ ràng, hiện tượng và bản chất hoàn toàn khác nhau nên nếu giải pháp tín dụng chỉ dựa trên hiện tượng dư nợ tăng trở lại thì rất khó để phục hồi sản xuất. Tương tự, nếu chỉ nhìn vào chỉ số CPI có thể nói, lạm phát đang được kiểm soát tốt. Nhưng thực tế sức mua đã rơi vào tình trạng suy kiệt mà ngay cả các chương trình kích cầu thiết thực nhất là khuyến mãi, giảm giá... cũng không thể khiến người dân mở hầu bao. Tiêu thụ không được dẫn đến tồn kho, tồn kho thì sản xuất cầm chừng, lao động mất việc, kinh tế đình trệ. Cái này kéo cái kia thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát suốt mấy năm nay.
Hay trong vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau hàng loạt các phi vụ chuyển giá né thuế đã và đặc biệt là nghi án của hàng loạt đại gia nước ngoài hoạt động lâu năm tại VN, rất nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước đang đặt vấn đề "được hay mất" khi chúng ta ưu đãi quá lớn nhưng kết quả nhận được lại vô cùng khiêm tốn? Đáng nói hơn là sự chèn lấn từ khối này lên các DN nội địa, nhất là trong những năm vừa qua. Ở nhiều lĩnh vực, DN FDI đã thay thế DN trong nước để nắm thế chủ đạo. Vậy thì nên dành ưu đãi cho các DN trong nước hay tiếp tục duy trì ưu đãi cho DN FDI...
Sự kỳ vọng càng lớn hơn khi thành phần tham dự chủ yếu trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng năm nay là khối doanh nghiệp dân doanh, có tới 300 doanh nghiệp dân doanh trong tổng số khoảng 500 đại biểu dự kiến tham dự. Chúng ta đều biết, dù là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đa số DN tư nhân của ta đều vốn ít, quy mô nhỏ. Vì vậy, họ là đối tượng chịu sức ép lớn nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài đã 6 năm nay. Không chỉ sức ép từ bên ngoài, tại thị trường nội địa, họ thiệt thòi hơn khối DN nhà nước, DN FDI trong việc tiếp cận vốn, đất, thông tin. Họ cũng thua thiệt hơn trong việc đón nhận các giải pháp, chính sách hỗ trợ. Họ bị chèn ép hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính hay tiếp cận thị trường... Hàng trăm ngàn DN đã phải chấp nhận đóng cửa trong mấy năm qua. Những DN còn cầm cự đến giờ này cũng đang hết sức khốn khó với lãi vay cao, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí tăng, thủ tục hành chính chồng chéo. Được chọn là đối tượng chủ đạo trong cuộc gặp gỡ này cho thấy, Chính phủ đã "nhìn" thấy những khó khăn và bế tắc của khối này. Chính phủ muốn nghe tiếng nói của khối DN này và chắc chắn Chính phủ sẽ có những giải pháp đủ liều, đủ lượng tháo gỡ cho khối này vượt qua giai đoạn hiện nay.
Một điều cực kỳ quan trọng là hầu hết các giải pháp được Thủ tướng đưa ra tại cuộc gặp gỡ này đều được thực thi rất nhanh.
Nhanh và quyết liệt, đó là sự kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng DN về các giải pháp từ cuộc gặp gỡ với Thủ tướng năm nay.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)