Hôm qua, người Campuchia vẫn được nghỉ bù sau Lễ hội Nước Bon Om Touk kéo dài 3 ngày từ 20-22.11. Thế nhưng, cả đất nước đang chìm trong không khí đau thương và tang tóc. Thảm kịch xảy ra vào đêm cuối cùng của lễ hội hôm 22.11 khi cả ngàn người chen chúc trên cầu Koh Pik (Đảo Kim Cương). Giẫm đạp xảy ra. Ít nhất 378 người chết và 755 người bị thương trong khi nhiều người còn mất tích. Vào đêm định mệnh đó, cả quãng đường từ Tượng đài Độc Lập cho đến cầu Đảo Kim Cương được dành riêng cho người đi bộ nhưng con đường và khu quảng trường lớn như vậy cũng không đủ để cho đám đông chơi hội.
Nguyễn Tuấn Anh, 23 tuổi, sinh viên Việt Nam ở Phnom Penh cho hay cầu Đảo Kim Cương được nối với hòn đảo cùng tên trên sông Mê Kông. Cầu được hoàn thành cách đây 2 năm nhưng khu vui chơi ở trên Đảo Kim Cương thì mới khánh thành gần đây. Đó là lý do tại sao trong kỳ lễ hội năm nay, khu vực này lại đông đúc như vậy. Tuấn Anh cho hay những hôm trước anh cũng lên cây cầu chơi. Người đông đúc nhưng không đến nỗi kinh hoàng như hôm 22.11. Hôm qua, lực lượng an ninh đã phong tỏa khu vực cầu. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, trên cầu vẫn còn vương vãi giày dép, đồ đạc của các nạn nhân. Nhiều người dân đã tụ tập quan sát hiện trường. Người ta bàn tán, hỏi han với nét mặt chưa hết đau đớn.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn đến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Hun Sen; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Samdech Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin. TTXVN |
Lời kể của người sống sót
Chúng tôi gặp anh Zim Sok Oan, 21 tuổi, là một trong những người chen chúc trên cây cầu trong đêm 22.11. Zim Sok Oan kể: “Khi ấy, từ hai đầu cầu, người ta xô đẩy, chen chúc nhau. Những gia đình có con nhỏ bị thất lạc. Tiếng kêu khóc, la hét, nỗi hoảng loạn dâng lên. Cảnh chen lấn, xô đẩy bắt đầu diễn ra. Từng đứa trẻ được người lớn giơ lên cao, chuyền tay nhau trong nỗ lực cứu chúng trước. Nhiều phụ nữ không chịu được, ngã xuống và bị giẫm lên”. Ông Som Nang, 44 tuổi, bần thần ngồi trên xe máy nhìn ra phía cây cầu. Ông may mắn thoát chết trong bi kịch đêm 22.11.
Ông thẫn thờ nói: “Chưa bao giờ Campuchia hứng chịu thảm họa tồi tệ như vậy từ thời Khmer Đỏ”. Câu chuyện mà ông Som Nang kể lại cũng tương tự như Zim Sok Oan. Đó là hàng ngàn người bị thất lạc người thân, la hét, hoảng loạn và dẫn đến giẫm đạp. Trong khi đó, một số báo đài Campuchia đưa tin rằng do cầu rung lắc nhẹ và một đám thanh niên hô lên rằng cầu sập, dẫn đến cảnh hỗn loạn.
Suốt từ đêm 22.11 đến hôm qua, truyền hình Campuchia liên tục đưa tin về thảm họa. Trên truyền hình, người ta chiếu cảnh đám đông nằm đè lên nhau, giơ tay với vẫy một cách tuyệt vọng. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cố gắng lôi từng người ra. Anh phục vụ một quán cà phê bên bờ sông Mê Kông tắt tivi và bảo rằng: “Khi nào anh muốn xem thì bảo tôi bật lên. Chứ khách khứa vào quán mà xem mấy cảnh này thì không nên”.
Nỗi đau của người thân
Người ta đang nỗ lực nhận dạng các nạn nhân. Xác của họ được để tại 3 Bệnh viện chờ người thân. Bên ngoài Bệnh viện Calmette, đám đông tụ tập trước tấm bảng lớn dán hình người thiệt mạng. Thân nhân thì cầm ảnh của người nhà đem đi so với từng bức ảnh trên bảng. Một thanh niên bật khóc tức tưởi khi nhận ra người thân. Anh cứ gục lên gục xuống khóc tuyệt vọng và cố gắng xem lại bức hình. Có vẻ như anh đang hy vọng mình nhìn nhầm. Không khí thật nặng nề. Có chứng kiến được cảnh này mới thấy hết nỗi đau đớn tột cùng khi mất người thân một cách thê thảm như vậy
Chưa bao giờ Campuchia hứng chịu thảm họa tồi tệ như vậy từ sau thời Khmer Đỏ
|
|
Ông Som Nang, một người may mắn sống sót |
Chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Năm (tên Khmer là Prak), 43 tuổi, một người gốc Việt sống ở tỉnh Kandal, Campuchia từ năm 1983. Bà cùng người thân cầm ảnh con mình đi qua hết các bệnh viện nhưng không thấy. Bà kể rằng 2 người con trai, 2 đứa con dâu và 4 đứa cháu đi chơi ở khu vực cầu Đảo Kim Cương nhưng đến giờ không thể liên lạc với họ. Vẻ mặt xanh xao và lo lắng, bà vội cắt ngang câu chuyện để tiếp tục đi tìm con.
Phóng viên Thanh Niên đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh. Ông Quách Hữu Dũng, Bí thư thứ nhất phụ trách cộng đồng cho hay đến giờ thì sứ quán mới nhận được tin là có 6 Việt kiều thiệt mạng trong thảm họa, 2 người khác bị thương nặng và vẫn còn 2 người mất tích. Theo một số nguồn tin khác, số người Việt thiệt mạng là 8 người nhưng chưa xác định được nhân thân.
|
Đến tối qua, vẫn rất đông người tụ tập bên bờ sông để cầu nguyện cho những người xấu số. Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã được điều động để đảm bảo an ninh. Một không khí nặng nề bao trùm lên dòng người thẫn thờ bên bờ sông và đoạn đường dẫn đến cây cầu.
Khi màn đêm buông xuống, cầu Đảo Kim Cương lên đèn sáng choang. Trước vẻ lộng lẫy ấy, không ai có thể tưởng tượng đó là nơi đã xảy ra thảm họa kinh hoàng mới một ngày trước.
Campuchia điều tra vụ giẫm đạp Văn Khoa - Lan Chi |
Việt Phương - Tiến Trình
(từ Phnom Penh)
Bình luận (0)