Tiểu hành tinh, có tên 2018 LA, đã xuất hiện dưới dạng một quả cầu lửa trên bầu trời Botswana vào đêm 2.6.2018, trước khi nổ tung và rơi xuống Khu bảo tồn miền trung Kalahari, công viên quốc gia rộng lớn ở sa mạc Kalahari của Botswana, theo báo cáo đăng trên chuyên san Meteoritics and Planetary Science.
Trước khi nó phát nổ trong khí quyển Trái đất, các nhà khoa học xác định tiểu hành tinh này phải có đường kính khoảng 1,7 m, trọng lượng 6 tấn và di chuyển với tốc độ 60.000 km/giờ.
“Vào thời điểm tiểu hành tinh nổ tung ở độ cao 27 km, nó tỏa ra ánh sáng rực rỡ gấp 20.000 lần trăng tròn”, theo đồng tác giả Christian Wolf, trợ lý giáo sư của Đại học Quốc gia Úc.
Nhóm nhà nghiên cứu đã tìm cách thu thập được các mảnh vỡ của nó, giờ đây dưới dạng thiên thạch, và nhờ đó đã phát hiện manh mối mới về lịch sử của hệ mặt trời.
Lần theo dấu vết
Kể từ khi được xác định sẽ đâm vào Trái đất hôm 2.6.2018, tiểu hành tinh 2018 LA mất 8 giờ sau để xuất hiện trên bầu trời địa cầu, bên trên Nam Phi, trong hình dáng của một quả cầu lửa.
|
Giáo sư Peter Brown của Đại học Miền Tây Ontario (Canada) đã cùng nhóm của ông phân tích sóng âm lan truyền từ quả cầu lửa khi nó xuyên qua khí quyển Trái đất. Họ phát hiện nó tỏa ra năng lượng bằng 1/30 so với quả bom nguyên tử được Mỹ ném xuống Hiroshima vào cuối thế chiến thứ hai.
Khi xác định được thiên thạch sẽ rơi xuống Khu bảo tồn miền trung Kalahari, các nhà khoa học đã lập tức lên đường đến khu vực. Nhờ sự giúp đỡ của giới hữu trách Botswana, nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm được thiên thạch đầu tiên (trọng lượng 18g), trước khi thu thập 22 thiên thạch khác trong vòng vài tháng.
Sau thời gian nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện 2018 LA xuất phát từ Vesta, tiểu hành tinh lớn thứ hai của hệ mặt trời.
Trong quá khứ, Vesta xảy ra va chạm với một thiên thể khác, và mảnh bị tách rời (2018 LA) đã trải qua cuộc hành trình dài 22 triệu năm trong không gian trước khi lao xuống Trái đất gần 3 năm trước.
Bình luận (0)