Ý tưởng xanh của những người trẻ
Trẻ, năng động, yêu môi trường và mong muốn làm cho môi trường xung quanh mình xanh và sạch hơn là điểm chung của 50 đại sứ trẻ qua những dự án chuyển tải thông điệp xanh.
Dù lần đầu tiên đại diện của Nam Phi góp mặt trong chương trình, nhưng anh bạn Simon Sizwe Mayson đến từ ĐH Cape Town đã để lại nhiều ấn tượng với các đại sứ đến từ những đoàn khác khi liên tục đặt câu hỏi và sôi nổi đóng góp ý kiến trong những buổi hội thảo hay thảo luận nhóm. Đặc biệt dự án Ridelink đang được triển khai tại ĐH Cape Town của Simon đã thu hút được chú ý với trang web kết nối, tạo nên cộng đồng những sinh viên dùng chung xe khi đến trường nhằm giảm bớt khí thải. Đây cũng là bước đầu để mở rộng thành dự án giữ màu xanh cho khuôn viên ĐH Cape Town với hơn 600 thành viên tham gia. Trong khi đó, dù nhỏ tuổi nhất trong chuyến du khảo nhưng cậu học sinh lớp 10 đến từ Thái Lan Surapap Chimplee cũng khiến các đàn anh, đàn chị khác chú ý với dự án giúp nông dân ở quê hương mình tái chế phân heo thành khí sinh học (biogas) nhằm tạo nguồn nhiên liệu thay thế giúp hạn chế ô nhiễm môi trường.
Không kém phần bay bổng là dự án thu lượm 100.000 chai nhựa trong khuôn viên trường ĐH nhằm để tổ chức triển lãm nghệ thuật sắp đặt của anh bạn Jesper Zhi Hao Soh đến từ Singapore. Dự án đã khởi động với thành quả ban đầu là hơn 1.000 chai nhựa và sẽ kết thúc vào tháng 3.2009. Còn cô bạn Marie Nicke Bolos đến từ Philippines đã chinh phục dễ dàng các đại sứ môi trường khác bằng dự án khu bảo tồn biển rộng 8 ha ở Barang Biking, Dawis thuộc đảo Panglao nhằm bảo vệ các vỉa san hô ngầm và các loài cá quý hiếm ở vùng biển này. Marie cùng bạn bè đã vận động được nguồn tài trợ trị giá 500 USD từ chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ để tiến hành làm những dải san hô nhân tạo bằng xi-măng để tái tạo mảng xanh cho biển, tổ chức các lớp huấn luyện về du lịch sinh thái cho dân địa phương... từ tháng 7 năm nay.
Gương mặt đại sứ môi trường được nhiều phóng viên ưu ái phỏng vấn trong chuyến du khảo lần này là Emah Madegwa - cô sinh viên sở hữu danh hiệu Miss Earth Kenya 2007. Emah chia sẻ về dự án "Ikotoilet" của mình khá giản dị: muốn tạo ra 100 nhà vệ sinh có thiết kế thân thiện với môi trường như tiết kiệm nước khi dội rửa, xung quanh trồng hoa và bên trong có nhạc êm dịu để người dân vừa đi vệ sinh vừa thư giãn... bên trong thành phố Nairobi nhằm giúp người dân tiếp cận điều kiện vệ sinh dễ dàng hơn và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Miss Earth Kenya cũng tỏ ra thân thiện với hai đại sứ từ VN là Hải Yến và Hương Ly khi tranh thủ chụp ảnh lưu niệm ngay từ những ngày đầu. |
|
Và ấn tượng áo tứ thân
Bên cạnh phần thảo luận những dự án trong phòng hội thảo, các đại sứ môi trường còn được tham quan khu xử lý rác thải, phòng thí nghiệm, thực hành phân tích DNA trên lúa... tại tổng hành dinh của Bayer. Thú vị hơn cả là những giờ giải lao hay ngồi trên xe buýt di chuyển giữa các địa điểm, họ lại tranh thủ trao đổi những dự định sắp tới cho dự án của mình, chia sẻ về công việc tương lai và không quên giới thiệu sơ lược về đất nước, con người, văn hóa của nhau. Đặc biệt những đại sứ môi trường đến từ Nam Mỹ như: Brazil, Venezuela, Columbia, Peru... luôn khuấy động không khí bằng những giai điệu sôi nổi trong phần giao lưu giữa những bữa ăn tối ấm cúng, và nhất là trong buổi tiệc tổng kết - chia tay vào ngày sau cùng. Những vũ điệu samba, salsa sôi nổi xen kẽ với điệu múa xòe Thái hay múa quạt Hàn Quốc đằm thắm... đã tạo nên buổi giao lưu văn hóa đầy sắc màu. Và giữa không khí ấy, tất cả như lặng đi khi hai chiếc áo tứ thân tha thướt của VN xuất hiện trong làn điệu dân ca Bắc Bộ với chiếc nón quai thao. Nhiều bạn trẻ ở các đoàn khác đã thích thú chạy đến đề nghị được chụp ảnh lưu niệm với Hải Yến và Hương Ly trong trang phục áo tứ thân với nón quai thao. Có bạn còn nài nỉ được mượn nón quai thao đội lên đầu để chụp ảnh...
Có thể nói ngoài vai trò đại sứ môi trường, hai gương mặt trẻ VN cũng đã làm tốt cả vai trò "đại sứ" văn hóa trong chuyến du khảo gần 1 tuần ở trời Tây xa xôi.
Vân Anh
(từ Leverkusen, Đức)
Bình luận (0)