Gần 70 năm trước khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ hạ sát thủ lĩnh mạng lưới al-Qaeda Osama bin Laden, quân đội nước này đã tiến hành một vụ ám sát khác. Mục tiêu lần đó cũng là một nhân vật có “nợ máu” với nước Mỹ - Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto, người hoạch định “cuộc đánh lén” Trân Châu Cảng.
Đòn thù sau 2 năm
Nhà báo đoạt giải Pulitzer Steve Twomey đã kể lại “cuộc đánh lén” nói trên trong cuốn sách có tựa đề Countdown to Pearl Harbor: The Twelve Days to the Attack (tạm dịch: Trân Châu Cảng: 12 ngày trước cuộc tấn công) xuất bản cuối năm ngoái. Vào 7 giờ 40 phút ngày 7.12.1941, trong lúc lính Mỹ còn đang say giấc tại căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii, hàng trăm chiến đấu cơ của hải quân Nhật bất ngờ tấn công ồ ạt. Cuộc tấn công bao gồm 2 đợt không kích, với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật, đã khiến 2.400 binh sĩ, thủy thủ Mỹ thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương. Cuộc tấn công chớp nhoáng của Nhật cũng đã đánh chìm và gây hư hỏng toàn bộ 8 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 3 khu trục hạm và 1 tàu rải thủy lôi của hải quân Mỹ. Gần 200 chiến đấu cơ của Mỹ bị phá hủy. Trước tổn thất lớn của hải quân, Tổng thống Mỹ lúc đó Franklin D.Roosevelt đã gọi đây là “ngày ô nhục” đối với đất nước ông. Phía Nhật chịu thiệt hại ít hơn, chỉ mất 29 máy bay, 5 tàu ngầm nhỏ và 64 người tử trận.
Đòn tấn công quân sự bất ngờ của hải quân Nhật đã dẫn đến việc Washington tuyên chiến với Tokyo và sau đó quyết định tham gia các chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương trong Thế chiến 2. Về phía Nhật, với chiến thắng tại Trân Châu Cảng, hải quân nước này đã cầm chân được Hạm đội Thái Bình Dương, ngăn lực lượng Mỹ can thiệp vào cuộc chiến mà Tokyo đang tiến hành nhằm đánh chiếm nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, qua đó làm chủ vùng biển châu Á - Thái Bình Dương.
Kể từ sau “ngày ô nhục”, Đô đốc Yamamoto, Tư lệnh hải quân Nhật, đã trở thành một trong những người bị thù ghét nhất tại Mỹ. Ông bị coi là “con quỷ châu Á” do vai trò vụ tấn công năm 1941. Thế nhưng, người Mỹ đã phải mất gần 2 năm chờ đợi mới có được cơ hội rửa hận và khi nhìn thấy một cơ hội như thế vào tháng 4.1943, Washington đã không ngần ngại ra tay. Một sứ mệnh đã được hoạch định với cái tên thể hiện rõ ràng mục đích của Mỹ: Chiến dịch Báo thù.
Theo chuyên san quốc phòng The National Interest, cũng giống như những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày nay, chiến dịch bắt đầu bằng một thông điệp nghe lén. Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc gọi từ điện thoại di động, mà là một tín hiệu vô tuyến quân sự bình thường. Vào mùa xuân năm 1943, nước Nhật đang gặp rắc rối, người Mỹ đã chiếm được đảo Guadalcanal (thuộc quần đảo Solomon), gây thiệt hại khủng khiếp về tàu chiến và máy bay bên phía Nhật. Bị kích động bởi những lời chỉ trích rằng các chỉ huy cấp cao của Nhật đã không ra tiền tuyến để nắm rõ tình hình, Đô đốc Yamamoto quyết đi thăm các đơn vị không quân của hải quân Nhật trên đảo Bougainville (thuộc Papua New Guinea).
|
Sứ mệnh khó khăn
Như thường lệ, tín hiệu đã mã hóa được phát đi vào ngày 13.4.1943 đến nhiều bộ chỉ huy Nhật trong khu vực. Thông điệp liệt kê hành trình cũng như số lượng máy bay vận tải và chiến đấu cơ đi theo hộ tống. Tuy nhiên, các chuyên viên giải mã của Mỹ đã có nhiều năm đọc những thông điệp ngoại giao và quân sự của Nhật, bao gồm những thông điệp được mã hóa bằng JN-25 được hải quân Nhật sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt những năm xảy ra Thế chiến thứ 2. Tín hiệu của ông Yamamoto được gửi bằng phiên bản JN-25D và bị các chuyên gia Mỹ giải mã trong chưa đầy một ngày. Đô đốc Chester Nimitz, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, là người “bật đèn xanh” cho chiến dịch bắn hạ máy bay của đô đốc Nhật. Với thái độ hằn học đặc trưng, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương William “Bull” Halsey đã phát đi một thông điệp không thể rõ ràng hơn: “Chúng ta hãy trừ khử thằng con hoang”.
Tuy nhiên, việc loại bỏ ông Yamamoto lại là sứ mệnh không hề dễ dàng. Các chiến đấu cơ của hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ như F4F Wildcat và F4U Corsair không đủ tầm để chặn máy bay của đô đốc Nhật trên bầu trời Bougainville, vốn nằm cách căn cứ không quân gần nhất của Mỹ trên đảo Guadalcanal hơn 640 km. Loại chiến đấu cơ duy nhất có đủ tầm tác chiến là Lockheed P-38G Lightning, với những bình nhiên liệu phụ giúp đảm bảo khả năng đánh chặn và tham chiến của máy bay.
Điều đáng nói là các máy bay Lockheed P-38G Lightning không có sự hỗ trợ từ máy bay cảnh báo sớm (AWACS) hoặc hệ thống radar mặt đất để hướng dẫn chúng đến mục tiêu hoặc thông báo máy bay của Đô đốc Yamamoto đang ở đâu. Cũng không có phi cơ Mỹ nào lượn lờ quanh vùng trời Bougainville nằm giữa những căn cứ máy bay chiến đấu của Nhật. Tuy nhiên, bằng cách tính toán tốc độ của oanh tạc cơ G4M Betty chở đô đốc Yamamoto, tốc độ gió và lộ trình bay tiềm tàng, cùng suy nghĩ rằng vị đô đốc Nhật sẽ đúng giờ như danh tiếng lâu nay của ông, các chuyên gia Mỹ ước đoán họ có thể đánh chặn vào khoảng 9 giờ 35 phút ngày 18.4.1943.
Thời điểm then chốt
Mỹ đã huy động đến 18 chiếc P-38G cho sứ mệnh trừ khử người đã mang đến “ngày ô nhục” cho đất nước họ. Theo kế hoạch, một phi đội gồm 4 chiếc sẽ chịu trách nhiệm phục kích máy bay chở Đô đốc Yamamoto. Những chiếc còn lại sẽ giải quyết các chiến đấu cơ Nhật bay theo hộ tống. Hai chiếc P-38G đã bỏ cuộc trên đường đến Bougainville nên cuối cùng chỉ còn 16 chiếc tham gia sứ mệnh.
Đáng chú ý là người Mỹ may mắn đến nơi lúc 9 giờ 34 phút, sớm hơn một phút so với giờ đã định. Càng vừa khít hơn nữa khi máy bay chở vị đô đốc Nhật xuất hiện đúng giờ sau đó một phút. Bay ở độ cao hơn 1.370 m là 2 oanh tạc cơ Betty, một chiếc chở ông Yamamoto và chiếc còn lại chở Phó đô đốc Matome Ugaki. Hai người được hộ tống bởi 6 chiến đấu cơ A6M Zero thực hiện nhiệm vụ cảnh giới từ độ cao hơn 1.800 m. Vẫn chưa bị phát hiện, 12 chiếc P-38G vươn lên đến độ cao hơn 5.400 m. Bốn máy bay còn lại tấn công 2 chiếc Betty, trong đó cặp đi đầu do đại úy Thomas Lanphier Jr. và thiếu tá Rex Barber điều khiển tiến hành áp sát để bắn hạ mục tiêu. Khi các oanh tạc cơ lượn xuống để tránh những máy bay đánh chặn, các phi công Mỹ không biết chắc chiếc nào chở ông Yamamoto.
Lanphier giao chiến với các máy bay hộ tống trong khi Barber đuổi theo các oanh tạc cơ. Đạn bắn ra từ máy bay Mỹ đã trúng chiếc Betty đầu tiên. Do động cơ bên trái bị hỏng, máy bay Nhật rơi xuống rừng già. Chiếc Betty thứ hai bị 3 máy bay P-38G tấn công đã lao xuống nước. Người Mỹ tiếp tục gặp may: chiếc Betty rơi xuống rừng già khiến phi hành đoàn và những người đi cùng thiệt mạng chính là phương tiện chở ông Yamamoto. Trong khi đó, ở chiếc Betty rơi xuống nước, Phó đô đốc Ugaki đã may mắn sống sót.
Các cánh rừng trên đảo Bougainville quá dày còn Đô đốc Yamamoto gặp nạn ở một vị trí hẻo lánh, khiến các máy bay tìm kiếm của Nhật chỉ có thể quần thảo trên bầu trời trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm phát hiện dấu vết người sống sót. Tuy vậy, một nhóm cứu hộ của Nhật đã băng qua khu rừng già và tìm thấy máy bay chở ông Yamamoto. Sau đó, thi thể của ông và những người khác được hỏa táng. Tro cốt của Yamamoto được thiết giáp hạm Musashi đưa về Nhật vào tháng 5.1943 để tổ chức nghi thức quốc tang thu hút hàng triệu người tham dự.
Tranh cãi về công lao
Đối với người Mỹ, tâm trạng phởn phơ vì rửa được hận bị “phá bĩnh” bởi cuộc tranh cãi dai dẳng thời hậu chiến xung quanh việc ai đã bắn hạ máy bay của ông Yamamoto. Theo tờ Origon Live, Lanphier khẳng định chính ông đã bắn chiếc Betty chở đô đốc Nhật từ khoảng cách rất xa. Tuy nhiên, Barber và những người khác cho rằng tuyên bố của Lanphier là vô lý, do vào thời điểm đó phía Mỹ không biết chính xác ông Yamamoto ở trên máy bay nào. Nhằm dàn xếp cuộc tranh cãi, quân đội Mỹ quyết định chia đôi công trạng cho 2 người. Đến năm 1998, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Bảo tàng Chiến tranh Thái Bình Dương (bang Texas) để đánh giá lại vấn đề. Nhóm thẩm định bao gồm tất cả những phi công lái máy bay P-38G Mỹ còn sống và một phi công Nhật. Dựa trên các phát biểu của nhân chứng và qua kiểm tra mảnh vỡ của máy bay Betty tại Bougainville cùng báo cáo tác chiến của cả Barber lẫn Lanphier, họ đi đến kết luận chỉ Barber xứng đáng được vinh danh.
|
Bình luận (0)