Bản hợp đồng giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Philippe Troussier không chỉ đơn thuần là 69 trang tràn ngập các điều khoản mà đôi bên đã làm việc miệt mài để đi đến thống nhất.
Mà đó còn là lời cam kết đồng hành cho một giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam, cũng như một bước ngoặt mới trong sự nghiệp vốn dĩ không thiếu thăng trầm của nhà cầm quân được mệnh danh là "Phù thủy trắng".
Giữa một ngày hè oi ả tháng 6 cách đây 21 năm, cả Nhật Bản đang ngập trong bầu không khí cuồng nhiệt của World Cup 2002. Đội tuyển Nhật Bản bước vào trận hạ màn với Tunisia với mục tiêu phải thắng để lần đầu vượt qua vòng bảng một kỳ World Cup.
Ông Philippe Troussier ngồi băng ghế huấn luyện, lặng lẽ quan sát học trò thi đấu. Đội tuyển Nhật Bản kiểm soát trận đấu nhưng bế tắc suốt hiệp 1. Sang hiệp 2, lần lượt Hiroaki Morishima, rồi Hidetoshi Nakata ghi bàn, giúp "Samurai áo xanh" thắng chung cuộc 2-0.
HLV Troussier từ chỗ trầm ngâm, chuyển sang trạng thái bùng nổ. Trong phòng họp báo sau trận, ông đã khiến phóng viên Nhật Bản có kỷ niệm khó quên. "Tôi dành tặng chiến thắng này cho báo chí Nhật Bản, cho chính các anh đấy. Cảm ơn các anh vì đã cho tôi nguồn động lực để khiến truyền thông phải ngậm miệng lại. Tôi mang nợ các anh điều đó. Nhờ truyền thông, tôi luôn nỗ lực để trở nên tốt hơn", HLV Troussier nói.
Một đoạn thoại ngắn gọn, nhưng gần như tóm gọn cá tính của Troussier trong cả sự nghiệp. Ông không ngần ngại chiến đấu, tạo xung đột, lao vào luồng mâu thuẫn như một sư tử nước Pháp. Một vẻ ngoài cuồng nộ và độc đoán, bao bọc lấy một bộ não minh triết và thông tuệ về quả bóng tròn.
Điều gì đã xảy ra khiến mâu thuẫn giữa HLV Troussier và truyền thông Nhật Bản trở nên không thể hàn gắn?
Một trong những giọt nước đẩy bầu nước giận dữ của ông Troussier trở thành tràn ly diễn ra ở Confederation Cup 2001. Ở giải đấu này, đội tuyển Nhật Bản của "Phù thủy trắng" tham dự với tư cách đương kim vô địch châu Á. Cần phải nhấn mạnh, vị thế của HLV Troussier ở Nhật Bản khi ấy đang rất cao, sau khi ông giúp Olympic Nhật Bản lọt vào tứ kết Olympic Sydney, và đưa đội tuyển Nhật Bản lên ngôi vương Asian Cup 2000. Trước đó, HLV Troussier cũng tạo dấu ấn với kỳ tích đưa U.20 Nhật Bản và chung kết U.20 World Cup 1999. Chỉ đội U.20 Tây Ban Nha của Xavi Hernandez, Iker Casillas mới cản được đội bóng do ông Troussier huấn luyện ở giải đấu năm đó.
Tại Confederation Cup 2001, đội tuyển Nhật Bản của HLV Troussier quật ngã các đội Canada, Cameroon rồi cầm hòa Brazil. Đến bán kết, "Samurai áo xanh" tiếp tục đánh bại đội Úc với tỷ số 1-0 để góp mặt ở trận đấu cuối cùng gặp đội Pháp - đương kim vô địch World Cup.
Cả giải đấu, đội tuyển Nhật Bản không lọt lưới bàn thua nào. Tưởng như đội bóng của ông Troussier sẽ băng băng đến danh hiệu, một biến cố đã xảy ra. Ngôi sao số 1 của đội tuyển Nhật Bản khi ấy, Hidetoshi Nakata, bất ngờ yêu cầu được rời đội để trở về chơi cho AS Roma.
Ông Troussier được chào đón nồng nhiệt khi quay trở lại Việt Nam
AS Roma đang trong cuộc đua danh hiệu và họ cần Nakata. Ngôi sao của Nhật Bản hiển nhiên muốn cống hiến rồi tận hưởng chức vô địch Serie A với đội bóng chủ quản, nhưng HLV Troussier không đồng ý. Ông không cho phép ai rời đội tuyển trước khi Confederation Cup khép lại. Nhưng, Nakata vẫn lên đường trở về Ý. Đội tuyển Nhật Bản với sự thiếu vắng Nakata đã thua Pháp 0-1 ở trận chung kết.
Hành động chống đối của Nakata thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn giữa anh, cùng sự ủng hộ của hàng vạn cổ động viên, với chính HLV Troussier. Cần biết, Nakata là thần tượng của bóng đá Nhật Bản với sự nghiệp đang lên ở trời Âu. Nếu trái tim Nakata đặt vào AS Roma ở thời khắc lịch sử của CLB, thực ra điều ấy có thể hiểu được. Dù vậy, HLV Troussier không quan tâm. Ông chỉ trích Nakata, đe dọa đóng sập cánh cửa lên tuyển của ngôi sao số 1.
Được chờ đợi mang phong cách huấn luyện và hành xử lịch thiệp kiểu Pháp đến Nhật Bản, nhưng nhà cầm quân người Pháp không thuộc tuýp sống để làm vừa lòng số đông. HLV Troussier không ngần ngại đối đầu với những ngôi sao và cả dư luận. Khi cảm thấy kỷ luật đội tuyển bị xâm phạm, "Phù thủy trắng" sẽ dang tay bảo vệ bằng cả trái tim.
"Tôi không đến để dạy người Nhật chơi bóng. Họ giỏi kỹ thuật sẵn rồi. Công việc của tôi, bằng sự khắc nghiệt, là tạo ra một tập thể gắn kết, giàu thể lực, kỷ luật, cứng rắn và tự chủ", HLV Troussier chia sẻ khi bị báo giới Nhật Bản gọi là "độc tài", hay đồn đoán rằng ông cố tình loại Nakata để nhường chỗ cho một trò cưng khác.
Điểm nổi bật của HLV Troussier là cái tôi cùng sự hãnh tiến của một nhà cầm quân mang trái tim sư tử. Khi đến Nhật Bản làm việc, ông nhanh chóng nhận ra các cầu thủ nơi đây chơi bóng quá lý thuyết, tập trung vào chi tiết mà bỏ quên bức tranh toàn cảnh, đồng thời thiếu tính chiến đấu bởi đề cao tính tập thể trong thi đấu một cách thái quá. Và ông Troussier có niềm tin chắc chắn rằng ông ở đây để thay đổi não trạng chơi bóng ấy.
"Các cầu thủ Nhật Bản có nguồn năng lượng tự nhiên có thể sánh với núi Phú Sĩ. Tuy nhiên, là HLV trưởng, tôi cần khai thông và dạy dỗ cho họ cách chơi bóng như ở châu Âu. Họ quá ngây thơ và chẳng sẵn sàng cho một cuộc chiến nào cả", HLV Troussier nói. Ông cũng nhấn mạnh: "Họ phải đối phó với những mãnh thú có thể nuốt chửng họ chỉ trong một cái chớp mắt, nên họ cần mạnh mẽ, để ép chúng phải làm những điều chúng không muốn làm".
Trong bài phân tích về hành trình của đội tuyển Nhật Bản tại World Cup 2002 (lần đầu tiên đội bóng có biệt danh "Samurai áo xanh" vượt qua vòng bảng), Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Kozo Tashima sử dụng từ khóa "chặt chẽ" để nói về cách chơi của đội bóng do ông Troussier dẫn dắt. Chặt chẽ, kỷ luật và khoa học là đặc tính của đội tuyển Nhật Bản ở giai đoạn này. Ông cũng phân tích về sơ đồ 3 trung vệ, phong cách gây áp lực chủ động, rồi tổ chức đội hình với cự ly đội hình bài bản, hợp lý với khoảng cách 30 m từ tiền đạo mũi nhọn đến trung vệ cuối cùng.
Dù vậy, chiếc chìa khóa để ông Troussier thay đổi hoàn toàn bộ mặt bóng đá Nhật Bản chính là sự khai thông, như chính ông nhấn mạnh, về mặt tinh thần và tâm lý cầu thủ. Ông như người tháo chiếc van nước để tiềm năng của cầu thủ Nhật Bản được tuôn ra mạnh mẽ. Nhiều ngôi sao được chiến lược gia huấn luyện ở đội trẻ như Shunsuke Nakamura, Hidetoshi Nakata, Shinji Ono hay Yasuhito Endo sau này đều trở thành trụ cột của bóng đá Nhật Bản.
Nhưng, cuộc cách mạng nào cũng có hai mặt. Căn tính kỷ luật, hà khắc và chẳng ngại đấu tranh mang lại cho HLV Troussier thành công, nhưng cũng khiến ông nhận lấy không ít thất bại.
"HLV Troussier đã gieo rắc cơn ác mộng cho các cầu thủ. Ông ấy sắt đá, cộc cằn và từng đuổi một cầu thủ xuống xe buýt. Ông Troussier khiến bầu không khí của đội trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết", ký giả Billy Cooper của Daily Sun nhớ lại quãng thời gian ông Troussier còn nắm quyền ở đội tuyển Nam Phi ở World Cup 1998.
Khi nắm quyền ở CLB Marseille (Pháp) cuối năm 2004, "Phù thủy trắng" mâu thuẫn với nhiều ngôi sao, trong đó có tuyển thủ Pháp Bixente Lizarazu. Ông rời đội chỉ sau chưa đầy 1 mùa giải với dấu ấn gần như bằng không. 1 năm sau, HLV Troussier dẫn dắt đội Morocco, nhưng rồi cũng bị sa thải sau 2 tháng vì bất đồng quan điểm.
HLV Troussier như một lò lửa, nóng bỏng và đam mê. Bước qua nhiều thăng trầm và đi dần đến đoạn cuối sự nghiệp, nhưng nhà cầm quân người Pháp chưa bao giờ thiếu nhiệt huyết.
Khi còn làm Giám đốc kỹ thuật PVF, rồi phụ trách đội U.19 Việt Nam, người ta bắt gặp HLV Troussier đi đến mọi nơi, theo dõi từng trận đấu ở các giải trẻ, hạng nhất, hạng nhì, không ngừng ghi chép để không bỏ sót một viên ngọc thô nào. "Phù thủy trắng" tuyên bố muốn có trong tay bản danh sách 100 cầu thủ trẻ (hoặc bây giờ đã nhiều hơn thế) để phục vụ cho mục tiêu World Cup 2026. Đó là cơn mơ đêm hè bóng đá Việt Nam luôn khắc khoải, để rồi chính ông Troussier gắn nó với phận sự, trách nhiệm của mình.
"HLV Troussier là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Ông ấy quá đam mê với bóng đá. Công việc của ông Troussier có lẽ chỉ xoay quanh trái bóng tròn. Ông ấy có thể truyền đạt liên tục 3 tiếng đồng hồ mà chẳng hề mệt mỏi. Đến độ, những cộng sự trẻ tuổi cũng phải choáng với năng lượng của HLV Troussier, người đã gần 70 tuổi", HLV Mauro Jeronimo của đội PVF - Công an Nhân dân ấn tượng khi nói về người cộng sự cũ.
Đặt bút ký vào bản hợp đồng với VFF, HLV Troussier luôn nhấn mạnh đến mục tiêu World Cup 2026. Ông không coi giấc mơ World Cup của một nền bóng đá non trẻ như Việt Nam là áp lực. Ngược lại, bóng đá Việt Nam dám mơ và đặt kế hoạch cụ thể để biến giấc mơ thành sự thật, điều đó đã thôi thúc HLV người Pháp gật đầu hợp tác, rồi lăn xả trở thành một phần của cuộc hành trình mà đích đến còn rất xa xôi, mà tuổi nghề của nhà cầm quân đã 68 tuổi như ông vốn chẳng còn nhiều.
"Hiểu rằng bóng đá Việt Nam hướng tới mục tiêu dự World Cup 2026, tôi đã nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Đó không phải con đường bằng phẳng, chắc chắn sẽ có sóng gió. Với thể thức mở rộng 48 đội dự vòng chung kết, bóng đá Việt Nam sẽ có cơ hội và cả hy vọng nữa. Với mục tiêu như vậy, chúng ta sẽ đương đầu với khó khăn. Nhưng nhờ vốn kinh nghiệm đã tích lũy, tôi học được nhiều hơn ở cách vượt khó hơn chỉ đơn thuần gặt hái thành công. Tôi tin rằng không có gì là không thể.
Tôi ở đây không để làm việc một mình, mà sẽ được hỗ trợ bởi các bên. Tôi sẽ chỉ là người dẫn đường. Đã có những người đảm nhiệm cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam trước tôi, và sau tôi sẽ có những người tiếp tục con đường ấy. Tôi sẽ nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm để đối phó với sóng gió. Sẽ có lúc chúng ta rẽ lối vượt qua sóng gió nhưng không được quên mục đích. Nếu chúng ta đoàn kết và đồng lòng chúng ta sẽ vượt qua. Tôi không phải người duy nhất có niềm tin, mà tất cả chúng ta phải tin tưởng vào mục tiêu đã chọn", HLV Troussier khẳng định. Trước đây, HLV Park Hang-seo cũng chưa bao giờ coi trọng chuyện tiền bạc trong cuộc song hành với bóng đá Việt Nam. Và ông Troussier cũng thế, vấn đề tài chính hoàn toàn không phải là... vấn đề giữa ông Và VFF, khi đôi bên thương thảo với nhau.
Nhà cầm quân người Pháp sẽ huấn luyện đồng thời đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam, nhưng ông chưa bao giờ xem đây là 2 đội bóng riêng biệt. Đội U.23 sẽ là nơi luyện quân để trui rèn thế hệ nòng cốt cho đội tuyển quốc gia. Đây là "vùng đệm" để những viên ngọc thô có thể trở thành ngọc quý, bước ra ánh sáng rực rỡ như cách lứa U.23 Việt Nam ở Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018 đã trưởng thành, rồi góp sức tạo nên 5 năm rực rỡ cho bóng đá Việt Nam.
"Tôi nắm quyền huấn luyện đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam, nhưng tôi không coi đây là 2 đội riêng rẽ. Tôi muốn hướng tới cả đội tuyển U.20 Việt Nam nữa. Để hướng tới World Cup 2026, chúng ta cần đội tuyển Việt Nam với nòng cốt gồm các cầu thủ từ 22 - 27 tuổi. Từ nay đến năm 2026, tôi muốn làm thế nào để xây dựng đội hình với nòng cốt mạnh", HLV Troussier tiết lộ về tham vọng.
Giải đấu chính thức đầu tiên ông Troussier huấn luyện là SEA Games 32, rồi đến ASIAD, vòng loại U.23 châu Á 2024, trước khi ông cùng đội tuyển Việt Nam chinh phục tấm vé dự vòng chung kết World Cup 2026. Đó là hành trình với những bước đệm tịnh tiến rõ ràng. Từ giải đấu "cây nhà lá vườn" ở cấp độ trẻ (như SEA Games) đến đích ngắm lớn nhất là World Cup, ông Troussier và VFF đã vạch ra lộ trình rõ ràng. Ở đó, HLV Troussier và học trò sẽ tiến từng nhịp, nỗ lực với những sải bước nhỏ đầu tiên, rồi tích cóp để tạo nên bước tiến lớn. Giọt mồ hôi đổ xuống ngày hôm nay sẽ là nền tảng cho thành công mai sau.
HLV Troussier luôn nói đến Nhật Bản như mốc son chói lọi nhất trong sự nghiệp cầm quân vốn dĩ đủ thứ chuyện để viết được vài cuốn sách. 24 năm trước, ông đã khởi đầu triều đại thành công ở xứ sở hoa anh đào bằng đội U.20 Nhật Bản, tiến dần đến Olympic rồi đến đội tuyển quốc gia.
Được mệnh danh là "Phù thủy trắng", nhưng có lẽ ông Troussier hiểu rằng rằng chẳng có thứ gì gọi là phép màu trong bóng đá. Mọi thành công đều phải dựa trên nền tảng bền vững cùng sự kế thừa. HLV Troussier đã xây nền đắp móng cho bóng đá Nhật Bản nhờ nguyên lý này. Với Việt Nam, nhà cầm quân người Pháp đã tìm thấy sự tương đồng.
"Tôi tin tưởng đây là mục tiêu khả thi bởi những cảm xúc tương đồng với thời điểm nhậm chức trước đây tại Nhật Bản, khi xung quanh tôi là những cầu thủ tài năng, môi trường làm việc chăm chỉ tận hiến, cùng cảm hứng bóng đá bất tận chỉ chực chờ bùng nổ. Sẽ có thời điểm vui, sẽ có khoảnh khắc buồn, nhưng chúng ta có thể mạnh mẽ vượt qua tất cả để thành công nếu đoàn kết được mọi nhân tố trong đại gia đình bóng đá Việt nam cùng chung chí hướng, bao gồm liên đoàn, CLB và người hâm mộ", HLV Troussier cam kết.
Trên cuộc hành trình chẳng trải đầy hoa hồng ấy, HLV Troussier không cô đơn. Ông có sự đồng hành của một hệ thống bóng đá đang nỗ lực từng ngày để vào khuôn, có một di sản là đội hình giàu tính cạnh tranh do HLV Park Hang-seo để lại, có một lứa cầu thủ đáng để trông đợi và tin tưởng, có một chiến lược đã vạch ra chi tiết từng bước. Và quan trọng nhất, là có một trái tim dũng cảm chai sạn với khó khăn, sẵn sàng dấn thân vào thử thách ở độ tuổi nhiều người đã dừng lại để an hưởng tuổi già.
Cả cuộc đời HLV Philippe Troussier là những lần xông pha vào chiến địa. Và lần này, ông sẽ cùng bóng đá Việt Nam tận hiến để chinh phục những kỳ tích mới. Và hoàn toàn có thể khẳng định rằng, cuộc phiêu lưu của ông Troussier ở Việt Nam lần này, đích thực là cuộc phiêu lưu không mạo hiểm.
Bình luận (0)