Tội trạng
Trong phần lớn thời gian xảy ra cuộc chiến tranh tại Bosnia hồi những năm 90 của thế kỷ trước, Ratko Mladic là Tổng tham mưu trưởng quân đội Bosnia (BSA). Năm 1995, khi khói lửa chưa kịp tan trên vùng đất Balkan, Tòa án tội phạm quốc tế đóng tại La Haye (Hà Lan) đã cáo buộc Mladic cùng cựu lãnh đạo người Serbia R.Karadzic phạm hàng loạt tội danh: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, vi phạm luật chiến tranh... Một trát bắt được phát đi ngay sau đó. Ratko Mladic bị tố cáo là nhân vật chủ chốt trong vụ vây ráp thành phố Sarajevo kéo dài từ năm 1992-1996, khiến 10.000 người thiệt mạng. Cùng với Karadzic, viên cựu Tổng tham mưu trưởng BSA còn bị cáo buộc đã tiến hành cuộc thảm sát 8.100 đàn ông, con trai người Hồi giáo tại Srebrenica vào ngày 11.7.1995. Đây là vụ diệt chủng tồi tệ nhất tại châu u kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc. Cùng với trát bắt của Tòa La Haye, Chính phủ Mỹ cũng đã treo giải thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được Ratko Mladic và Radovan Karadzic.
Phải chờ tới phán quyết của Tòa La Haye mới biết rõ tội ác của Mladic cùng một số cựu lãnh đạo Serbia khác, nhưng có thể khẳng định rằng viên cựu Tổng tham mưu trưởng BSA này nắm một vai trò chủ chốt trong cuộc chiến tranh tại Bosnia. Sau khi tốt nghiệp Trường Công nghiệp quân sự vào năm 1965 với tấm bằng loại ưu, Ratko Mladic bắt đầu con đường binh nghiệp với hàm thiếu úy và một chức chỉ huy nho nhỏ. Sau đó, với khả năng điều binh khiển tướng xuất sắc của mình, ông ta tiến dần lên, từ vị trí đứng đầu một trung đội, đại đội, tiểu đoàn rồi đến sư đoàn. Năm 1991, Mladic leo lên vị trí phó chỉ huy quân đoàn Pristina tại tỉnh Kosovo và sau đó được phong hàm trung tướng. Lúc này, khói lửa chiến tranh bắt đầu lan tỏa trên bán đảo Balkan và đó cũng là lúc Mladic phát huy vai trò của một tư lệnh chiến trường.
Vào ngày 2.5.1992, chỉ một tháng sau khi Cộng hòa Bosnia tuyên bố độc lập, Mladic và các tướng lĩnh của ông ta đã phong tỏa thành phố Sarajevo, thủ đô của Bosnia và Herzegovina. Đó là thời điểm bắt đầu giai đoạn 4 năm thành phố Sarajevo bị bao vây, cuộc bao vây dài nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Quân của Mladic chặn hết các tuyến giao thông ra vào thành phố. Nước và điện sinh hoạt cũng bị cúp. Thành Sarajevo trong 4 năm liền luôn thiếu ánh sáng nhưng thừa đạn bom và chết chóc. Cũng trong thời gian này, Mladic được phong hàm đại tướng, nắm giữ cương vị Tổng tham mưu trưởng BSA, thống lĩnh lực lượng gồm 80.000 quân.
Ngọn lửa chiến tranh ngày một lan rộng và những tội ác nối tiếp nhau ra đời, trong đó có vụ thảm sát tại Srebrenica. Mladic bị cáo buộc đã ra lệnh sát hại khoảng 8.100 người Hồi giáo tại Srebrenica vào tháng 7.1995. Ngay sau sự kiện đẫm máu đó, Tòa La Haye đã phát lệnh truy tố Mladic về tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và hàng loạt tội ác khác (trong đó có cáo buộc Mladic đã ra lệnh các tay súng bắn tỉa hạ sát dân thường).
Lẩn trốn
Một chiến dịch truy bắt Ratko Mladic đã được tiến hành trong nhiều năm với sự tham gia của nhiều lực lượng: NATO, Liên Hiệp Quốc, EU, cảnh sát Serbia và Montenegro. Tuy nhiên, Mladic vẫn bóng chim tăm cá. Trong suốt quá trình truy bắt, các chuyên gia đã nhận được nhiều nguồn tin khác nhau. Khi thì Mladic trốn trong một vùng đồi núi tại miền trung Serbia. Khi khác lại có tin ông ta sống dưới một hệ thống hầm ngầm tại miền đông Bosnia. Một lúc khác lại có tin Mladic tới Macedonia. Nói chung viên cựu tư lệnh này dường như có mặt khắp nơi. Hồi tháng 2 vừa qua, thậm chí có tin Mladic bị bắt tại Romania. Tuy nhiên, cuối cùng thì người ta cũng chẳng thể biết được viên tướng khét tiếng này ở đâu sau khi Công tố viên trưởng của Tòa La Haye, bà Carla Del Ponte, nói rằng Mladic vẫn chưa bị bắt.
Đáng ngạc nhiên là một số nguồn tin tình báo đáng tin cậy cho biết Mladic vẫn còn nhận lương hưu đến tháng 11.2005. Năm 2004, một số nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ rằng tướng Mladic vẫn được quân đội Bosnia bảo vệ. Họ cho biết nhân vật này thường xuyên tới thăm một số khu vực tại Bosnia để mừng sinh nhật đồng đội cũ và bạn bè. Nhiều khi Mladic còn đi săn bắn trong những khu rừng rậm. Cũng trong năm 2004, lực lượng gìn giữ hòa bình của EU đã bí mật đột nhập vào một hệ thống hầm ngầm quân sự gần thị trấn Han Pijesak của Bosnia. Sau đó, một số phóng viên đã được mời đến hầm ngầm này và được cho biết là Mladic từng ở đây đến tháng 7.2004.
Trong vài tuần trở lại đây, nhà chức trách Serbia đã đẩy mạnh chiến dịch truy bắt Mladic. Hàng loạt nhân vật có quan hệ với ông này đã bị bắt. Bộ Quốc phòng Serbia cũng đã thực hiện một cuộc điều tra nội bộ và sau đó thông báo rằng một số nhân vật trong quân đội từng che chở cho viên tướng bị truy nã. Cách đây vài ngày, một quan chức an ninh Serbia cho biết cảnh sát đã bắt giữ 130 người tình nghi đã che chở Mladic. "Chúng tôi đang gây áp lực rất lớn đối với những ai hợp tác với Ratko Mladic. Giờ đây Mladic đang bị cô lập và mạng lưới bảo vệ ông ta cũng không còn rộng lớn như trước đây nữa. Tôi không thể nói khi nào sẽ tóm được Mladic, có thể phải mất vài tuần", Bộ trưởng Nội vụ Serbia Dragan Jocic cho biết.
Lời của ông Jocic khiến người ta phấp phỏng chờ đợi, nhưng vẫn chưa có điều gì đảm bảo Mladic sẽ sa lưới. Dù hàng trăm người tình nghi bị bắt, dù hàng loạt chỗ trú ẩn của Mladic bị phá, nhưng bản thân nhân vật này ở đâu thì chẳng ai dám khẳng định mà chỉ biết đoán già đoán non.
Mladic được bảo vệ?
Bên cạnh đó, có rất nhiều người trong quân đội, tình báo, cảnh sát và chính trường Serbia cũng như Bosnia từng rất thân thiết với Mladic. Khi nhân vật này bị truy nã, họ có thể liên kết với nhau để che chở Mladic. Phá vỡ được mạng lưới này có thể khiến Mladic mất chỗ dựa, qua đó việc truy bắt sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết bởi trên thực tế, cảnh sát Serbia đã bắt hàng loạt người tình nghi nhưng vẫn chưa tìm ra hành tung của Mladic. Có một vấn đề nan giải nữa, đó là không ai biết mạng lưới bảo vệ cho Mladic rộng lớn đến chừng nào và việc phá vỡ hoàn toàn mạng lưới này sẽ mất thời gian bao lâu. Chính vì thế, ngay cả Bộ trưởng Nội vụ Jocic cũng chỉ có thể nói một câu vô thưởng vô phạt: "Có thể vài tuần nữa".
Đ.H
Bình luận (0)