Cuộc thi pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng: Trung Quốc đoạt giải nhất

28/03/2009 22:43 GMT+7

(TNO) Sau 2 ngày tranh tài, tối 28.3 cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng (DIFC 2009) đã kết thúc với phần thắng nghiêng về phía đội Trung Quốc với màn trình diễn câu chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài.

Trước giờ thi đấu của ngày thi thứ hai, Tony Chung - Quản lý kỹ thuật DIFC 2009 tỏ ra lo lắng khi trời đổ mưa nhỏ. Đêm 27.3, một cơn mưa như thế đã làm cho không khí trên cao ẩm, oi nồng và không một cơn gió vì thế “ngựa ô” Philippines không thể phô diễn toàn bộ tài năng và nhiều khán giả cũng không thể chiêm ngưỡng hết sự tiến bộ vượt bậc cùng màn “ngư lôi” kết thúc đầy bất ngờ của chủ nhà Việt Nam.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với người Tây Ban Nha, khi gió đã nổi lên ở phần thi của họ, khiến những bông hoa pháo sáng hiện ra rõ ràng trước mặt khán giả.

Hôm nay, mưa vừa tạnh và gió cũng đã nổi lên vào ngay giờ thi đấu của đội Trung Quốc. Là đội trang bị pháo hoa vào loại “hạng nặng” nhất trong 5 đội dự thi nhưng Tony Chung - Quản lý kỹ thuật DIFC 2009 lo lắng: “Màn trình diễn lớn nhất là thế mạnh của Trung Quốc, nhưng số lượng pháo và độ dày đặc của khói luôn tỷ lệ thuận với nhau không phải là chuyện đùa”.

   

Trái ngược với số lượng pháo đồ sộ, đội Trung Quốc mang đến một giai điệu trầm lắng và vị buồn qua câu chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài - đôi uyên ương vì trái ngang không thể dệt mộng hồ điệp. Nhẹ nhàng, chậm và tinh tế là những cảm nhận về màn trình diễn của đội pháo hoa Trung Quốc.

Sau 2 ngày tranh tài, đội tuyển Trung Quốc với màn trình diễn câu chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đã đoạt giải nhất cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009 tại TP Đà Nẵng. Đội Tây Ban Nha trong phần thi “Giai điệu hạnh phúc” đoạt giải nhì. Đội tuyển Úc với phần thi “Những ngôi sao phương Nam” giải ba. Chủ nhà Việt Nam và “ngựa ô” Philippines đoạt giải khuyến khích.

Các điểm bắn được trải rộng, màn pháo hoa dưới nước là tiết mục đặc sắc nhất của đội này. Có thể nói, Trung Quốc là đội phối hợp giữa nhạc và pháo đặc sắc nhất qua 2 ngày thi tài. Nền nhạc truyền thống và tiết tấu trầm buồn của bài hát đã được đội Trung Quốc xử lý chính xác. Những quả pháo hình liễu rũ, chiếc nhẫn, trái tim và hàng loạt hiệu ứng đuôi, sao chổi khác phù hợp với nội dung bản nhạc.

Nếu Trung Quốc mang đến cho các khán giả xem pháo hoa một câu chuyện tình buồn mênh mang, thì người Úc trả lại không khí lễ hội tưng bừng cho khán giả bằng những vũ điệu cuồng nhiệt.

   

Chủ đề “Những ngôi sao phương Nam” được đội trưởng Rusty Johnson thể hiện qua ý đồ những bản nhạc đậm chất Úc châu. Cùng lúc với tiếng trống truyền thống thổ dân Úc bập bùng, hay trên nền nhạc dân gian “Người đàn ông Úc”, “Lang thang” trên bầu trời, pháo sao chổi, đuôi hổ hùng dũng như tái hiện những chuyến săn bắt trên đồng cỏ trải dài.

Ở phân đoạn “Đừng thay đổi”, “Du hành”, “Buổi sáng”, “Người từ dòng sông Tuyết”, pháo hình nến, nhấp nháy lung linh lại minh họa trên nền nhạc thính phòng. Và đoạn kết của đội tuyển Úc lựa chọn những bản nhạc rock "Trên giải ngân hà" (Under the Milky Way - Blasco), "Đừng để giấc mơ kết thúc" (Don’t Dream its Over - Crowded House) và "m thanh trắng" (White Noise - Living End) máu lửa cùng hàng nghìn quả pháo mìn, pháo lửa thăng thiên mạnh mẽ.

Bên lề

Sau hoa là rác. Công ty Môi trường đô thị TP Đà Nẵng cho biết, trong đêm 27.3, người dân và du khách xem pháo hoa đã thải ra 45 ngàn tấn rác chỉ trên các tuyến đường chính diễn ra cuộc thi như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Trần Phú (tăng gần 10% so với tổng lượng rác thường ngày trên toàn thành phố). Hơn 1.000 công nhân đã làm việc trắng đêm mới thu gom căn bản hoàn thành. Đêm 28.3, lượng rác còn khổng lồ hơn. Đội quân “ve chai” được dịp hoạt động hết công suất, từ bao ni-lon, giấy báo trên vỉa hè đến cả vỏ lon từ các nhà hàng, quán nhậu.

Nghẽn mạng di động. Dù có trên 10 xe trợ sóng của các nhà cung cấp dịch vụ di động, mỗi xe trung bình trợ sóng cho 224 thuê bao thực hiện cuộc gọi cùng một lúc, nhưng con số trên không thấm vào đâu so với nhu cầu “alô” của du khách. Nghẽn mạng di động hoặc cuộc gọi dừng giữa chừng là tình trạng phổ biến.

Tắc đường, tắc cầu. Cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý buộc phải phong tỏa và phân luồng mỗi 15 phút từ nhiều đêm qua, nhưng xe muốn qua cầu chỉ có thể nhích từng bước.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.