Nhiều đội đầu tư kỹ hơn
Vòng loại khu vực phía nam diễn ra ngày 4.4 có hơn 60 đội tham dự. Tuy nhiên, luật thi đấu có nhiều thay đổi, kịch tính của các trận đấu đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều. Năm nay, mỗi trường chỉ được đăng ký tối đa 8 đội tham dự thay vì 15 đội như năm 2012 (cả nước có 180 đội). Năm ngoái, kết thúc vòng loại phía nam, 12 đội của Trường ĐH Lạc Hồng đã độc chiếm 12 suất tham dự vòng chung kết toàn quốc, sau đó thẳng tiến đến ngôi vô địch toàn quốc và đoạt giải nhì cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Thế nên, năm nay cơ hội cho các đội tham dự sẽ nhiều hơn.
|
Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cho biết qua những trận đầu của vòng loại, cho thấy năm nay sẽ khó khăn hơn, vì các đối thủ như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… mạnh hơn và được đầu tư kỹ càng hơn.
Theo các chuyên gia về robot, đề thi năm nay rất đặc biệt, với hình dạng quả địa cầu nằm ở trung tâm, robot sẽ không di chuyển theo những đường vạch có sẵn như những gì chúng ta vẫn thấy trong 11 năm qua. Thay vào đó, các thí sinh phải lập trình cho robot di chuyển theo những đường thẳng, cong, ngang… màu trắng có sẵn trên sàn thi đấu.
Bên cạnh đó, robot điều khiển bằng tay chỉ hiện diện khoảng 20 - 30 giây trong khoảng thời gian 3 phút của một trận đấu, sau đó là phần thể hiện của robot tự động. Điều này bắt buộc các đội phải đầu tư nghiên cứu về công nghệ nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của đề thi. Qua những ngày thi đấu đầu tiên, những đội có đầu tư kỹ lưỡng và tìm tòi công nghệ thì robot tự động hoạt động ổn định, tốt hơn.
|
Kết thúc vòng loại khu vực phía nam, Bách khoa (3 đội), Trần Đại Nghĩa (1 đội), Lạc Hồng (6 đội) vào vòng 2.
Kịch tính miền Trung
Vòng loại đầu tiên diễn ra tại Cung thể thao Tiên Sơn, TP.Đà Nẵng từ ngày 4 đến 6.4 với sự tham gia của 34 đội tuyển thuộc 8 trường ĐH, CĐ, học viện và Trung cấp nghề miền Trung - Tây nguyên.
Chỉ mới vòng loại nhưng với thể thức thi đấu mới, cuộc thi đã có nhiều bất ngờ. Trước hết, đây là năm đầu tiên có một đội tuyển robot của các lưu học sinh Lào, Campuchia tại Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin Khánh Hòa tham gia, đó là đội robot Mekong VLC. Vốn đã là một đối thủ mạnh nhiều năm liền ở khu vực miền Trung - Tây nguyên, nay trường này có thêm đội Mekong VLC ở bảng E với màn ra mắt ấn tượng.
Không chỉ Mekong VLC gây bất ngờ, các trường ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á (Đà Nẵng) và CĐ Nghề Đắk Lắk cũng thể hiện tham vọng khẳng định khi vượt qua các đội robot của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, một đơn vị đã có bề dày thành tích tại sân chơi robocon, bằng những trận thắng tuyệt đối.
PGS-TS Nguyễn Tăng Cường - Trưởng ban Giám khảo Robocon Việt Nam 2013 - cho biết: “Những bất ngờ đầy kịch tích ngay từ vòng loại khu vực miền Trung - Tây nguyên đã cho thấy sân chơi robocon ngày càng hấp dẫn, các đội mới tham dự xác định từ đầu không chỉ để học hỏi mà muốn khẳng định mình tiến bộ vượt bậc. Có thể nói trình độ, khoảng cách về sáng tạo robot của các trường không còn chênh lệch như trước đây”.
Sáng tạo vì hành tinh xanh “Hành tinh xanh” là chủ đề của cuộc thi do Việt Nam đăng cai trong năm nay. Chủ đề dựa trên ý tưởng chủ đạo về xây dựng một hành tinh xanh, con người bảo vệ thiên nhiên và môi trường, ươm mầm sự sống cho trái đất. Mỗi đội thi có 4 thành viên (3 sinh viên và 1 chỉ đạo viên) được sử dụng tối đa 2 robot (1 tự động, 1 bằng tay). Robot bằng tay không được di chuyển trong vùng trái đất mà chỉ được hoạt động xung quanh với nhiệm vụ gắn lá ở bán cầu Nam và chuyển cho robot tự động gắn vào bán cầu Bắc trong vòng 3 phút. Chiến thắng tuyệt đối được gọi là “Green Planet” được xác lập khi mầm cây của đội nào (do các đội tự làm) được bắn từ robot bằng tay đứng được trên vùng mặt trăng trước. |
Đăng Nguyên - Nguyễn Tú
>> 7 đội giành vé vào vòng chung kết Robocon 2013
>> Hơn 180 đội tuyển sinh viên tranh tài Robocon 2013
>> Việt Nam đoạt Á quân Robocon châu Á - Thái Bình Dương
>> Robocon châu Á - Thái Bình Dương: Việt Nam đứng nhì
>> Căng thẳng, hồi hộp với Robocon châu Á - Thái Bình Dương
>> Robot VN tham dự Robocon châu Á - Thái Bình Dương
Bình luận (0)