Cuộc tranh luận về công nghệ nano

07/11/2009 19:50 GMT+7

Ngày nay, những phân tử nano có mặt rất nhiều trong các sản phẩm phục vụ cuộc sống như máy móc điện tử, mỹ phẩm, áo quần, dược phẩm... Liệu nano có an toàn?

Ở kích thước nano (một nanomet bằng một phần triệu milimet), tính chất của vật chất sẽ thay đổi. Do đó, các chất liệu nano rất bền, dẻo và dễ kết dính. Nhưng cũng vì vậy mà chúng rất dễ gây ra các phản ứng phụ. Do có kích thước siêu nhỏ, các phân tử này có thể xâm nhập qua da. Trong trường hợp hít phải hay ăn phải, chúng có thể vượt qua thành ruột, màng não, mạch máu... và gây tổn hại cho các cơ quan trong cơ thể.

Theo báo Pháp Le Monde, một số báo cáo khoa học đã nhấn mạnh rằng các phân tử nano có thể gây nguy hiểm. Các con chuột thí nghiệm hít phải phân tử nano có phổi bị xơ. Các nhà khoa học nghiên cứu về chất độc cho rằng nếu lượng phân tử nano hít phải tăng lên, con người cũng có thể mắc các bệnh về phổi.

Đứng trước nguy cơ do công nghệ nano gây ra, một cuộc tranh luận về công nghệ nano diễn ra trên toàn nước Pháp kể từ ngày 15.10 và sẽ kéo dài trong hơn 4 tháng. Ông Jean

Bergougnoux, Chủ tịch Ủy ban tổ chức cuộc tranh luận, cho biết mục đích cuộc tranh luận là thu thập ý kiến của người dân về công nghệ nano. Theo ông, phát triển bền vững không chỉ đòi hỏi con người phải làm chủ được những ngành công nghệ mới mà còn phải được chuẩn bị cho những quyết định có thể tác động mạnh mẽ lên toàn xã hội.

Công nghệ nano là ngành công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị, hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanomet. 

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Ủy ban tranh luận quốc gia đã hỏi ý kiến của 7 bộ trưởng về việc tổ chức cuộc tranh luận nhằm làm rõ một số vấn đề: việc hỗ trợ các nghiên cứu về công nghệ nano, đánh giá sự độc hại đối với con người và hệ sinh thái, cung cấp thông tin và bảo vệ người lao động, người tiêu dùng, kiểm soát các sản phẩm nano... Ủy ban này gồm 7 thành viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo sư thần học, tiểu thuyết gia, kiến trúc sư... đã được thành lập. Họ không hề liên quan gì đến lĩnh vực công nghệ nano. Và ủy ban chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin, lắng nghe và ghi nhận chứ không đưa ra quyết định.

Tới đây, theo Le Monde, một loạt 17 cuộc tranh luận mở cửa cho tất cả mọi người về các chủ đề khác nhau sẽ được tổ chức tại nhiều thành phố. Và cuộc tranh luận cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 23.2.2010 tại Paris. Ông Bergougnoux hy vọng sẽ có từ 10.000 - 12.000 người tham gia tranh luận để nêu lên quan điểm của mình. Mọi ý kiến đều được ghi lại trong bản báo cáo cuối cùng. Trong vòng 2 tháng sau khi tranh luận kết thúc, ủy ban sẽ phân tích chi tiết các ý kiến và làm tổng kết gởi các bộ liên quan.

Liệu cuộc trưng cầu ý kiến người dân diễn ra có quá trễ, khi mà công nghệ nano đã tràn ngập khắp nơi? Theo ông Bergougnoux, thị trường các sản phẩm sử dụng công nghệ nano sẽ phát triển mạnh mẽ trong vòng 5 năm tới, gấp 3 - 5 lần so với hiện nay. Vì vậy, vẫn còn thời gian để tranh luận và can thiệp. Ông cũng cho rằng ý kiến của người dân rất có trọng lượng và sẽ có ảnh hưởng nhất định.

Ước tính, thị trường các sản phẩm công nghệ nano toàn cầu lên đến gần 750 tỉ euro mỗi năm và có thể tạo ra nhiều triệu việc làm vào năm 2015.

Báo Le Monde cho biết, Nghị viện châu u cũng ủng hộ đẩy mạnh việc thiết lập quy chế châu u về các sản phẩm nano. Ủy ban châu u tại Bruxelles đưa ra thời hạn là năm 2012. 

Ngọc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.