Anh P.Q.H., một nhân viên văn phòng ở TP Cần Thơ, đã tìm đến bạn bè để giải tỏa bức xúc vì tính trẻ con của vợ. Anh kể: “Công việc đòi hỏi tôi thường xuyên giao tiếp trên bàn nhậu, nhưng vợ tôi không thích. Biết vậy nên từ ngày cưới nhau tôi đã hạn chế tối đa chuyện đi nhậu, đến nỗi bị một số chiến hữu giận cho “ra rìa”. Vậy mà vợ tôi vẫn chưa vừa lòng. Cách đây ít ngày, tôi chơi thể thao với khách hàng và uống một chai bia xã giao, về nhà cô ấy cằn nhằn “kiếm chuyện đi thể thao để ăn nhậu”. Tôi bảo cô ấy đừng trẻ con như vậy, thế là cô ấy giận, bỏ về nhà cha mẹ”.
Không chịu lớn
Sau một biến cố, tôi thấy chồng mình như đứa trẻ, mất hẳn sự tự chủ, dựa dẫm hoàn toàn vào cha mẹ. Sự bảo bọc của gia đình, cuộc sống từ bé quá thuận lợi khiến anh ấy không đủ sức làm chủ gia đình trong cơn sóng gió. Tôi không muốn ly hôn, nhưng biến cố ấy như giọt nước tràn ly khiến tôi phải có quyết định buồn này, bởi chỉ sau hơn một năm chung sống tôi nhận ra rằng anh không thể là chỗ dựa cho tôi (và sau này là cho con cái) với tính cách thiếu quyết đoán, trong cư xử hằng ngày nhiều lúc quá vô tâm... Chia sẻ của chị T.V. (TP.HCM) |
Chuyện của anh L.Đ.T. và chị N.T.Q. (ngụ Q.4, TP.HCM) cũng bi hài không kém. Yêu nhau lắm nhưng lại hay cãi nhau vì những chuyện không đâu mà nguyên nhân thường bắt đầu từ chị. Anh mua tinh dầu xông không phải mùi chị thích: giận. Anh bận không chở chị đi ăn phở ở quán chị thích: giận. Trời mưa ngập anh không về kịp cùng chị đi xem phim: giận... Mỗi lần giận như vậy, chị không nói chuyện với chồng suốt nhiều ngày. Thỉnh thoảng, đợi khi chồng ngủ chị lại vẽ hình nhăng nhít lên mặt chồng. Anh T. nhiều lần tâm sự với bạn rằng “không chịu nổi nữa”, nhưng cũng không có cách nào “trị” vợ.
Ngược lại cũng có không ít ông chồng trẻ con đến ngạc nhiên. Một cô vợ tâm sự trên diễn đàn: “Chồng mình ham chơi hơn con nít. Vợ bảo “Ngủ anh, khuya rồi” (hơn 23g), chồng trả lời: “Em ngủ trước đi, anh đọc truyện/chơi game tí rồi anh lên”. Vậy mà hơn một giờ sau mới lò dò vô phòng. Biết vợ giận, hỏi hai câu (hỏi, chứ không phải năn nỉ) không nghe trả lời là quay lưng rồi... khò. Hôm sau, vợ không nói gì thì cũng im luôn chẳng thèm mở lời”.
Cũng không ít cô vợ đồng cảnh ngộ, thậm chí bi đát hơn, như chị H.T.B.M. (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), lấy chồng là con trai duy nhất trong gia đình có đến bốn chị em gái. Thời gian đầu mới quen, chị thấy anh cũng galăng, biết chia sẻ. Cưới nhau mới phát hoảng vì tính “vô tư” của chồng. Sáng nào chị cũng gọi anh dậy đi làm, hôm nào không gọi, anh cứ ngủ đến khi điện thoại của sếp/đối tác reo; thấy chị lau dọn nhà phải khuân đồ nặng nhọc, anh liếc nhìn rồi... chúi mũi vào đọc báo. Thậm chí khi chị ngã xe bị bong gân, anh cũng không buồn đỡ đần vợ việc nhà, chị nhờ thì đáp “để đó từ từ anh làm” rồi... lơ luôn.
Để “trẻ con” trưởng thành
Do đâu có những cô vợ/anh chồng trẻ con? TS tâm lý Đinh Phương Duy cho biết có hai nguyên nhân chính: bản thân người vợ/chồng đó và môi trường sống của họ. Đối với người vợ, họ trẻ con có thể do tính vô tư hồn nhiên sẵn có, hoặc tính cách có khuynh hướng hướng ngoại, dễ bị tác động bởi sự thay đổi ở bên ngoài, ít khả năng làm chủ cảm xúc, chưa chuẩn bị kỹ năng làm vợ, kinh nghiệm sống hạn chế... Cũng có thể do họ sống trong gia đình quen được cưng chiều, đến khi lấy chồng lại được chồng chiều chuộng, hoặc chồng họ là người thích vợ trẻ trung như trẻ con, ngại nói ra những điều chưa hài lòng về vợ...
“Để khắc phục tính trẻ con, trước hết người vợ phải tự thay đổi. Cô ấy cần hiểu mình là đồng chủ gia đình, phải biết quán xuyến, giải quyết những tình huống khó khăn của gia đình. Đặc biệt cô ấy phải nhận thức vị trí người vợ, người mẹ của mình, phải hiểu được ảnh hưởng đối với gia đình mình là người “giữ lửa”, từ đó tự điều chỉnh bằng nhiều cách: học hỏi từ các thế hệ trước, tham khảo tài liệu viết về cuộc sống gia đình, tập thói quen làm chủ gia đình...” - TS Duy gợi ý. Bản thân người chồng cũng phải giúp vợ, nếu lúc nào người chồng cũng bảo bọc vợ thì vợ sẽ không thấy được vị trí của mình.
Đối với người chồng, tính trẻ con có thể xuất phát từ tính cách quá mềm mỏng, đôi khi thiếu tự tin trong cuộc sống. Ngoài ra cũng có thể do môi trường sống của họ: sống trong gia đình có “truyền thống” nuông chiều con, hay có người vợ quá “cứng cáp”, quá cá tính... Muốn trở thành một người chồng “trưởng thành”, trước hết người đàn ông phải hiểu vai trò trụ cột trong gia đình. “Vợ trẻ con ít ảnh hưởng đến tính cách của con cái, nhưng với chồng trẻ con thì khác. Thường trong gia đình, đứa con có khuynh hướng coi bố là “tượng đài”. Người chồng nên biết điều này, mạnh mẽ lên để làm gương cho con” - TS Duy nhấn mạnh.
Đồng thời TS Duy lưu ý: “Trong việc khắc phục tính trẻ con của chồng/vợ, quan trọng nhất là bản thân hai vợ chồng. Cả hai phải nhận thức được gia đình là trách nhiệm chung chứ không của riêng ai, nếu một trong hai người có tính trẻ con thì phải tự mình thay đổi, còn người kia đóng vai trò ủng hộ, động viên”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)