TNO

Cuối tuần đi ăn mì cật và hủ tiếu bột lọc

16/06/2013 11:04 GMT+7

 Cuối tuần đi ăn hủ tiếu mì cật 1
Quán nối tiếng với cọng mì Phúc Kiến

Một tô  ngon chỉ cần đánh giá hai thứ: sợi mì và nước lèo. Tô mì cật ở 62 Trương Định (quận 01) của người Hoa có được cả hai, sợi mì ở đây dai và là mì kiểu Phúc Kiến, sợi to hơn hẳn các tiệm mì khác. Nước lèo chỉ nếm miếng đầu tiên đã thấy gật gù, cũng thuộc loại ngon nhất Sài Gòn.

Tuy nhiên, độc đáo nhất là món cật được thái to bản và khi ăn không còn lại chút mùi hôi đặc trưng nào của món này. Làm món cật rất khó, còn dính chút mùi hôi là hỏng, bởi vậy, quán mì cật nơi đây là “quán ruột” của đấng mày râu vốn thích món cật heo đòi hỏi chế biến rất khéo này.

Chưa kể, khách tới ăn tại đây thường gọi hủ tiếu và  để thưởng thức cái ngon của cả hai, sợi hủ tiếu ở đây cũng rất to và dai, trong chứ không trắng đục. Một loại hủ tiếu tương đối khó tìm thấy ở Sài Gòn: hủ tiếu bột lọc.

Cuối tuần đi ăn hủ tiếu mì cật 2
Hủ tiếu mì cật hấp dẫn với phần nhân thịt bằm đậm đà

 Cuối tuần đi ăn hủ tiếu mì cật 3
Miếng cật to với bí quyết khử mùi độc đáo

Hủ tiếu hay còn gọi là hủ tíu, hình thành từ sự kết hợp giữa các nền văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khơme. Nghệ thuật ẩm thực của Nam bộ cũng không nằm ngoài điều đó.

Hủ tiếu là một trong những sản phẩm của sự giao thoa ẩm thực trên. Hủ tiếu Việt Nam là sự kết hợp giữa hương vị Việt với món “cổ chéo” (bánh sợi) của người Hoa và hủ tiếu Nam Vang. Rất khó xác định thời gian và địa điểm xuất hiện món hủ tiếu đầu tiên. Chỉ biết món hủ tiếu bắt đầu trở nên nối tiếng từ cuối thế kỷ 17 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào xây dựng Sài Gòn.

Tại miền Nam Việt Nam, do ảnh hưởng của ngữ âm phương ngôn tiếng Việt vùng miền Nam nên “hủ tiếu” hay bị viết thành “hủ tíu”, sau này hủ tíu trở thành từ thông dụng và thường được dùng nhiều bởi các xe bán hủ tíu trên đường phố.

Hủ tiếu thịnh hành ở miền Nam và có nhiều loại: hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu sa tế có nguồn gốc từ người Tiều, hủ tiếu Mỹ Tho có thêm nhiều phụ liệu hấp dẫn, hủ tiếu Trung Hoa có mùi xì dầu, rồi hủ tiếu Sa Đéc...

 Cuối tuần đi ăn hủ tiếu mì cật 4
Sợi hủ tiếu bộ lọc độc đáo

Riêng về cọng hủ tiếu bột lọc thì hơi khó tìm thấy ở Sài Gòn. Đây là 1 dòng hủ tiếu đặc biệt, với cọng hủ tiếu to vừa phải, dai nhưng vẫn có độ mềm riêng, không giống miến và cũng chẳng giống bánh canh. 

Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: sợi hủ tiếu được làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Do làm từ bột lọc nên luôn dai mềm, sợi vuông rất dễ gắp. Chính cái dai dai này khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm.

Cọng hủ tiếu này được cung cấp từ các lò hủ tiếu bột lọc gia truyền tại Sa Đéc, Đồng Tháp và được bảo quản kỹ để đảm bảo cọng hủ tiếu lúc nào cũng còn tươi dai mà không bị khô gãy. Cái khó khi nấu hủ tiếu bột lọc là phải ngâm nước trong thời gian vừa đủ để cọng hủ tiếu nở ra vừa đủ. Vì nếu để lâu trong nước, cọng hủ tiếu sẽ bị nở hết. Khi trụng qua với nước sôi, cọng hủ tiếu trở nên bủn dễ gãy.

 

Như vậy, tô hủ tiếu mì cật ở ở đây rõ ràng không giống với tô hủ tiếu thông thường mà là một biến tấu từ mì cật (món ăn phổ biến của người Hoa) rồi cho thêm hủ tiếu bột lọc địa phương vào. Sự biến tấu pha trộn nhiều nền văn hóa này cũng đáng để thử vào dịp cuối tuần lắm chứ?

P.V

 Cuối tuần đi ăn mì cật và hủ tiếu bột lọc 5

Hủ tíu mì cật
62 Trương Định, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: Sáng từ 6h đến 11h30 trưa, chiều từ 3h đến 9h tối - chiều Chủ nhật nghỉ.
Giá: Hủ tiếu mì cật (40.000đ/tô), mì thịt bằm (36.000đ/tô)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.