Việc một công dân đang lập thủ tục khởi kiện UBND xã ra tòa án vì bị cưỡng chế container văn phòng đã đặt ra những vấn đề pháp lý khi sử dụng loại công trình này.
|
2 lần cưỡng chế
Ông Trần Văn Tùng, tạm trú tại KP.10, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM cho biết, năm 2011, ông mua giấy tay một lô đất rộng 89 m2 tại tổ 166, ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn.
Đầu năm 2014, do cần chỗ giao dịch, ông Tùng mua một container diện tích 30 m2 về đặt trên lô đất nói trên làm văn phòng và xây thêm một số công trình phụ xung quanh. Ngày 7.3.2014, UBND xã Thới Tam Thôn đã lập biên bản vi phạm và cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình phụ, riêng container thì vẫn giữ nguyên. Đến ngày 19.6.2014, UBND xã lại gửi thông báo yêu cầu ông Tùng tháo dỡ container trước ngày 25.6. Ông Tùng gửi đơn khiếu nại vì cho rằng đó không phải là công trình xây dựng. Tuy nhiên, ngày 27.6.2014, UBND xã vẫn tiến hành cưỡng chế tháo dỡ container văn phòng. Hiện ông Tùng đang lập thủ tục khởi kiện UBND xã Thới Tam Thôn tại TAND H.Hóc Môn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Nam, Phó chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn cho rằng, việc ông Tùng đặt container văn phòng trên đất mua bằng giấy tay là trái quy định của pháp luật, do vậy UBND xã đã lập biên bản buộc tháo dỡ nhưng ông Tùng không thực hiện nên mới cưỡng chế.
Công trình xây dựng nên phải có giấy phép
Ông Hà Ngọc Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Hóc Môn cho rằng, sử dụng container làm nhà ở hoặc văn phòng được xác định là công trình xây dựng, do vậy phải đáp ứng những điều kiện sau: Về đất đai, phải là đất chuyển mục đích sử dụng được xây dựng nhà ở, có thể thuộc chủ quyền của một người hoặc thuê lại của người khác. Đất chuyển mục đích sử dụng là đất phù hợp với quy hoạch khu dân cư hoặc đất hỗn hợp (khu dân cư xen lẫn thương mại, dịch vụ). Container được đặt cạnh nơi đã có nhà sẵn hoặc trên đất trống thì vẫn được cấp giấy chứng nhận nhà ở như bình thường. Nhưng muốn đặt container làm nhà ở hoặc văn phòng trên đất có chủ quyền và thuộc đất xây dựng thì phải có giấy phép xây dựng do UBND quận/huyện cấp như một công trình bình thường.
Một cán bộ Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, theo luật Xây dựng thì container làm văn phòng hoặc để ở là công trình kiến trúc bán kiên cố, do vậy muốn đặt tại địa điểm nào phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch. Cụ thể là: nơi đặt container phải là đất xây dựng, phải có giấy phép xây dựng của UBND quận/huyện ở địa phương đó cấp.
Trong khi đó đề cập đến vụ việc nói trên, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho rằng: “Đây là vấn đề mới, theo tôi biết hiện có một số trường hợp các chủ đầu tư cũng có đặt container tạm để giao dịch hoặc trông coi các dự án. Và trong tương lai sẽ có thể có nhiều người làm theo cách này, nhưng hiện vẫn chưa có quy định nào cụ thể. Theo quan điểm của tôi, container cũng không phải là công trình xây dựng nên không cần phải xin giấy phép xây dựng, mà chỉ cần một loại giấy phép đặt công trình tạm, có đăng ký với chính quyền địa phương các vấn đề như tạm trú, môi trường, đảm bảo các quy định về đô thị... Còn về đất, theo luật Đất đai 2013, nếu mua bằng giấy tay sau 1.7.2004, mà có kê khai đăng ký với chính quyền địa phương trước 1.7.2014 thì cũng được tạm sử dụng cho đến khi nhà nước xử lý vi phạm việc mua bán giấy tay đó”.
Nếu có bánh xe thì không phải công trình xây dựng LS Nguyễn Mạnh Hiến (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Tuy rằng trong luật và các văn bản liên quan không đề cập trực tiếp là sẽ cấp phép xây dựng hoặc cấp chủ quyền cho loại hình container dùng làm nhà ở hoặc văn phòng như thế nào, nhưng một công trình có thể được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, container cũng là thép và được xem như là một loại vật liệu xây dựng, vì vậy chủ công trình phải xin phép xây dựng (nếu đặt cố định) và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Nếu công trình tuân thủ đầy đủ các quy định thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu như những công trình khác. LS Hiến cũng cho rằng, trường hợp làm nhà ở bằng container mà có bánh kéo di động được thì không phải là công trình xây dựng mà là tài sản động sản của chủ sở hữu nên không chịu sự điều chỉnh của luật Xây dựng và không cần phải xin phép xây dựng, chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về cư trú, về quản lý trật tự đô thị... Nếu cơ quan có thẩm quyền không cho phép cư trú tại địa điểm đó thì có thể yêu cầu di dời. Nếu chủ không chấp hành thì có thể bị xử lý hành chính và cưỡng chế kéo đến nơi quy định chứ không được quyền tháo dỡ hay hủy hoại. Hải Nam |
Bùi Chiến - T.T.Bình
>> Cưỡng chế 28 hộ dân tại Móng Cái tránh bão Rammasun
>> Cưỡng chế giải phóng mặt bằng dự án mở rộng QL24
>> Cưỡng chế di dời tàu thuyền khỏi bãi tắm Quy Nhơn
Bình luận (0)