Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tư vấn gì cho Việt Nam?

25/06/2008 01:59 GMT+7

Một trong những tâm điểm trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ được dư luận quốc tế quan tâm đó là cuộc gặp của Thủ tướng với cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan. Mở đầu cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết: Chính phủ Việt Nam đưa ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp như vậy, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7-6,8%. Cả năm dự kiến 7%, thấp hơn so với năm 2007 là 1,5%. Chính phủ Việt Nam hiểu rằng việc giảm lạm phát không thể làm nhanh mà giảm dần từng bước, với mục tiêu đưa lạm phát trở về một con số vào cuối năm 2009.

Thủ tướng đề nghị ông Alan Greenspan đưa ra những nhận định về kinh tế Mỹ, kinh tế thế giới và một vài ý kiến tư vấn cho kinh tế Việt Nam.

Tình hình kinh tế Việt Nam

Ông Alan Greenspan: Tôi sẽ nói về tình hình Việt Nam trước. Mỹ nhìn sự nổi lên của Việt Nam như một nền kinh tế lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tin tưởng Việt Nam sẽ giải quyết được những khó khăn hiện tại. Vấn đề Việt Nam đang gặp phải là vấn đề mang tính tác động. Nó bắt nguồn phần nào từ năm 2007, khi dòng vốn đổ vào nhiều, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái. Do áp lực như vậy, phải có đầu tư nước ngoài, cả gián tiếp và trực tiếp để giảm áp lực lên đồng nội tệ.

Tương tự như Trung Quốc, Nga và các nước khác, Việt Nam không thể quản lý được dòng tiền chặt chẽ, biên độ tăng tín dụng quá nhanh, do đó làm nảy sinh nhu cầu nhập khẩu lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, giá dầu và lạm phát trên thế giới cũng tăng nhanh.

Giải pháp cần có đúng như hướng Việt Nam đang làm: giảm chi tiêu ngân sách, giảm tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trung ương. Tôi cho rằng, có một bài học từ lịch sử mà Việt Nam cần ghi nhớ là: Nếu không giải quyết nhanh bằng những biện pháp mạnh, tình hình sẽ lan rộng và nhanh, giống như Thái Lan cách đây hơn một thập kỷ.

Liên quan tới vấn đề chỉ số tăng trưởng của Việt Nam, nếu cả năm có thể đạt 7% như ngài Thủ tướng vừa nói, theo tôi, cần giảm tăng trưởng thêm nữa, vì giữ tăng trưởng đó, có thể là một tín hiệu sai cho các nhà đầu tư.

Cuối những năm 1970, Mỹ cũng gặp lạm phát cao, vượt ra ngoài khả năng  của Chính phủ, vì thế FED phải tăng lãi suất.

"Lời khuyến nghị của tôi là Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục áp dụng những biện pháp đang làm nhưng với các tập đoàn lớn, cần có các biện pháp hạn chế họ. Họ mở rộng đầu tư ồ ạt, gây ảnh hưởng tới các DN vừa và nhỏ, hạn chế sức sáng tạo, tính năng động của họ và của cả nền kinh tế” - (cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan, người từng có 18 năm liên tục là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), được mệnh danh là “thầy phù thủy” của nền kinh tế Mỹ).

Kinh tế Việt Nam còn dựa vào nhân công giá rẻ trong khi những nước khác như Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn này và họ đang cạnh tranh bằng năng suất thực.

Thủ tướng đã cho biết cố gắng của Chính phủ làm sao cuối năm 2009, hoặc sớm hơn thì càng tốt sẽ ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần làm mạnh hơn các biện pháp đó.

Theo tôi biết, vấn đề lạm phát không phải là mới với Việt Nam. Trong 20 năm qua, có những lúc Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ cần hành động mạnh mẽ, chấp nhận co nền kinh tế lại. Khi tình hình ổn định, Việt Nam lại có thể mở ra để phát triển nhanh như trước.

Câu chuyện toàn cầu

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Vậy theo ngài, mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm nay ước là bao nhiêu?

- Ông Alan Greenspan: Hiện tôi không thể đưa ra một con số cụ thể được vì còn quá sớm để đưa ra một kết luận, nhưng tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ còn ở mức 1/2 so với năm trước. Điều này chưa tính tới khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang nổi cũng như các tác động lên các nền kinh tế này. Trong hai năm trước đó, kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh nhất từ xưa tới nay.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bản thân kinh tế Mỹ sẽ như thế nào?

- Ông Alan Greenspan: Vấn đề chính của Mỹ là thị trường nhà đất suy giảm với mức chưa bao giờ diễn ra. Giá trị nhà đất ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Hiện tổng giá trị nhà cửa của Mỹ ở mức 20 nghìn tỉ USD. Nếu giảm 25%, ngay lập tức, Mỹ sẽ mất đi khoản tiền 5 nghìn tỉ USD. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng của Mỹ, khi 15% chi tiêu của người dân là từ việc mua bán nhà sinh lời, còn 85% tiêu dùng từ nguồn thu nhập. Khả năng chi tiêu của người dân Mỹ giảm đi.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khi nào thì nền kinh tế Mỹ phục hồi, thưa ông?

- Ông Alan Greenspan: Kinh tế Mỹ chỉ phục hồi khi chiều hướng suy giảm giá trị nhà đất của Mỹ bị chặn lại. Nếu có, cũng phải cuối năm 2008, đầu 2009, xu hướng đi xuống mới có thể chững lại để dần đi vào ổn định. Có hai lý do dẫn tới kịch bản này: lạm phát tăng cao và khủng hoảng tín dụng. Đầu tiên phải giải quyết vấn đề nhà đất sau đó mới có thể tính đến tăng trưởng. Theo tôi biết, ngay thị trường BĐS TP.HCM cũng đang giảm nhiều.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi cuối cùng của tôi, tương lai giá dầu thế giới sẽ như thế nào, thưa ông?

- Ông Alan Greenspan: Hiện nay có nhiều yếu tố tác động lên giá dầu, trong đó chủ yếu liên quan đến việc dự trữ và đầu tư. Tiêu thụ tăng nhanh, các nước lại tăng mức dự trữ lớn và có hiện tượng đầu cơ về giá. Nhu cầu tăng trong khi sản xuất không đáp ứng được. Như vậy, tiêu dùng, nhu cầu dự trữ xăng dầu đều tăng, trong khi sản xuất vẫn giữ nguyên, gây áp lực tăng giá. Dòng tiền liên quan đến sản xuất chưa được đầu tư thích đáng cho phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất chế biến dầu.

Khi giá dầu tăng từ 20 USD/thùng lên 30 rồi 40 USD, nhà đầu tư linh cảm ngay, biết câu chuyện tăng giá dầu là câu chuyện dài hơi. Năm 2004, giá dầu đội lên. Các quỹ tài chính, ngân hàng nhảy vào đầu tư dự trữ dầu. Đến nay, tổng lượng dự trữ thế giới khoảng 5 tỉ thùng.

Khi giá dầu thế giới tăng, mức dự trữ đã cao như vậy, người ta tìm cách giảm cầu. Giá dầu sẽ không tiếp tục tăng cao như nhà đầu cơ mong muốn. Xu thế chung giá dầu vẫn tăng, dù có thời điểm, khi các nhà đầu cơ xả hàng cắt lãi, giá dầu sẽ đi xuống.

N.Nguyễn
(ghi theo CTV Thanh Niên từ Washington DC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.