Dù các thôn bản của đồng bào Vân Kiều nằm dọc đường Hồ Chí Minh, nhưng lũ quét vừa qua đã tàn phá nhiều hoa màu và gia súc, gia cầm của người dân.
Trên các ruộng nương, lũ quét đã rửa trôi lớp đất màu, để lại cát và sỏi khiến đồng bào dân tộc thiểu số không thể canh tác vụ mùa sắp đến.
Nghe thông báo có gạo cứu đói, chị Nguyễn Thị Chư (27 tuổi, trú bản Khe Cát, xã Trường Sơn) dắt díu 3 đứa con nhỏ, cùng nhiều người trong bản ra đứng chờ trên đường Hồ Chí Minh.
Chị Chư cho biết, nhà hết gạo nhiều ngày qua, chồng chị là anh Hồ Văn Hòa đi rừng chưa về, gạo trong bản cũng không nhiều nên cũng không thể vay mượn, “lên rừng lên rú có măng ăn măng, có sắn ăn sắn rứa đó chú” - Chị Chư nói.
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Đồng bào dân tộc Vân Kiều thường không có thói quen dự trữ lương thực, một phần vì khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi, mặt khác, chợ rất xa, những chuyến xe hàng chở nhu yếu phẩm lên bán cho bà con cũng hạn chế, vì bà con không có nhiều tiền”.
Trên đường Hồ Chí Minh, đoàn xe chở gạo lần lượt tỏa đi 9 điểm phân phối gạo cho người dân đang chờ sẵn.
Mưa lâm râm và dai dẳng khiến việc bốc gạo và vận chuyển đến người dân khó khăn, nhưng trai tráng trong bản đã kịp thời giúp đỡ đoàn công tác xã hội. Ở những bản xa đồng bào Vân Kiều không thể ra được, trai bản sẵn sàng gùi cả bao gạo nặng nửa tạ đến tận nơi.
Bà Hồ Thị Huế, nhà có 8 miệng ăn, trú ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn nói: “May mà có gạo dưới xuôi, đồng bào khỏi phải ăn củ nữa rồi, cảm ơn đồng bào nghe”.
Nhưng mỗi hộ gia đình Vân Kiều trung bình 7 - 8 nhân khẩu, 50kg gạo cũng chỉ đủ để giải quyết cái đói trước mắt, về lâu dài, đồng bào cần lắm những hỗ trợ về giống cây trồng, gia cầm, gia súc để giải quyết bài toán lương thực.
|
Ngày mai, 100 tấn gạo cứu đói còn lại của đoàn công tác xã hội Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Báo Thanh Niên tiếp tục lên đường đi Hà Tĩnh và Nghệ An, nơi nhiều người dân sau lũ đang rất cần lương thực.
Nguyễn Tú - Nguyễn Phúc
Bình luận (0)