Hãng Bloomberg ngày 7.4 dẫn lời cựu CEO Google Eric Schmidt cảnh báo rằng việc tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chỉ tạo lợi thế cạnh tranh cho Trung Quốc.
Phát biểu được đưa ra sau khi hơn 1.000 chuyên gia ký tên trong thư cảnh báo về hậu quả nếu nghiên cứu AI quá nhanh, tạo ra bộ não AI "khủng" và vượt tầm kiểm soát. Họ kêu gọi tạm dừng phát triển trong ít nhất 6 tháng, đồng thời cảnh báo hậu quả xã hội nếu không có sự kiểm soát hợp lý.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Review, ông Schmidt cho rằng có những lo ngại chính đáng về tốc độ nghiên cứu AI, nhưng chúng nên được giảm thiểu bằng cách các công ty công nghệ hợp tác với nhau thiết lập các tiêu chuẩn.
Công nghệ AI: Cần biết gì để bớt hoang mang?
Ông Schmidt cho rằng việc tạm dừng 6 tháng chỉ "đơn thuần đem lại lợi ích cho Trung Quốc". "Điều tôi mong muốn là mọi người lập tức cùng nhau thảo luận về những biện pháp bảo vệ phù hợp", chuyên gia này nêu ý kiến.
Trong tuần qua, Úc cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu chính phủ liên bang do lo ngại tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân.
Ông Schmidt không ủng hộ các lệnh cấm liên quan TikTok ở Mỹ, Anh và Úc trong thời gian gần đây, nhưng nói thêm rằng chính phủ các nước phương Tây cần nhanh chóng hơn trong việc theo kịp tốc độ nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc.
Tương tác giữa não và máy tính
Trong một diễn biến khác, tờ South China Morning Post ngày 7.4 đưa tin chính phủ Trung Quốc vừa thành lập một phòng thí nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu sự tương tác giữa não người với máy móc.
Công nghệ này nhằm tạo mối liên kết trực tiếp giữa suy nghĩ của con người với một thiết bị như máy tính. Tương tác này có thể đem lại nhiều ứng dụng như hỗ trợ các bác sĩ điều trị bệnh nhân, giúp các rô bốt thông minh hơn và đưa trò chơi điện tử lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, công nghệ này sẽ giúp giới khoa học gia hiểu hơn về hoạt động của não bộ. Bắc Kinh muốn Phòng thí nghiệm Hải Hà số 6 tại Thiên Tân thúc đẩy sáng tạo và mở ra những lĩnh vực mới để phát triển kinh tế, theo tờ Science and Technology Daily.
Hơn 60 nhà khoa học đang làm việc tại phòng thí nghiệm này, trong đó có nhiều người từng giành các giải thưởng và những nhân tài từ hải ngoại. Họ sẽ tiến hành nghiên cứu các vấn đề trong kỹ thuật y học như phát triển các mô điện tử nhân tạo cho cơ thể người.
Ai sở hữu bản quyền các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra?
Phòng thí nghiệm này cũng sẽ nghiên cứu các ghi nhận và đo sóng não, cải thiện liên lạc giữa người và máy, phát triển các công nghệ mới để máy móc và con người làm việc cùng nhau tốt hơn.
Mỹ dẫn đầu về công nghệ tương tác giữa não người và máy móc trong nhiều năm qua, với những đóng góp nghiên cứu quan trọng từ Đại học California ở Berkeley và Viện Công nghệ Massachusetts. Những công ty như Neuralink và Kernel cũng có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)