Đã có 9 tỉnh xảy ra dịch

12/11/2005 00:15 GMT+7

Theo báo cáo tổng hợp ngày 11/11 của Cục Thú y, từ ngày 1/10 - 10/11/2005, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã thuộc 22 huyện của 9 tỉnh, thành phố là Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên và Ninh Bình. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy là 29.022 con, trong đó có 14.634 con gà và 14.388 con vịt.

Tại Quảng Nam, ngày 10/11, ở một hộ nuôi gà chọi ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình đã có 200 con gà chết nghi do cúm gia cầm, Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy 1.500 con gà. Cùng ngày, tại Hưng Yên, Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy 290 con vịt tại một hộ ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động khi có 18 con vịt chết nghi do cúm gia cầm.

Tại cuộc họp giao ban khẩn cấp giữa UBND TP.HCM và tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP  đã đề ra phương châm "5 có, 3 không" để chống dịch, đó là: Có văn bản chỉ đạo thực hiện của cấp ủy; có chương trình hành động, triển khai thực hiện của các cấp chính quyền, đoàn thể; có tổ chức kiểm tra giám sát các điểm trọng điểm (các bến xe, cầu cảng, nội thành tập trung ở chợ, ngoại thành tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ); có thông tin tuyên truyền đủ mạnh; có đường dây nóng phòng chống dịch cúm gia cầm. 3 "không" là:  Không nuôi gia cầm; không bán và không ăn thịt gia cầm không đảm bảo vệ sinh; không bỏ sót hộ gia đình nào không nắm được thông tin về cúm gia cầm.

Tại Đà Nẵng, ngày 11/11, Chủ tịch UBND TP Hoàng Tuấn Anh đã ký công điện khẩn nghiêm cấm triệt để việc chăn nuôi gia cầm trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và phường Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn); Hòa Thọ Đông, Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ); Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu) kể từ ngày 15/11. UBND huyện Hòa Vang bằng mọi giải pháp chuẩn bị mặt bằng tại hai điểm chăn nuôi tập trung ở 2 xã Hòa Tiến và Hòa Nhơn. Sở Thủy sản - Nông lâm và Sở Tài chính nghiên cứu mức hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân chấp hành di dời cơ sở chăn nuôi lên vùng tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Trong 2 ngày 10 - 11/11, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại 2 tỉnh biên giới tây nam là Kiên Giang và An Giang. Tại An Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Kim Yên cho biết hiện các tuyến y tế đều thiếu phuơng tiện để chẩn đoán, tiếp nhận, cách ly, vận chuyển, điều trị bệnh nhân cúm; trong khi đây là một trong những tỉnh biên giới, không loại trừ khả năng bệnh nhân từ Campuchia chuyển sang. Vì vậy, đề nghị trung ương hỗ trợ ngay cho tỉnh khoảng 5.000 viên Tamiflu và một số máy thở xách tay để dự phòng các tình huống đột xuất. Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đề nghị tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục tăng cường phòng chống gia cầm nhập lậu qua lại biên giới; không để tình trạng vịt chạy đồng tràn lan đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực khi dịch bệnh bùng phát ở người.

Tại Bến Tre, ngày 11/11, sau khi kiểm tra tình hình mua bán gia cầm tại chợ trung tâm thị xã Bến Tre, nắm tình hình phòng dịch ở xã Quới Sơn (huyện Châu Thành)..., Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình lưu ý tỉnh cần có kế hoạch thật chi tiết, dễ làm và lường trước các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền, cho người dân cam kết không được chăn nuôi, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm bất hợp pháp... Tại Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Hân cho biết: Từ 15/11 trở đi sẽ cấm nuôi vịt chạy đồng trên địa bàn toàn tỉnh đồng thời nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, chim cảnh vào tỉnh; cấm các cơ sở ấp trứng (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút) sản xuất con giống mới; cấm nuôi gia cầm trên địa bàn nội ô thị xã, thị trấn, khu đô thị, cụm tuyến dân cư; nghiêm cấm giết mổ gia cầm tại các chợ... Tỉnh Cần Thơ cũng đã thành lập đội phòng chống dịch cúm gia cầm cơ động tại các quận, huyện gồm cán bộ thú y, y tế, dân quân tự vệ... để kiểm tra, theo dõi và trực 24/24, xử lý các tình huống khẩn cấp, đột xuất. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ tổ chức tập huấn cán bộ y tế ứng cứu, điều trị khi có bệnh nhân nhiễm bệnh, tổ chức cách ly, khoanh vùng và tiêu độc nơi có người phát bệnh. Tại Long An, các cơ quan chức năng đang ngăn chặn việc vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, tổ chức tiêu hủy ngay gia cầm nhiễm bệnh; quản lý chặt các cửa khẩu, các đường xuất nhập tiểu ngạch...

Trong 2 ngày 10-11/11, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại Hải Dương. Ông đã yêu cầu tỉnh phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia phòng chống dịch, không để dịch bệnh lan ra diện rộng và lây nhiễm sang người. Tính đến ngày 11/11, cả nước đã có 96 triệu lượt gia cầm được tiêm vắc-xin. Hiện Cục Thú y đã phân phối vắc-xin đủ tiêm phòng đợt 1 cho 54 tỉnh, thành; một số địa phương đã đủ vắc-xin đợt 2...

Tại Hà Nội, tính đến 11/11, quận Long Biên đã phát hiện và tiêu hủy 1.266 con gia cầm bị chết. Qua xét nghiệm, tất cả số gia cầm trên chết do tụ huyết cầu, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi-rút H5N1.

Q.Thuần - D.Hiền - Nhóm PV miền Tây - X.T - V.C - N.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.