Đất nước đổi mới, phát triển làm cho bà con tin tưởng hơn, tự hào hơn, muốn đóng góp cho Tổ quốc nhiều hơn. Cứ mỗi Việt kiều chăm lo cho một người trong nước thôi, chứ chưa nói đến đóng góp gì lớn hơn, như vậy cũng đã góp phần với đất nước rồi. Tất nhiên, sự giàu có của cộng đồng Việt kiều ở bên ngoài không thể so sánh với cộng đồng người Hoa, người Ấn... Nhưng nếu tập hợp họ lại, có thông tin cho họ thông hiểu tình hình trong nước, có chính sách thỏa đáng cho một bộ phận đồng bào không thể tách rời thì tôi nghĩ rằng không chỉ kể trong lĩnh vực kinh tế, đó còn là một tập hợp chất xám to lớn cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Trong buổi gặp mặt đầu năm với Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Báo Thanh Niên đã đặt vấn đề chính sách đối với Việt kiều - ta phải nhìn nhận rằng kiều dân Trung Quốc đóng góp cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là chủ yếu trong đầu tư nước ngoài (tất nhiên, như tôi đã nói, Việt kiều của chúng ta không sánh được với họ và ít có người thành đạt trong làm ăn bằng Hoa kiều), nhưng tôi nghĩ nếu như 2,7 triệu kiều bào bên ngoài cùng có một tâm huyết, cùng một lòng hướng về đất nước, cùng nhận được một sự khích lệ từ các chính sách trong nước thì sẽ trở thành một sức mạnh nội lực to lớn.
Báo Thanh Niên cũng dẫn chứng trường hợp của Việt kiều Hà Lan Trịnh Vĩnh Bình, bị đưa ra xét xử tại Bà Rịa - Vũng Tàu về tội "vi phạm quản lý đất đai" và bị ghép tội đưa tiền cho thân nhân đứng tên thành lập công ty sang nhượng đất đai trồng rừng, trồng cây công nghiệp và đất ngập mặn để nuôi tôm cá xuất khẩu và đầu tư khách sạn, trong khi trên 2 triệu USD và vàng của Việt kiều này mang về đều được khai báo hải quan. Vụ việc này, theo chỗ tôi biết, các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam đã đề nghị xem xét lại toàn bộ.
Tôi đơn cử một trường hợp cụ thể như vậy để thấy rằng ta còn thiếu cân nhắc trong việc này, làm ảnh hưởng đến chính sách đầu tư; đồng thời bên ngoài những kẻ xấu đã lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chính sách Việt kiều.
Hôm đó, Tổng bí thư lắng nghe rất kỹ vụ việc này và sau đó nói nhiều đến việc ta cần phải có một chính sách thấu tình đạt lý đối với bà con kiều bào, làm sao để khi họ trở về, bước xuống sân bay thấy từ sau cửa hải quan là cửa nhà mình. Chúng ta đã từng lên án gay gắt tệ tham nhũng và lãng phí, nhưng nếu chúng ta để một lực lượng đông đảo hàng triệu người, nhất là thế hệ trẻ Việt kiều có nhiều tiềm năng chất xám, không hội nhập được vào công cuộc xây dựng lại đất nước thì đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn và không đơn thuần về mặt kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco - bang California (Mỹ), nơi có đến một nửa số Việt kiều tại Mỹ hiện đang sinh sống, cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở California còn quá trẻ, đang trong giai đoạn tự khẳng định mình và cần sự giúp đỡ của đất nước. Tiếc rằng quan hệ giữa đất nước và cộng đồng bà con chưa được bình thường hóa hoàn toàn. Tuy nhiên trong tương lai, sự giúp đỡ trong nước đối với bà con sẽ tăng lên khi đất nước lớn mạnh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 4/2/1999).
Những năm sau này, sự nghiệp đổi mới trong nước mang lại thành công đã tác động rất nhiều đến tâm tư, tình cảm của bà con. Đa số bà con đều hướng về Tổ quốc và quan tâm đến tình hình, vận mệnh đất nước; những lực lượng quá khích chỉ còn là một nhóm nhỏ không đáng kể.
Vấn đề chính hiện nay là đất nước cần một chính sách toàn diện đối với kiều bào - chính sách đó phải phát huy triệt để một "nguồn nội lực" còn ở bên ngoài, không chỉ là vốn đầu tư và chất xám mà còn là một sức mạnh tinh thần, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và luôn hướng về sự nghiệp xây dựng và phát triển quê cha đất tổ của mình.
Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 6/2/1999)
Bình luận (0)