Đà Lạt: Hàng loạt công nhân nghỉ việc vì thu nhập thấp

07/10/2008 17:28 GMT+7

(TNO) Cho tới nay, trên 80 lao động của Công ty Quản lý Công trình đô thị (QLCTĐT) Đà Lạt đã đệ đơn xin nghỉ việc do mức lương quá thấp và nhiều khoản trợ cấp bị cắt…

Không yên tâm lao động

“Làm cái nghề “cu li, cữu vạn”, thấp hèn nhất trong xã hội rồi, và cũng đã có 12 năm công tác nhưng tôi cũng đành phải nghỉ việc, bởi mức thu nhập không thể đảm bảo cuộc sống” – ông Tôn Thất Thiện, nguyên Tổ trưởng Tổ bốc xếp Đội Môi trường Đô thị, Công ty QLCTĐT Đà Lạt (Lâm Đồng) chua xót.

Ông Thiện tính chi phí tối thiểu của bản thân gồm ăn, uống, xăng, thuốc lá, điện thoại một tháng đã mất 1,2 triệu đồng, ông chỉ còn lại 250 ngàn đồng mang về gia đình. Đó là chưa kể mọi quan hệ xã hội như: ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, rượu, chè… phải cắt bỏ hoàn toàn.

Bà Phan Kim Phượng – Đội phó Đội Môi trường Đô thị, tâm tình: “Đội có gần 20 công nhân nghỉ việc. Tổ bốc xếp do thiếu người nên phải tăng cường thêm 6 chị em từ đội quét rác sang. Công việc nặng nhọc, cực khổ nhưng mức lương quá thấp mà còn bị cắt hết chế độ phụ cấp nên không còn tha thiết với nghề”.

Bà Phượng cho biết, định mức công việc của công nhân quét rác đến 5000m2 đường/ngày/công nhân.Theo cách tính mới, mỗi mét tới các công nhân quét chỉ được tính 1 mét chiều ngang (trước đây là 2m). Trên thực tế, công nhân không chỉ quét rác ở lòng đường mà cả rác rưởi, đất đá trên lề. Với địa hình ghồ ghề, lắm dốc như Đà Lạt thì sức của công nhân chỉ đảm bảo 1/2 diện tích theo quy định mới. Không chỉ vậy: “Do tiếp xúc nhiều ngày với rác thải nên hầu hết công nhân đều bị viêm xoang, viêm mũi, có vài trường hợp bị viêm phổi nhưng chế độ phụ cấp độc hại cũng không còn (trước đây có).Thu nhập chỉ 900 – 1,2 triệu đồng/tháng/lao động  nên nhiều công nhân không thể đủ tiền thuê nhà ở, nuôi con ăn học” – bà Phượng thổ lộ.

Vì đâu nên nỗi?

 

Rác chờ công nhân đến thu gom -Ảnh G.B

Ông Bùi Trung Đường - Quyền Giám đốc Công ty QLCTĐT Đà Lạt thừa nhận công nhân nghỉ việc là có, nhưng đây là hiện tượng bình thường bởi số lượng công nhân hiện nay quá đông do trước đây tuyển công nhân ồ ạ: “Công ty cũng đã có nhiều văn bản gửi các cấp ngành hỏi ý kiến về việc cắt chế độ độc hại và đều  được trả lời là đúng vì đã tính luôn phụ cấp độc hại vào thang lương. Còn các khoản khác bị cắt là do công ty làm ăn chưa có lãi, đồng thời các loại quỹ (phúc lợi, khen thưởng) đều bị âm” – ông Đường giải thích. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, khi tiến hành đo môi trường để tính phụ cấp độc hại thì chỉ đo 2 nơi là Đội Sản xuất hoa và Tổ cấy mô vì 2 nơi này tập trung nhiều lao động, còn tại bãi rác (nơi vừa bị cơ quan chức năng phạt vì gây ô nhiễm môi trường) hoặc các tuyến đường thu gom rác thì không được đo.

Cũng theo ông Đường: “Hiện 3 loại quỹ (khen thưởng, phúc lợi và lương) của công ty âm khoảng 2 tỷ đồng, bên cạnh đó còn nợ ngân hàng 3,5 tỷ đồng (trước đây là 5 tỷ đồng); ngoài ra các hạng mục kinh phí dịch vụ công ích về công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa, cây đường phố, công viên công cộng được UBND thành phố giao (năm 2007) đều thấp hơn so với nhu cầu thực tế theo đề nghị của công ty nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng các khoản mà người lao động bị cắt gồm: phụ cấp độc hại, tiền ăn trưa, sinh nhật, tham quan nghỉ dưỡng, hệ số doanh nghiệp… cũng đến khoảng 2 tỷ đồng. Nhiều lao động thắc mắc, phải chăng công ty cắt các khoản này để trả nợ vay? Bên cạnh đó, các công nhân cho biết cách tính lương của công ty không hợp lý khiến nhiều lao động bị mất 2 ngày công/tháng; nhiều lao động khác làm việc đến 30 ngày nhưng chỉ được trả lương 26 ngày; các ngày lễ, hoặc làm tăng ca thêm giờ cũng không được tính đầy đủ.

Gia  Bình 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.