Đà Nẵng đón lễ hội pháo hoa 2009

22/03/2009 00:41 GMT+7

Những tấm bảng cấm đánh giày, hàng rong, sách báo dạo... nền xanh chữ trắng mọc lên trên các đường phố chính. Xe tải không được qua cầu quay, dù giữa ban ngày. Công nhân, cảnh sát phòng cháy chữa cháy leo tít lên đỉnh trụ cầu bắt những dãy đèn tuýp trắng tinh.

Trước tòa thị chính cũ, nay là trụ sở UBND thành phố, những dàn loa, đèn công suất “khủng”, nằm im chờ giờ lên tiếng. Các khách sạn dọc đường Bạch Đằng, Trần Phú rao giá 149.000đ/vé giải khát xem bắn pháo hoa. Mấy hôm nay, đã thấy du khách lai rai đến. Làm một vòng các đại lý du lịch. Nguồn tin Vietravel tại Hà Nội cho biết cả trăm du khách đã đăng ký tour, từ nay đến ngày khởi hành chắc chắn lượng khách còn tăng hơn dự kiến. “Cuộc chiến” giành vé rẻ cho du khách giữa các công ty du lịch ở Hà Nội đang diễn ra. Theo anh Nguyễn Hồng Thái, phụ trách du lịch nội địa của Hanoitourist, gần 70 du khách đăng ký tour nhưng đơn vị chưa dám nhận vì chỉ mới lấy được vé bay cho 17 khách. “Vé bay Vietnam Airlines từ Hà Nội đến Đà Nẵng đang khuyến mãi bằng 50% so với trước. Nếu lấy được nhiều, càng thu hút nhiều du khách đi Đà Nẵng chiêm ngưỡng pháo hoa” - anh Thái nói.

Đến Đà Nẵng dịp này, du khách không chỉ xem cuộc thi tài pháo hoa giữa các đội Australia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam mà còn đi thăm phố cổ Hội An, tham quan khu du lịch Làng Quê bên sông Hoài với các món ăn dân dã truyền thống, lên đỉnh Bà Nà bằng cáp treo kỷ lục Đông Nam Á, thăm Ngũ Hành Sơn, viếng chùa Non Nước và “ngập chân răng” trong các món hải sản tươi nhanh. Nói kiểu Thủ Thiệm: “Tôm tươi đến nỗi luộc chín rồi còn búng càng tanh tách!”.

Những ngày này, Đà Nẵng chộn rộn khắp nơi. Từ Sài Gòn, nhạc sĩ Diệp Chí Huy gọi: “Đã mua được vé khứ hồi Indochine Air xấp xỉ 700.000đ. Rẻ chán. Chiều 24 có mặt”. Từ trang trại tuốt luốt Bình Thuận, nhà thơ Từ Duy/Đông Ki Rét điện ra, hối gấp gãy: “Ông lấy giúp 10 vé trên lầu, phía bờ Đông”. Ông bạn tôi chạy tìm được một bàn trên lầu 2 phía bờ Đông, giá 3 triệu đồng! Vì những việc không tên như vậy, tôi buộc phải từ chối chuyến theo đò dọc sông Vu Gia nhân 33 năm thống nhất. Tuần chuẩn bị pháo hoa năm nay phải “cắm trại” đón chào thân hữu. Mấy quy định được đặt ra: Không thức khuya. Dùng viên tăng lực. Tu tỉnh dạ dày. Từng ngày xem lịch. Tính ngược giờ G. Hai đêm 27 và 28.3, rơi vào thứ sáu và thứ bảy. Cuối tuần tiện lợi.

“Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con
Như người yêu đợi người yêu xa cách”.

Câu thơ Thu Bồn thiết tha thời khói lửa mà đến nay sao nghe vẫn thiết tha? Diệp Chí Huy bảo: “Sài Gòn kẹt xe cả ngày. Thèm cái rộng thoáng, bình yên, thân tình của Đà Nẵng”. Tôi thì khoái Đảnh Thạnh, giữ cái giọng rè, để có thể hát tại Công viên Mì Quảng do con gái bà Ngân làm “chủ xị” nhân lễ hội. 

Điểm bắn pháo hoa tại cảng Đà Nẵng  - Ảnh: Đ.N.K

Công viên Mì Quảng? Nhà thơ Phạm Thư Cưu, sau thời gian dài lưu lạc phương Nam, nay đã về với mẹ ở “bông-tê-sên”, tức quận Sơn Trà, thốt lên: “Ý tưởng Công viên Mì Quảng quá hay. Một lúc có phục vụ cả ngàn du khách?”. Tôi thay mặt bà Tôn Nữ... Mì Quảng (con dâu bà Ngân thuộc dòng hoàng tộc) trả lời: “Được chớ sao không? Tôi nghe cô ấy nói rồi. Chỉ cần ngành du lịch hô một tiếng, xí nghiệp liên hiệp Mì Quảng của đại gia đình bà Ngân sẽ đáp ứng tốt”. Vấn đề là đặt công viên mì tại đâu cho tiện. Trao đổi qua điện thoại với Ngô Trường Thọ, Giám đốc Danang Water Park, ông bạn vàng “OK” ngay: “Ở đây có lễ hội hoa đăng của những nghệ nhân đến từ vùng động đất Tứ Xuyên, có ẩm thực Trung Hoa. Nay mình đưa Mì Quảng vô làm đối trọng, cũng hay”. Tôi nghĩ, đó cũng là “đối trọng” với 20 gian hàng ẩm thực phục vụ cùng lúc 4.000 người bên bờ Đông sông Hàn. 

Nghề chơi cũng lắm công phu. Có người bảo, cuộc chơi pháo hoa của Đà Nẵng to nhất nước mà tính ra mỗi người xem chỉ tốn 10.000đ. Tôi từng tính như vậy tại một cuộc pháo hoa giao thừa khi có người bảo hoang phí và nay lại nghĩ cuộc chơi ngày càng lớn, tới bây giờ đã mang tầm cỡ to nhất ASEAN. Trước khi bắn pháo hoa, ngày 23.3 diễn ra Lễ hội đình làng Hải Châu, sau hơn 30 năm vắng bóng.  Festival Làng nghề Việt tại Công viên 29.3, quy tụ hơn 60 làng nghề truyền thống Bắc-Trung-Nam. Hoặc như sáng 25.3, khai trương tuyến cáp treo Bà Nà, xác lập hai kỷ lục thế giới với chiều dài và độ chênh siêu hạng. Chưa kể, sáng 24.3 tượng nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được Hội Nghiên cứu lịch sử và Hội cựu học sinh dựng tại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh...

Thi bắn pháo hoa lần I, năm 2008 - Ảnh: Đ.N.K

Tất nhiên sự kiện “đinh” vẫn là hội thi bắn pháo hoa. diễn ra cùng lúc với cuộc thi là các chương trình nghệ thuật múa Ấn Độ, thuyền hoa, hoa đăng trên sông Hàn. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, hiện tất cả các phòng lưu trú khách sạn, nhà nghỉ dọc hai bên sông Hàn đã đầy. Năm ngoái, 50.000 lượt khách đổ về Đà Nẵng dịp này. Còn năm nay, sau đêm chung kết pháo hoa, sáng ra tất cả cùng dự lễ khánh thành cầu Thuận Phước, xác lập kỷ lục cầu dây văng dài nhất Việt Nam, rồi nắm tay nhau chạy bộ từ Thanh Bình qua Tiên Sa cũng là một cuộc chơi vô tiền khoáng hậu. Nhiều tay nhiếp ảnh trong và ngoài nước đang thu gom các loại máy hiện đại nhất để ghi lại những khoảnh khắc rực rỡ trời đêm, những guinness tầm khu vực và thế giới của thành phố bên sông Hàn. 

Ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói với tôi: “Đà Nẵng đang làm hết sức mình. Tất cả đều đã sẵn sàng, chỉ chờ giờ G”.  

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.