UBND TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng và một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023. Theo báo cáo, dù còn nhiều khó khăn, thách thức kéo dài chưa được tháo gỡ trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai nhưng ngay từ đầu năm 2023, UBND TP đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành T.Ư và chủ đề năm 2023 của thành phố là Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Dù vậy, trong bối cảnh thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, hầu hết các nền tăng trưởng thấp, thậm chí suy thoái; tổng cầu giảm mạnh, chi phí vốn cao, nợ doanh nghiệp tăng, đầu tư thấp. Nền kinh tế TP tiếp tục đối mặt với các khó khăn thách thức lớn, khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, vốn đầu tư, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động bất động sản, xây dựng suy giảm đã và đang tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của một số ngành, lĩnh vực có liên quan...
Trong xây dựng TP thông minh, Đà Nẵng đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh
Hoàng Sơn
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3/2023 ước tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022, trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 2,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,1% (công nghiệp tăng 0,2%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,7%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%. Tính chung 9 tháng năm 2023, GRDP ước tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022. Theo phân tích, kinh tế TP.Đà Nẵng quý 3/2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, ngoài sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực du lịch, phần lớn các ngành kinh tế có xu hướng giảm, đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của quý 3 và 9 tháng năm 2023.
Tuy nhiên quy mô kinh tế TP trong 9 tháng (theo giá hiện hành) ước đạt hơn 97.581 tỉ đồng, mở rộng hơn 7.000 tỉ đồng so với cùng kỳ 2022 trên nền tăng trưởng cao của quý 3/2022 (tăng 29,3% so với cùng kỳ 2021). Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và cả nước, mức tăng trưởng 2,2% của quý 3vvà 2,8% của 9 tháng năm 2023 là một nỗ lực lớn của kinh tế TP.
Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của TP. Tính chung 9 tháng, một số ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá trên nền tăng trưởng rất cao của quý 3 và 9 tháng năm 2022, như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý 3/2023 tăng hơn 15% (quý 3/2022 tăng hơn 128%), lũy kế 9 tháng tăng hơn 19%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 3/2023 tăng 33,5% (quý 3/2022 tăng gần 394%), lũy kế 9 tháng tăng 38%; doanh thu vận tải, kho bãi; bưu chính chuyển phát quý 3/2023 tăng 13,5% (quý 3/2022 tăng gần 48%), lũy kế 9 tháng tăng 25,2%.
Đáng chú ý, TP.Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, trong đó có các Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2023, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á - BRG Open Golf Championship Danang 2023, cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023; các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm. Giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ 9 tháng ước đạt 4,4% (quý 3/2022 tăng 38,5%), đóng góp 3,07 điểm % trong tổng tăng trưởng GRDP.
Thông tin đáng mừng cho ngành du lịch là, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ 9 tháng ước đạt hơn gần 5,9 triệu lượt, tăng gần 135% so với cùng kỳ 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 269%; khách nội địa ước đạt 4,26 triệu lượt, tăng 105%. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng ước đạt hơn 21.123 tỉ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2022; trong đó, doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 11.351 tỉ đồng, tăng 84%.
Về công tác thu hút đầu tư, trong 9 tháng qua, TP đã thu hút 172,4 triệu USD vốn đầu tư FDI (cùng kỳ 2022 thu hút 130,1 triệu USD), trong đó cấp mới 88 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 149,1 triệu USD tăng 144% về số dự án và 118% về vốn so với cùng kỳ và tăng hơn so với cả năm 2022 (năm 2022 đạt 124 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn cho 29 lượt dự án, tổng vốn tăng thêm 20,2 triệu USD (cùng kỳ 2022 25 lượt dự án, tổng vốn 4,1 triệu USD) và 23 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng giá trị 3,1 triệu USD (so cùng kỳ 2022: 39 lượt, tổng giá trị 57,2 triệu USD). Số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư 9 tháng cao hơn so với cùng kỳ 2022 do tình hình dịch bệnh ổn định, nhà đầu tư quay trở lại, chủ yếu các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản trong các lĩnh vực CNTT, nhà hàng, dịch vụ tư vấn…
Bình luận (0)