Đà Nẵng: Phòng dịch bệnh sau bão Xangsane như thế nào?

06/10/2006 22:19 GMT+7

Bão Xangsane (còn gọi là bão số 6) không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho Đà Nẵng về kinh tế mà còn làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh vì vậy cũng rất dễ nảy sinh và lan rộng. Làm thế nào để đảm bảo sức khỏe cho người dân sau cơn bão? PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Trần Văn Nhật (ảnh) - Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng về vấn đề này và được ông cho biết:

- Không phải sau khi xảy ra bão Xangsane chúng tôi mới tiến hành phòng dịch bệnh, mà trước đó ngay khi Đà Nẵng bước vào mùa mưa chúng tôi đã cho phun hóa chất nhằm ngăn chặn dịch bệnh có cơ hội bùng phát. Có thể nói, môi trường tại các khu vực của Đà Nẵng sau bão Xangsane đã trở nên ô nhiễm trầm trọng. Chính vì vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế, đội y tế lưu động tiến hành phun hóa chất ở những vùng có mật độ ô nhiễm nặng, ưu tiên nhất là các khu vực trường học và chợ nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh và người dân. Vừa qua, Đà Nẵng cũng đã được Bộ Y tế chi viện 550.000 gói Oresol, 700 kg cloramin B bột và 200.000 viên Cloramin T; Viện Pasteur cũng trợ giúp 1.400 gói Oresol, 300.000 viên Cloramin T và 150 kg Cloramin B bột... để Đà Nẵng tiến hành tiêu độc khử trùng. Ngày 5.10, chúng tôi cũng đã điều 4 xe hóa chất tiến hành phun thuốc tại một số trục đường ở Đà Nẵng, nhưng có lẽ, công tác này vài ngày nữa mới có thể hoàn thành do địa bàn thành phố khá rộng, mà nơi đâu cũng bị ô nhiễm nặng do rác rưởi đọng lại. Tại những điểm những người dân mất nhà phải sống tập trung chúng tôi cũng tiến hành phun thuốc phòng chống lây lan dịch bệnh, khử trùng nguồn nước giếng cho người dân. Chúng tôi cũng xin người dân lưu ý cần phải có sự phối hợp đồng bộ với ngành y tế, nhất là trong điều kiện môi trường ô nhiễm hiện nay, không được chủ quan, giữ gìn vệ sinh tối đa, nhất là không để nước tù đọng, phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết

Diệu Hiền (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.