Ngày 31.3, UBND H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cho biết đơn vị tư vấn đã có báo cáo liên quan đến nguyên nhân sạt lở ở 12 vị trí tại Nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn) xảy ra trong đợt mưa lũ lịch sử hồi giữa tháng 10.2022 là do xói mòn, sạt lở bề mặt khi có lượng mưa lớn, không phải do thổ nhưỡng, không phải sạt lở theo khối trượt.
Trong đó, một số vị trí đã hình thành khe nước lâu năm nên trận mưa quá lớn làm sạt hai bên vách và cuốn trôi đất, đá xuống lấp nhiều mộ phần. Ngoài ra, sạt lở xảy ra tại vị trí có khai thác đất từ trước; các lối mòn do dân tự làm để khai thác rừng trồng keo bị mất tầng phủ thảm thực vật.
Hôm qua 30.3, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cùng các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và nghe các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo các vấn đề liên quan đến xử lý sạt lở.
Trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn, UBND H.Hòa Vang đề nghị UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục đầu tư các rãnh, mương thu, thoát nước mưa; làm tường bằng rọ đá để chắn đá lăn và tường bê tông chắn sạt lở đất, đá... ở phía dưới 12 vị trí sườn núi xảy ra sạt lở trong đợt mưa lũ lịch sử để bảo đảm an toàn cho các công trình và khu mộ ở phía dưới chân núi. Đồng thời, làm lại các kênh thoát nước mưa ở bên dưới bằng bê tông... Tổng kinh phí dự toán cho phương án này khoảng 90 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề địa phương đặt ra là khi đầu tư các công trình đã xong mà diện tích đất rừng trồng vẫn để cho người dân sản xuất, tự làm đường để khai thác rừng trồng, thì không thể giải quyết được dứt điểm tình trạng sạt lở đất, đá xuống các khu mộ. Nếu thu hồi đất rừng trồng cây keo tràm (khoảng 130 ha) để trồng lại rừng và kết hợp thêm giải pháp mềm chống sạt lở, dự kiến chi phí thêm khoảng 100 tỉ đồng.
Để giảm chi phí đầu tư xử lý sạt lở ở Nghĩa trang Hòa Sơn, Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng đề nghị đơn vị tư vấn tính toán về mức độ mưa lớn, xác định vị trí các khung trượt, bãi trượt; đánh giá khả năng xảy ra sạt lở tại các vị trí... để nghiên cứu giải pháp thu gom, thoát nước; trồng các loại cây có khả năng chống sạt lở. Ngoài ra, cần tính toán giải pháp kỹ thuật không để xảy ra sạt lở; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật khai thác rừng trồng bằng cách chặt từng bước tránh khai thác đồng loạt, không đốt thực bì, không làm đường... tác động đến thổ nhưỡng tại khu vực.
Tại buổi làm việc, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng đề nghị đơn vị tư vấn và UBND H.Hòa Vang xem xét thêm giải pháp tạo các rãnh dọc chạy sườn để cắt nước và chia lưu vực thoát nước mưa nhằm bố trí các hạng mục thu, thoát nước mưa thuận lợi hơn.
Sở Xây dựng đề nghị đơn vị tư vấn và Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng xem lại hồ sơ thiết kế Nghĩa trang Hòa Sơn và nghiên cứu lại, cần thiết thì lập lại thiết kế hạ tầng kỹ thuật của khu vực, nhất là các mương thoát nước để phù hợp với thực tế hiện nay.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, đưa ra giải pháp, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh thống nhất xác định nguyên nhân xảy ra sạt lở ở khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn phần lớn là do tác động của con người, không phải do yếu tố thổ nhưỡng. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đề nghị đơn vị tư vấn và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tổng thể về nguyên nhân; yêu cầu đơn vị tư vấn và UBND H.Hòa Vang cần tiếp thu các ý kiến của các sở, ban, ngành và nghiên cứu kỹ, không làm vội để đề xuất giải pháp xử lý tổng thể, ổn định, lâu dài và báo cáo lại UBND TP vào giữa tháng 4 để xem xét.
Ông Lê Trung Chinh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT nghiên cứu đề xuất cụ thể chủng loại cây trồng từng khu vực và biện pháp khai thác, đặc biệt cần trồng một vệt cây lâu năm, cổ thụ ngăn cách giữa Nghĩa trang Hòa Sơn và đồi núi để bảo vệ an toàn cho các khu mộ.
Bình luận (0)