Đa phần đơn thư khiếu nại tập trung vào đất đai

27/09/2010 10:50 GMT+7

(TNO) Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2010 tại phiên họp sáng 27.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, từ 15.8.2009 đến 15.8.2010, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 379.989 lượt công dân đến KNTC, trong đó có 3.592 lượt đoàn đông người (từ 5 người trở lên), tiếp nhận 157.779 đơn thư KNTC.

So với năm 2009, số lượt công dân KNTC tăng 23,7%, số lượt đoàn đông người tăng 43,11%, số lượng đơn thư KNTC tăng 29,8%.

Tập trung vào nhà đất

Nội dung khiếu nại (KN) phần lớn xảy ra trong lĩnh vực đất đai (chiếm 69,9% tổng số vụ việc KN). Cụ thể là KN việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, KN tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ khi đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã, nông lâm trường; KN về nhà ở, nhà bị Nhà nước quản lý, cho Nhà nước mượn…

Về kết quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết “đã có những chuyển biến tích cực”; và “việc tiếp nhận và xử lý đơn thư đã có nhiều đổi mới, dần khắc phục tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, xử lý chậm và vi phạm trong quá trình xử lý”…

Khiếu nại nhiều do năng lực, đạo đức của cán bộ kém

Cũng theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, phân tích kết quả giải quyết 48.136 vụ việc KN cho thấy có 15,4% đơn KN đúng; 53,8% đơn KN sai; 30,8% đơn có đúng, có sai. Với các vụ việc TC, theo phân tích kết quả giải quyết của Chính phủ thì chỉ có 13,3% đơn thư tố cáo đúng; 58,5% đơn TC sai; 28,6% đơn có đúng, có sai.

“Qua kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ công dân KNTC đúng và đúng một phần vẫn còn cao, điều này chứng tỏ trong công tác quản lý Nhà nước và việc giải quyết các quyền lợi của công dân của các cấp chính quyền, nhất là cơ sở, vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập… Phương pháp giải quyết còn cứng nhắc, mang tính chất hành chính, thụ động nên nhiều vụ việc khó thuyết phục để chấm dứt được KN”, báo cáo Chính phủ nhận định.

Nguyên nhân phát sinh nhiều vụ KNTC trong năm qua có nhiều, song đáng chú ý, theo đánh giá của Chính phủ, đó là do cơ chế chính sách còn rất bất cập; do các cấp, ngành còn thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, chỉ đạo, xử lý dứt điểm; công tác quản lý, nhất là quản lý đất đai, quản lý kinh tế xã hội còn nhiều yếu kém, sai phạm…

Về nội dung này, trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết KNTC năm 2010, Ủy ban Pháp luật cho rằng, “nhiều kiến nghị về giải pháp cũng như nguyên nhân của tình hình đã được nêu ra nhiều năm nhưng chưa có đánh giá kết quả thực hiện như thế nào”.

Theo Ủy ban này, “tình hình KNTC không giảm và vẫn diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, ở hầu hết các địa phương; nhiều trường hợp KN kéo dài, vượt cấp, gay gắt, bức xúc là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ để tìm câu trả lời đích thực”.

Quá trình thẩm tra Báo cáo, có ý kiến của Ủy ban này cho rằng đơn thư KNTC tăng là do người dân đã ý thức được quyền lợi, trách nhiệm công dân nên kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Tuy nhiên, đa số ý kiến nhận định: “tình hình nêu trên phản ánh tình trạng kém hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước, về năng lực cũng như trình độ phẩm chất đạo đức của đội ngũ CBCC. Bên cạnh đó, còn có tình trạng lợi ích của người dân không được xem xét cẩn trọng khi giải quyết các lợi ích: Nhà nước - công dân - doanh nghiệp”.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật cho rằng, ngoài những nguyên nhân như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, còn có nguyên nhân về đạo đức phẩm chất cũng như năng lực quản lý trên một số lĩnh vực của đội ngũ cán bộ công chức và trách nhiệm không đầy đủ của những người có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

“Đây là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh KNTC và cũng là nguyên nhân làm cho tình hình KNTC thêm phức tạp. Nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục thì khó có thể có những chuyển biến cơ bản về tình hình KNTC hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.