Đại biểu Quốc hội bức xúc vì cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác tràn ngập

Mai Hà
Mai Hà
21/11/2023 15:10 GMT+7

Bức xúc trước tình trạng cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác xuất hiện tràn lan, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Bộ TT-TT tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo, cũng như chuẩn hóa thuê bao di động, chặn dứt điểm sim rác.

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm sáng 21.11, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nêu thực trạng các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. "Tôi tin rằng mỗi vị đại biểu ở đây đã từng ít nhất 1 lần nhận cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác", bà Tâm nêu và bày tỏ lo ngại các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ tiếp tục gia tăng.

Đại biểu bức xúc tình trạng cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác tràn ngập - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình)

GIA HÂN

Đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Đề nghị Bộ Công an, Bộ TT-TT tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua app, điển hình là những cuộc gọi mạo danh.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cũng bày tỏ lo ngại trước nhiều phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng.

Thời gian qua đã xử lý 1.600 vụ, 478 đối tượng, tăng 203,6% số vụ và tăng 48,91% số đối tượng. "Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen. Việc quản lý SIM rác, tin nhắn rác vẫn chưa thực sự hiệu quả", đại biểu Sang nêu.

Liên quan đến tội phạm với trẻ em, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, tội phạm tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản gây ra. Đáng chú ý, tội phạm xâm hại trẻ em tăng 44,8% so với năm 2022. "Đã xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận", đại biểu Tâm nêu. 

Đáng chú ý, theo bà Tâm, thời gian qua đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng và tính chất nghiêm trọng trong các vụ bạo lực học đường. Từ tháng 9.2021 đến tháng 11.2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan 2.016 học sinh. 

Đáng lo ngại là bạo lực học đường xảy ra không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa thầy cô giáo với học sinh. Lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản, như va chạm trong lúc chơi đùa trên đường đi học, nói xấu nhau trên diễn đàn và mạng xã hội...

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm

Mặc dù Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về phòng chống xâm hại trẻ em từ năm 2020, luật cũng đã quy định rõ ràng nhằm ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường. Riêng với người chưa thành niên, Việt Nam hiện có 7 bộ luật. Tuy nhiên, công tác bảo vệ người chưa thành niên thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. 

Theo đại biểu Tâm, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xâm hại vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn tản mạn, nhiều tầng nấc chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ. Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên cả về hành chính và hình sự còn nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau, dẫn đến sự phân tán, khó thực hiện.

Đại biểu Tâm đề xuất cần nghiên cứu xây dựng và ban hành một đạo luật riêng, chuyên biệt, quy định toàn diện các vấn đề đối với người chưa thành niên, với các đặc thù phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý ở lứa tuổi này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.