Thảo luận tại tổ chiều 29.5 về dự án bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu vẫn còn ý kiến khác nhau về việc chọn “Ngày tri ân” hay ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ 27.7 là ngày nghỉ.
Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Lê Quân (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, đã có đôi lời giải thích về lý do chọn ngày này, trong đó lý do cơ bản nhất là tổng số ngày nghỉ của Việt Nam rất thấp so với thế giới.
“Ngoài lý do lấy Ngày tri ân vì các ý nghĩa xã hội, lịch sử, nhân văn, phù hợp thông lệ một số quốc gia đã áp dụng (như Nga), thì có lý do nữa là chúng ta muốn tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động”, ông Lê Quân nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đồng tình với đề xuất này vì cho rằng tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ là rất cần thiết, tương đương với giỗ vua Hùng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại có ý kiến khác. Ông Trí cho biết, khi mới nghe tin này ông rất phấn khởi và thấy đây là đề xuất rất hay, vì cần có một ngày cả xã hội tri ân những người đã hy sinh, đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố tế nhị của cuộc chiến tranh cần phải cân nhắc, nên ông đề xuất nên chọn ngày 28.6 là Ngày gia đình Việt Nam.
“Dành cho tổ tiên có ngày giỗ Tổ; dành cho đất nước có 2.9, 30.4; nên có ngày gia đình để khơi dậy tình cảm gia đình với nhau là rất quý giá. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người trong cuộc họp (thẩm tra sơ bộ dự án luật này - phóng viên). Sáng nay, chị Thúy Anh (Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - phóng viên) cũng đưa ra vấn đề này”, đại biểu Trí nói.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cũng tán thành với đề xuất chọn ngày 28.6 là ngày nghỉ.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, những lý do để đề xuất nghỉ thêm ngày 27.7 không phù hợp. Tri ân chúng ta vẫn đang làm, sẽ làm, nhưng không phải tổ chức nào, gia đình nhà nào cũng dành ra một ngày này để làm. Nói nửa cuối năm ít ngày nghỉ quá, phải phân bố ra cho đều thì cũng “lợn cợn”. "Nếu nhất thiết thêm 1 ngày nghỉ thì có thể chọn ngày 28.6 - Ngày gia đình Việt Nam, hoặc ngày 1.6 - Quốc tế thiếu nhi”, đại biểu này đề xuất.
Nói về ngày 27.7, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho biết anh trai của ông là thương binh cũng không đồng tình chọn ngày này là ngày nghỉ.
“Nói là ngày tưởng niệm, nhưng đến ngày đó lại nghỉ. Ngày đó để thăm hỏi, chứ không tận dụng đi chơi đi bời. Lý lẽ (của ban soạn thảo) không thuyết phục. Cơ quan thẩm tra đề xuất Ngày gia đình Việt Nam có khi thuận hơn, hoặc là ngày 30.4 nghỉ 2 ngày”, đại biểu đề nghị.
Nói thêm về đề xuất này, dù đã đến giờ nghỉ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất nên có “ngày đàn ông” hay “ngày của cha”, vì phụ nữ đã được vinh danh 2 ngày. Theo đại biểu Khánh, bà đã ấp ủ ý tưởng này mấy năm nay và giờ mới có cơ hội được đề xuất.
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) lại tán thành việc chọn ngày 27.7, nhưng nhấn mạnh cần làm sao để đó trở thành một ngày tri ân thực sự, để giáo dục truyền thống, chứ không phải nghỉ rồi đi du lịch.
Bình luận (0)