Buổi sáng, Quốc hội (QH) nghe tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018. Sau đó, QH thảo luận ở tổ về 2 nội dung này.
Trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH sáng 23.5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết trong chương trình làm luật từ nay đến hết 2018, UBTV QH đề nghị ưu tiên đưa vào các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội 12, các nghị quyết, kết luận của các hội nghị T.Ư, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)... Theo UBTV QH, những dự án, dự thảo được đưa vào chương trình phải có đầy đủ hồ sơ và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.
tin liên quan
Tiếp tục hoãn trình luật Biểu tình do chất lượng chưa đảm bảoTại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa 14 (diễn ra từ ngày 22.5 đến 21.6.2017), QH sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Trình bày tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết UBTV đề nghị QH giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, UBTV đề nghị QH xem xét, quyết định 2/4 nội dung cụ thể gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cần chế tài cơ quan làm luật chậm
Bức xúc trước tình trạng nhiều dự luật bị chậm tiến độ xảy ra triền miên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) trong thảo luận tổ đã cho rằng QH cần xem xét lại quy trình làm luật hiện nay. “Người dân trông chờ QH xem xét, thông qua luật này, luật kia nhưng chúng ta làm không đến nơi đến chốn. Đây không chỉ là trách nhiệm của QH mà vấn đề là cách làm luật hiện nay không ổn. QH không chủ động được nhưng lại không có chế tài cụ thể để xử lý việc làm luật không đảm bảo chất lượng, gây chậm tiến độ”, ĐB Quyết Tâm nói và cho rằng nên xem xét tính toán việc giao một cơ quan chuyên trách trong việc làm luật, áp dụng kinh nghiệm các nước để vận dụng phù hợp tránh bị động trong chương trình làm luật.
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) lưu ý việc các dự án luật được “đưa vào, rút ra” liên tục trong quá trình làm luật đã gây lãng phí lớn khiến cử tri, nhân dân bức xúc. Theo ĐB Lộc, phải có quy định chế tài đối với các cơ quan không đảm bảo tiến độ làm luật.
“Món nợ” luật Biểu tình
Nhắc lại câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi còn đương nhiệm từng nói trước QH khóa 13 về việc giao Bộ Công an xây dựng luật Biểu tình, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng "không nên nhập nhằng mãi": "Hiện tượng biểu tình thì ngày càng nhiều mà không có luật điều chỉnh làm cho dân không biết đúng hay sai".
ĐB Đoàn Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến một số dự án luật rất cần thiết, trong đó có luật Về hội và luật Biểu tình. “Đây là dự án luật được báo chí và cử tri rất quan tâm, hơn nữa, biểu tình là quyền công dân được hiến định từ Hiến pháp 1946 đến nay mà vẫn chưa được thể chế hóa”, ĐB Xuyền nói và đề nghị trong trường hợp Chính phủ thấy khó quá thì cũng đưa ra ở mức độ nào đó chứ không nên quá cầu toàn rồi để rơi vào im lặng.
Không dùng ngân sách để mua nợ xấu
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh, tại phiên thảo luận tổ sáng 23.5.
Theo ông Đức, một nghị quyết xử lý vấn đề nợ xấu là cần thiết nhưng cần phải xác định phạm vi cụ thể với nợ xấu từ 31.12.2016 trở lại. “Nếu không có phạm vi cụ thể, vô hình trung nghị quyết này lại trở thành một hành lang pháp lý để một bộ phận các ngân hàng thiếu trách nhiệm tiếp tục dẫn đến nợ xấu phải dựa vào văn bản này để giải quyết”, ông Đức nói và cho rằng cần bổ sung vào nghị quyết nguyên tắc không sử dụng ngân sách để mua lại nợ xấu, không bán lại nợ xấu cho nước ngoài dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia. Bên cạnh đó cần phải xử lý trách nhiệm người để xảy ra nợ xấu.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng một nghị quyết xử lý nợ xấu để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế là cần thiết, nhưng cũng làm rõ để tránh dư luận về việc nghị quyết này sẽ “vô tình” giúp những người có sai phạm thoát được trách nhiệm. “Đã có nhiều ý kiến tranh cãi như việc những chủ trương, biện pháp xử lý nợ xấu trước đây đã hợp lý, có cơ sở pháp lý hay chưa? Dư luận cho rằng coi chừng nghị quyết này sẽ giúp cho một số người thoát trách nhiệm mặc dù đã có những sai phạm để lại hậu quả nặng nề”, ĐB Nghĩa nói.
Trường Sơn
|
Bình luận (0)