Nhạc sĩ Văn Giỏi sinh năm 1944, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang. Ông học đàn cổ từ nhỏ ở quê nhà. Đến năm 18 tuổi, ông rành nghề và tham gia hoạt động đờn ca tại địa phương.
Đại danh cầm Văn Giỏi trong ngày cưới của người con trai út (hiện đang là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu) |
NVCC |
Đến năm 24 tuổi, ông lên Sài Gòn hoạt động nghệ thuật và được nghệ sĩ Chín Sớm giới thiệu vào đờn cho các ban ca kịch: Thành Công, Trâm Hoa miền Nam, Hương Thanh Bình…
Thời đó, Văn Giỏi là một trong những nhạc sĩ trẻ được mến mộ. Ông được hai hãng băng lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ là Việt Nam và Continental mời ký hợp đồng dài hạn.
Trong thời gian này, ông cùng góp mặt với các danh cầm cổ nhạc hàng đầu của miền Nam, như: Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá… hòa tấu và độc tấu các loại nhạc cụ trong băng cassette do công ty Continental sản xuất.
Thuở nhỏ, đôi mắt của đại danh cầm Văn Giỏi sáng, bình thường. Khoảng 20 tuổi, mắt của ông bị cườm và mờ dần. Đến năm 32 tuổi, ông không còn thấy đường |
NVCC |
Ông không những đờn chánh guitar phím lõm, mà ông đờn sến cho hàng trăm chương trình vọng cổ, cải lương trong băng cassette và đĩa hát, được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
Những ngày sau giải phóng, ông về cộng tác với Sài Gòn audio. Cái hay ở nhạc sĩ Văn Giỏi là ông mày mò chế ra chữ đờn, rồi chơi tân nhạc, kết hợp chữ đờn của tân và cổ nhạc một cách mềm mại.
Sự độc đáo ở nhạc sĩ Văn Giỏi là ông đã sáng tác thành công hai thể điệu mới: Phi vân điệp khúc và Đoản khúc lam giang dựa trên nền tảng dòng nhạc cải lương (thang âm ngũ cung), kết hợp âm hưởng của ca nhạc Huế và dân ca Nam bộ.
Danh cầm Văn Giỏi được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2019 |
NVCC |
Từ đó đến nay, nhiều tác giả vọng cổ, cải lương thường hay đưa hai thể điệu ấy vào tác phẩm của mình. Ông và NSƯT Thanh Hải lại kết hợp khai thác giai điệu Vọng kim lang của làn điệu dân ca Liên khu 5, biến tấu và cải biên lớp dạo đầu theo một phong cách mới cũng rất được thịnh hành trong cải lương. Và nhạc sĩ Văn Giỏi - Thanh Hải là cặp đôi tài năng trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM một thời.
Ông cũng cộng tác với hàng trăm chương trình cải lương. Các chương trình quy mô có thể kể đến như: Vầng trăng cổ nhạc của HTV, giải Bông lúa vàng của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM.
Sau khi “đệ nhất danh cầm” Văn Vĩ qua đời, nhạc sĩ tài hoa Văn Giỏi được trong giới tôn vinh là “đệ nhất danh cầm guitar phím lõm” kế vị cố danh cầm Văn Vĩ. Nhưng ông khiêm tốn, mong mọi người gọi mình là nhạc sĩ, đó đã là niềm hạnh phúc.
Học trò của đại danh cầm Văn Giỏi có hàng ngàn người từ khắp Bắc Trung Nam. Nhưng hầu hết hiện nay đều định cư ở nước ngoài, đa phần ở Mỹ, Nhật, Pháp.
Một số danh cầm trẻ hiện nay, có nhiều người cũng học tiếng đàn của ông từ băng đĩa.
Danh cầm Văn Giỏi được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2019 |
NVCC |
Nuôi dạy con thành đạt
Yêu mê tiếng đàn, quyện lòng mình vào những giai điệu cảm xúc bổng trầm của thanh âm tiếng nhạc, nhưng ông vẫn luôn tròn trách nhiệm, vun đắp gia đình, nuôi các con ăn học, thành đạt.
Ông có 4 người con, hiện nay hầu hết làm chủ doanh nghiệp. Nhớ lại những tháng ngày cơ cực, ông nói: “Đi đàn lúc đó được bao nhiêu tiền cũng đều dành dụm, mang về cho vợ, để vợ lo cho gia đình”.
Khoảng những năm thập niên 1960, ông đàn cho đài phát thanh mỗi tháng được 6.000 đồng. Đàn thêm ở quán xá hơn 9.000 đồng/tháng. Vàng thì mỗi lượng khoảng 10.000 đồng. Tiền chợ mỗi ngày chỉ tốn 10 đồng cho cả nhà ăn. Cà phê thì chỉ 1, 2 đồng/ly. Tiền dư ra, vợ chồng ông dành dụm nuôi con, rồi mua nhà cửa. Giờ ông có mấy căn nhà cho thuê, cuộc sống hạnh phúc và an yên.
NSND Văn Giỏi |
NVCC |
Tài năng, phóng khoáng, gần gũi và chân tình là những điều mà ai từng gặp ông đều có thể cảm nhận được. Ông là người có lối sống lạc quan, yêu đời. Ông cũng thường chung tay với những việc làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn.
Thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Văn Giỏi không còn làm nghề như thời đỉnh cao. Thời điểm không có dịch bệnh, cứ mỗi cuối tuần, ông cùng bạn bè đàn hát, tâm sự về chuyện đời chuyện nghề tại một quán cà phê nhỏ tại quận 8, TP.HCM.
Bình luận (0)