Tại phiên thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 của Uỷ ban Kinh tế trình bày hôm qua (21.5) tại Quốc hội chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Phó thủ tướng, trong báo cáo thẩm tra bổ sung, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn vấn đề: “Qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm”.
Ông Huệ đặt vấn đề: “Ta nói động lực tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không, khi mà mấy năm nay, từ năm 2016, công nghiệp khai thác than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm hết?”.
Trong khi đó, theo Phó thủ tướng, cả 3 khu vực công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo), nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay, trong đó tiêu dùng trong nước lần đầu tiên tăng trên 2 con số đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, T.Ư Đảng đã có kết luận về tình hình kinh tế - xã hội rồi, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về kinh tế - xã hội, các tổ chức quốc tế cũng tiến hành nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam. Và nay, các cơ quan cần phải bổ sung thêm các dữ liệu, phân tích kỹ các nguyên nhân, hạn chế để đạt được mục tiêu của năm 2018.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhận định, Uỷ ban Kinh tế đánh giá tình trạng ngân sách T.Ư hụt thu thì cần phân tích tại sao ngân sách T.Ư hụt và thu ngân sách địa phương tăng. “Phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát? Đây là trách nhiệm đầu tiên của Bộ Tài chính và Chính phủ, nhưng cơ quan thẩm tra thì có trách nhiệm không? Đương nhiên khâu dự toán này thì các ủy ban thẩm tra và Quốc hội quyết định...”.
Ông Huệ mong Uỷ ban Kinh tế, Quốc hội nhìn nhận tình hình khách quan, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ nhiều năm, vừa bảo đảm tăng trưởng để giúp công tác điều hành kinh tế - xã hội đi đúng hướng.
Phát biểu về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội phục vụ kỳ họp thứ 5 gồm nhiều bước, được thực hiện theo quy trình lấy ý kiến, thẩm định đầy đủ. Sau đó, Uỷ ban Kinh tế xin phép Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội. Báo cáo đầy đủ đã được gửi tới tất cả các đại biểu Quốc hội và hôm qua (21.5), Uỷ ban Kinh tế trình bày báo cáo tóm tắt nên không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính.
“Báo cáo tóm tắt không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính, mà người dân không đọc được báo cáo đầy đủ, chỉ tiếp cận báo cáo không đầy đủ, là một thiếu sót. Chúng tôi xin lỗi về điều đó”, ông Dương Quốc Anh nói.
Bình luận (0)