Cạn kiệt sông suối, hồ ao
Đầu tháng 3, mùa khô đang bước vào thời kỳ cao điểm ở Tây nguyên, nắng như dội lửa xuống bạt ngàn nương rẫy, cây cối oằn mình, héo hon vì khô khát. Giữa trời nắng gắt, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, ông Ae Nhang ở buôn Nhắk, xã Ea Bông, H.Krông Ana (Đắk Lắk), loay hoay dịch chuyển ống bơm vét lớp nước cuối cùng trong cái ao cạn để tưới cho 4 sào cà phê. Giọng Ae Nhang thất vọng: “Mới tưới đợt thứ hai mà gần như cạn sạch nước trong ao, ít nhất còn hai đợt tưới nữa mới đến mùa mưa nhưng không biết lấy nước ở đâu cho vườn cà phê này”. Nhiều hộ trong vùng cũng như nhà Ae Nhang, bất lực nhìn cây cà phê đang bị rụng lá, nhiều trái non khô đét do thiếu nước. Ông Huỳnh Văn Bảy, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Ea Bông, cho biết cả xã có 7 hồ nước thì hầu hết đã khô cạn, ngay cả cánh đồng lúa gần thu hoạch cũng nứt nẻ, nhiều thửa ruộng trở thành rơm rạ cho trâu bò gặm; các hộ tưới cà phê thì trông chờ nước mạch rỉ ra đọng thành vũng nhỏ...
|
Ông Đặng Văn Lân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Ana cho biết toàn huyện hiện có 8.250 ha cà phê, nhưng thống kê sơ bộ có 760 ha không còn nước tưới đợt 3 và 4, diện tích mất trắng vụ này khả năng còn tăng donắng hạn còn kéo dài. H.Krông Ana đã chi gần 500 triệu đồng giúp nông dân các xã mua dầu bơm nước từ sông Krông Ana để cứu lúa và cà phê; hiện đang đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ khoảng 5 tỉ đồng cho hoạt động chống hạn.
Nhiều địa phương khác ở Đắk Lắk cũng khô hạn tương tự Krông Ana. Sông Krông Năng nổi tiếng với dòng nước hung dữ vào mùa mưa, nay cũng khô kiệt hoàn toàn, người hai bên sông này không biết tìm nước ở đâu để tưới cà phê. Những con suối lớn như Ea Nung, Ea Mđróh, Ea Hđing... vốn cung cấp phần lớn nước cho 35.000 ha cà phê ở H.Cư Ma gar cũng đã cạn kiệt, nhiều vườn cây ở các xã Ea Mđróh, Cư Mgar bị khô cháy như trải qua hỏa hoạn... Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, đến ngày 1.3, có khoảng 30 hồ, đập ở các huyện Cư Mgar, Krông Pắk, Krông Bông, Krông Búk, Lắk đã cạn trơ đáy.
Thủy lợi bất cập
Cũng theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, thống kê ở 11/15 huyện, thị xã trong tỉnh, đã có 10.470 ha cây trồng bị khô hạn; trong đó có 5.535 ha lúa, 4.342 ha cà phê, 379 ha tiêu... Ngoài ra, còn có 5.075 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do giếng đào cạn kiệt, các công trình cấp nước tập trung không đủ nước cung cấp. Hiện sở này đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 150 tỉ đồng kinh phí chống hạn và giống cây trồng khôi phục sản xuất.
|
“Khô hạn năm nay diễn ra sớm và khốc liệt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. So với năm 2004, năm được xem hạn nặng nhất, thì năm nay khô hạn ở nhiều vùng Đắk Lắk còn nghiêm trọng hơn. Do lượng mưa năm trước thấp bất thường nên tất cả hồ, đập trên địa bàn tỉnh đều có trữ lượng thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ dưới 50%”, ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống bão lụt Đắk Lắk, nhận xét. Ông San cho rằng thiếu nước cho sản xuất sẽ còn căng thẳng hơn trong vài tháng tới do chưa đến mùa mưa, nước mặt đang cạn kiệt, còn nước ngầm bị khai thác tràn lan cũng suy giảm mạnh.
Theo ông San, tỉnh Đắk Lắk có 665 công trình thủy lợi chỉ có dung tích thiết kế tưới trong mùa khô cho 26.000 ha lúa vụ đông xuân, gần 133.000 ha cà phê, nhưng đang phải gồng mình quá sức do phải tưới cho hơn 30.000 ha lúa, 190.000 ha cà phê. “Khả năng sụt giảm năng suất, sản lượng các loại cây trồng trong năm nay là khó tránh khỏi, nhất là cà phê. Đáng lo ngại là nhiều diện tích cây công nghiệp khó phục hồi do hạn làm khô cháy. Tình trạng khô hạn cũng cho thấy hiện trạng các công trình thủy lợi còn nhiều bất cập, chưa đủ phục vụ diện tích cây trồng đang tăng nhanh. Hơn nữa, độ che phủ rừng trên địa bàn sụt giảm cũng dễ dẫn đến khủng hoảng cả nguồn nước mặt và nước ngầm”, ông San phân tích.
Trần Ngọc Quyền
>> Tây nguyên khô hạn nghiêm trọng
>> Khô hạn, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước
>> Khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng
>> Thiệt hại gần 550 tỉ đồng do khô hạn
Bình luận (0)