Đại hán Vi Tiểu Bảo

23/10/2010 08:29 GMT+7

(TNTS) Trên hai ngàn hai trăm năm trước, Lưu Bang tóm thâu lãnh thổ Trung Quốc, lập ra nhà Hán. Từ đó, khái niệm Đại Hán (Ta Hanisme) đã hình thành. Một số thuật ngữ có chữ Hán đứng đầu được sử dụng: Hán tộc (dân tộc Hán), Hán nhân (người Hán), Hán ngữ (chữ Hán), Hán văn (văn chương dân tộc Hán), Hán hóa (đồng hóa cho trở thành người Hán)… Thậm chí đến người chống lại dân tộc Hán cũng bị gọi là Hán gian.

Người Hán tự coi mình là dân tộc cao quý, gọi các dân tộc lân bang là Tứ di (bốn thứ mọi rợ): Đông Di, Tây Khương, Nam Man, Bắc Địch. Tư tưởng này kéo dài cho tới thời… nhà văn Lỗ Tấn xây dựng nhân vật AQ - con người đại biểu xuất sắc của phép thắng lợi tinh thần. Trước mặt bất cứ người nào, AQ cũng muốn mình mạnh mẽ và có quyền nô dịch họ: “Tay ta cầm con roi sắt, ta đánh nhà ngươi”. AQ không biết chữ, không có cha mẹ anh em, không nghề nghiệp nhưng rất oai hùng: “Thứ mày là cái đồ gì. Con tao ngày sau còn gấp mười lần mày”.

Người Trung Quốc cũng tỏ ra rất khinh thị người Tây dương. Người Tây dương là người đến từ biển phía Tây. Người Trung Quốc gọi người Tây dương bằng hai cái tên rất khinh miệt là Tây dương quỷ hay Hồng mao quỷ (quỷ lông đỏ). Quỷ có nghĩa không phải là người. Tây dương quỷ (Hồng mao quỷ) đã hiện ra khá nhiều trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung trước tay đại hán tiêu biểu Vi Tiểu Bảo...

Lộc Đỉnh ký thuật lại cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nga La Tư, còn gọi là quân La Sát (Russe) ở thành Nhã Tát Khắc (Nertohinks) bên bờ sông Hắc Long giang (Amour). Quân của tướng tư lệnh Vi Tiểu Bảo nhà Thanh đánh nhau với quân hai tướng biên phòng A Lịch Tư Đồ Nhĩ Bố Thanh (Alexei Tolbosin) và Á Nhĩ Thanh Tư Cơ (Arsinsky) của Sa hoàng Nga.

Người Nga thua bởi quân Thanh  quá đông. Sa hoàng Nga ra lệnh cho hầu tước Phí Diêu Đa La Quả La Văn (Feodore Golovin) hòa đàm và ký hòa ước Hắc Long giang 1684. Với hòa ước này, trên 80 vạn dặm vuông Anh đã sáp nhập lãnh thổ Trung Quốc.

Thật ra trước đó, năm Khang Hy thứ 15 (1677), Sa hoàng Nga đã cử đại sứ Tư Ba Tháp Lôi (Spartinary) sang Bắc Kinh bày tỏ lòng hòa hiếu. Khi bệ kiến vua, Tư Ba Tháp Lôi vì theo đạo Thiên Chúa nên không chịu quỳ lạy Khang Hy. Khang Hy cho rằng Tư Ba Tháp Lôi xúc phạm mình nên đuổi về.

Kim Dung hư cấu nhân vật Vi Tiểu Bảo đi đánh trận ở biên giới phía Bắc với nhiều trò huê dạng. Trước đó, hắn đã lưu lạc sang Nga, tằng tịu với một hồng mao nữ là công chúa Tô Phi Á (Sophia), chị ruột của Sa hoàng Bỉ Đắc đại đế (Peter). Khi làm tư lệnh mặt trận, hắn thu thập hai hỏa thương thủ người Nga là Hoa Bá Tư Cơ (Vabasky) và Tề Nặc Lạp Phu (Delanov) làm giao liên, giúp hắn đưa quà tặng công chúa.

Trong mối quan hệ bình thường này, tư duy Đại Hán đã được đề cao quá sức. Kim Dung viết là sau khi ăn nằm với Vi Tiểu Bảo rồi, Tô Phi Á đâm ra nhớ nhung hắn. Cô từ chối chăn gối với tất cả các sĩ quan Nga khác. Nguyên do vì cái… của quí của Vi Tiểu Bảo lớn hơn các chàng trai Nga kia! Khi cô quen, cô gọi Vi Tiểu Bảo  là Trung Quốc tiểu hài đại nhân (Viên quan lớn còn nhỏ tuổi người Trung Quốc). Nếu là người lớn rồi thì tay Vi Tiểu Bảo còn oai hùng hơn nữa!

Văn hóa Vi Tiểu Bảo kém cỏi, tiếng Nga lại càng bù trất. Hắn chỉ biết vỏn vẹn mấy chữ Tử man cơ là giết đi, Hà thư ni khắc là món thịt nướng, Phục đặc gia tửu là rượu Vodka… Còn lại, hắn luôn luôn đọc sai tiếng Nga đến nỗi đọc tên của Hoa Bá Tư Cơ thành Vương Bát Tử Kê (Gà chết khốn nạn), tên của Tề Nặc Lạp Phu thành Trư La Nọa Phu (Con heo thối tha)!

Trong Lộc Đỉnh ký có hai người Tây dương được Vi Tiểu Bảo kính nể một chút. Một là nhà khoa học Thang Nhược Vọng (Adam Schall) người Nhật Nhĩ Man (German - Đức), Giám đốc đài thiên văn Bắc Kinh, tước hiệu Thông minh giáo sư. Hai là nhà khoa học Nam Hoài Nhân (Ferdinand Verbiest) người Bỉ Lợi Thì (Belgique). Đây là hai vị giáo sĩ dòng Tên (Jésuite) có thật, làm quan dưới triều Khang Hy, có công giúp nhà vua chế tạo súng đại bác.

Vi Tiểu Bảo gọi hai vị này là “Ngoại quốc lão huynh”. Hôm hai lão huynh theo lệnh Khang Hy bắn biểu diễn súng đại bác ở hỏa trường Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo được cho tham dự. Hắn tếu táo xin châm ngòi nổ. Tiếng súng nổ làm hắn giật mình sợ hãi muốn té đái vãi phân trong khi bọn Thanh binh tung hô vang lừng “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”. Hóa ra, đại hán cũng biết sợ súng đại bác.

Khi được cử làm tư lệnh mặt trận phía Bắc, Vi Tiểu Bảo cũng biết đem theo vài ngoại quốc lão huynh, vốn là các nhà truyền giáo Hà Lan thông thạo tiếng Latin, tiếng Nga, để giúp hắn. Hắn nhờ họ hỏi chuyện các tù binh để tìm hiểu quân tình người Nga, thông dịch các cuộc đàm phán và dịch các hòa ước bằng Hán văn ra tiếng Nga, tiếng Latin và tiếng Mông Cổ.

Khi hắn nhớ nhung hay muốn lợi dụng công chúa Tô Phi Á, hắn lại nhờ các giáo sĩ viết thư giúp. Hắn đọc và cứ vậy mà họ dịch và viết qua Nga văn. Thư của hắn rất ngộ: Một đoạn bày tỏ lòng nhớ thương, một đoạn đề nghị công chúa tham mưu cho sa hoàng… Dưới thư có đóng dấu của tư lệnh! Các giáo sĩ không hiểu đó là thư tình hay công văn quân sự nữa.

Trong khi đàm phán để ký hòa ước Trung - Nga, tư lệnh Vi Tiểu Bảo cũng muốn đàm phán công bằng. Quan điểm công bằng của hắn là: “Nếu gã Phí Diêu Đa La này đàm phán công bằng, chịu để cho Trung Quốc ta chiếm một phần đất đai thì cũng có thể nghị hòa được. Nhưng một dặm đất y cũng không chịu nhường. Chúng ta hạ thành Mạc Tư Khoa xong, tất cả đàn ông La Sát sẽ lên thiên đàng, tất cả đàn bà sẽ làm vợ người Trung Quốc”.

Tư duy của đại hán còn nhiều trò huê dạng khác, nhiều khi không giống bất kỳ loài người tiến bộ hay chưa tiến bộ trong thế giới hiện đại. Vi Tiểu Bảo ký tên dưới bản hòa ước rất lạ. Hắn vẽ hai bên hai hột tròn tròn, ở giữa có một cái cộng đưa lên. Thủ hạ hắn vỗ tay ca ngợi vì chữ ký hắn giống một con chim với hai quả trứng, y chang bộ sinh dục đàn ông. Nói chung với Vi Tiểu Bảo, hòa ước về phân chia biên giới chỉ là một con chim hai quả trứng!

Vi Tiểu Bảo buộc tất cả toán quân Nga ra đầu hàng phải ở truồng, ai không chịu ở truồng hắn ra lệnh nổ súng. Trận đánh ở Lộc Đỉnh Sơn, hắn cho nấu băng thành nước để tấn công thành trì người Nga. Hắn có sáng kiến trễ quần ra, đi tiểu vào trong nồi nước và sau đó ra lệnh cho toàn bộ sĩ tốt đi tiểu vào tất cả các nồi khác. Họ bắn lên thành, lên đầu cổ người Nga bằng thứ nước đó. Trong tiểu thuyết, chương này được gọi là Niệu xạ Lộc Đỉnh Sơn.

Tư duy của đại hán Vi Tiểu Bảo kinh hoàng như vậy đó!

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.