Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần VIII: Các nhà báo hiến kế

13/08/2005 22:39 GMT+7

Hiến kế để hoạt động Hội thiết thực hơn, các tờ báo phát triển hoàn thiện hơn và để các nhà báo cảm thấy yên tâm khi đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, Báo Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến của một số Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam vừa đắc cử.

Nhà báo Hữu Ước – Tổng biên tập báo Công an nhân dân và An ninh Thế giới: “Bất kỳ chính sách gì cũng phải công bằng”

Với người làm báo, ngoài chuyên môn, nghịêp vụ giỏi, ngoài sự sắc xảo thì việc trau dồi phẩm chất, đạo đức rất quan trọng bởi vì ranh giới giữa giữ mình và đánh mất mình rất nhỏ: phê phán cái xấu cũng có tiền, không phê cũng có tiền, im lặng càng có tiền. Nhưng đúng là nếu chỉ đòi hỏi các nhà báo về tiêu chuẩn đạo đức chung chung thì rất khó, tôi cho rằng chúng ta phải chủ động bảo vệ các nhà báo bằng cơ chế cụ thể. Theo tôi, bên


Nhà báo Hữu Ước

cạnh kêu gọi lòng tự trọng, lòng tự hào về uy tín của mình, của tờ báo ở mỗi nhà báo, những người lãnh đạo mỗi tờ báo cụ thể phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, phóng viên của mình. Đây chính là cái chốt để đảm bảo các quy định về đạo đức được khả thi.

Tôi không bao giờ kiến nghị để Nhà nước tạo điều kịên gì cho mình cả, bởi vì tôi hiểu trong điều kiện hiện nay, các tờ báo đều phải tự mình cạnh tranh với mình để vượt lên chính mình mà phát triển. Nhưng tôi nghĩ thế này, bất kỳ chính sách gì cũng phải công bằng. Ví dụ, được biết sắp tới Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra một số tờ báo có nguồn thu lớn, điều đó cũng là bình thường. Nhưng bạn đọc và bản thân những cơ quan được thanh tra, trong đó có báo Công an Nhân dân sẽ tâm tư, tại sao lại chỉ thanh tra các tờ báo có nguồn thu lớn, có số phát hành lớn? Có người đặt câu hỏi, đằng sau đó là cái gì? Tôi nghĩ chẳng có gì cả đâu, chẳng qua là kiểm tra xem các tờ báo ấy làm ăn tốt ra sao, có mô hình gì hay không để trên cơ sở đó xây dựng chính sách tạo điều kịên cho báo chí nói chung phát triển. Nhưng nếu như vậy thì nên chăng việc thanh tra, kiểm tra tất cả các tờ báo, chẳng hạn như cũng phải xem các tờ báo có nguồn thu nhỏ, có số phát hành nhỏ làm ăn ra sao để rút kinh nghiệm, từ đó mới đề ra cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các báo hoạt động tốt ?

Nhà báo Dương Xuân Nam  - Tổng Biên tập báo Tiền Phong: “Cần một chính sách hỗ trợ thuế cho sản phẩm báo chí”

Một vấn đề lớn đặt ra trong nhiệm kỳ này là phải tạo được sự gắn bó giữa Trung ương Hội với các hội viên. Theo tôi, muốn hội viên gắn bó với mình, Hội phải vì lợi ích của họ,


Nhà báo
Dương Xuân Nam

bảo vệ, bênh vực quyền lợi của họ. Thời gian qua, Hội làm việc này không tốt, cơ quan Hội còn rụt rè, ngại bênh vực anh em khi họ gặp tai nạn nghề nghiệp.

Tôi muốn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế cho các sản phẩm báo chí vì đó là công cụ tuyên truyền cho Đảng, nhà nước và các đoàn thể, không nên xem nó như một doanh nghiệp trong cách tính thuế. Kế hoạch thanh tra một số tờ báo có nguồn thu lớn và số lượng phát hành lớn với mục đích tìm cơ chế cho báo chí phát triển thuận lợi, tôi cho là rất tốt. Nhưng lâu nay, các báo như Tiền Phong hay Thanh Niên được cơ quan chủ quản là T.Ư Đoàn quản lý rất chặt và kiểm tra thường xuyên, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính nên việc thanh tra  hay không cũng không sao cả. Nhưng theo tôi, nếu kiểm tra để tìm một cơ chế cho báo chí phát triển thì phải kiểm tra tất cả, những tờ làm ăn tốt hoặc kể cả những tờ gặp nhiều khó khăn. Nếu không người ta sẽ có cảm giác rằng, Nhà nước chỉ “chăm sóc” những tờ báo có nguồn thu lớn, số lượng phát hành lớn, làm nản lòng những tờ báo có mong muốn phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – Báo Lao Động: “Cần làm rõ những vấn đề cụ thể trong Quy định đạo đức nghề nghiệp”


Nhà báo
Huỳnh Dũng Nhân

Tôi đồng tình với một số quy định đạo đức nghề nghịêp trong báo chí. Nhưng làm thế nào cho nó hiệu quả thì lại còn tuỳ thuộc vào từng con người, từng cơ quan báo chí và môi trường hoạt động. Ví dụ tờ báo mà cấm phóng viên “chạy” quảng cáo thì vi phạm ít hơn ở những tờ báo ra chỉ tiêu buộc phóng viên “chạy” quảng cáo. Tờ báo nuôi phóng viên tốt người ta sẽ không làm gì để hại đến ngòi bút của chính họ và uy tín tờ báo đó. Lúc đó, tổ chức Hội sẽ làm gì? Phải giám sát, phải phát hiện “vấn đề” đằng sau mỗi bài báo để kiến nghị với Ban biên tập có biện pháp kịp thời với từng PV cụ thể. Sau khi đã có những Quy định về đạo đức nghề nghịêp, chúng ta phải tiếp tục làm rõ những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như thế nào là nhận phong bì, số tiền bao nhiêu là vi phạm? Thế nào là viết theo “đơn đặt hàng”? Trong ngày lễ, tết phóng viên được nhận quà ra sao?... Có mổ xẻ vấn đề như vậy thì việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghịêp mới có hiệu quả.

Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.

Tuyết Nhung (ghi)

Danh sách Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá VIII
(Xếp theo thứ tự ABC)


Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 8 - ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, sinh năm 1953, Tiến sĩ báo chí
1. Tạ Việt Anh, Phó Tổng biên tập (TBT) Báo Hà Nội Mới
2. Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Cà Mau
3. Mai  Sông Bé, Chủ tịch Hội nhà báo, Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai
4. Hà Kim Chi, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Lai Châu
5. Mã Diệu Cương, Phó giám đốc Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh
6. Dương Trọng Dật, Phó chủ tịch Hội nhà báo TPHCM, TBT báo Sài Gòn giải phóng
7. Đặng Xuân Dũng, TBT Báo Công an TPHCM
8. Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Bắc Giang
9. Lê Đình Đạo, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN.
10. Ngô Hồng Đào, Chủ tịch Hội Nhà Báo, TBT Báo Hậu Giang
11. Lương Kiên Định, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Khánh Hoà
12. Lê Hoàng, TBT Báo Tuổi Trẻ, TP HCM
13. Hà Minh Huệ, Chủ tịch Liên chi hội, trưởng ban thư ký biên tập, Thông tấn xã Việt Nam
14. Trần Huy, TBT Báo Cần Thơ
15. Đinh Thế Huynh, Uỷ viên TƯ Đảng, TBT Báo Nhân Dân
16. Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Đài PTTH Hà Nội
17. Nguyễn Công Khế, TBT Báo Thanh Niên
18. Nguyễn Châu Kỳ, Giám đốc Đài TNND TP Hồ Chí Minh
19. Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng Vụ báo chí, Ban TTVH TƯ
20. Trịnh Lệnh, Chủ tịch Hội nhà báo, Giám đốc Đài PTTH Hải Phòng
21. Tạ Bích Loan, Phó trưởng ban VTV3, Đài THVN
22. Hoàng Hữu Lượng, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo, Bộ VHTT, Cục trưởng Cục Báo chí
23. Y Tuyn Kmăm, Phó Giám đốc Đài PTTH Đắc Lắc
24. Trần Bình Minh, Chủ tịch Liên chi hội, Phó TGĐ Đài THVN
25. Lê Sĩ Minh, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Thừa Thiên Huế
26. Dương Xuân Nam, TBT Báo Tiền Phong
27. Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội nhà báo TPHCM
28. Trần Duy Ngoãn, Chủ tịch Hội nhà báo, Giám đốc Đài PTTH Nghệ An
29. Huỳnh Dũng Nhân, Phó trưởng cơ quan thường trú Báo Lao Động tại TPHCM
30. Đào Duy Quát, TBT Website Đảng Cộng sản Việt Nam
31. Dương Trung Quốc, TBT Tạp chí Xưa và Nay
32. Lương Văn Sinh, Chủ tịch Hội nhà báo, Giám đốc Đài PTTH Lâm Đồng
33. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Phân viện Báo chí và Tuyên truyền
34. Nguyễn Chí Thiết, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Quảng Ninh
35. Nguyễn Minh Thiệu, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Thanh Hoá
36. Nguyễn Quang Thống, TBT Báo Quân Đội Nhân Dân
37. Đặng Xuân Thu, Chủ tịch Hội nhà báo TP Đà Nẵng, Phó giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng
38. Nguyễn Khắc Thuyết, Chủ tịch Liên chi hội, uỷ viên Bộ biên tập Báo Nhân Dân
39. Phạm Quốc Toàn, Chủ tịch Hội nhà báo, TBT Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
40. Lê Quang Trang, TBT Báo Đại Đoàn Kết
41. Nguyễn Xuân Trình, Chủ tịch Hội nhà báo TP Hà Nội, TBT Báo Hà Nội Mới
42. Lê Quốc Trung, Tổng giám đốc TTX Việt Nam
43. Nguyễn Hữu Ước, TBT Báo Công An Nhân Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.