Tại buổi làm việc cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình đại hội lần thứ 22 Đảng bộ TP.Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2020-2025) vào ngày 22.9 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao công tác chuẩn bị văn kiện trong đó dự thảo báo cáo chính trị được chuẩn bị tốt, gọn, đủ điều kiện để trình đại hội.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Với chủ đề “Xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”, báo cáo chính trị trình đại hội Đảng bộ lần thứ 22 đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. “Điểm mới trong nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đưa nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị lên vị trí số 1, đáp ứng yêu cầu của T.Ư, không chỉ nêu về đột phá kinh tế - xã hội như nhiệm kỳ trước đó”, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, nhận định.
Cụ thể, theo ông Vĩnh, nhiệm vụ trọng tâm số 1 là xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển TP nhanh và bền vững. Tiếp đến là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TP thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Và thứ 3 là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.
Báo cáo chính trị cũng đề ra 14 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, và chỉ tiêu xây dựng Đảng cũng đưa lên vị trí số 1. Qua đó, đáp ứng yêu cầu của T.Ư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, đồng thời ưu tiên các chỉ tiêu về môi trường. Đây cũng chính là điểm mới so với các đại hội trước đó. “Tiếp thu ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành T.Ư, BCH Đảng bộ TP đã thống nhất điều chỉnh bố cục theo yêu cầu tại Công văn số 11966 ngày 16.7.2020 của Ban Tổ chức T.Ư. Cụ thể, nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể được đưa lên trước nội dung phần kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh và đều thể hiện ở cả 2 phần của dự thảo báo cáo chính trị. Đây cũng chính là điểm mới của so với các kỳ đại hội trước”, ông Vĩnh nói.
Đáng chú ý , trong 14 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ tiêu xây dựng Đảng cũng đưa lên vị trí số 1. Một số chỉ tiêu khác: Hằng năm có từ 80% tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; giảm dần số tổ chức đảng, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2020-2025 tăng 9-10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 5.000-5.500 USD; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tăng 9-10%/năm, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 7-10%/năm…
|
Nhiều chỉ tiêu không đạt do Covid-19
Thành ủy Đà Nẵng đã đánh giá 12 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 7/12 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt nghị quyết. Có 5 chỉ tiêu không đạt: GRDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn; chỉ tiêu phát triển đảng viên hằng năm; GRDP bình quân đầu người. Riêng chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đã đạt ở thời điểm năm 2019, nhưng tính đến năm cuối 2020 của nhiệm kỳ thì không đạt.
Theo phân tích, điểm mới về đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu so với nhiệm kỳ trước đó thể hiện ở chỗ: không đánh giá 3 chỉ tiêu riêng lẻ về giá trị sản xuất ngành dịch vụ; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Thay vào đó, đánh giá chung thành 1 chỉ tiêu về giá trị tăng thêm, thể hiện ở chỉ tiêu thứ 4 (giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước tăng 4,7%/năm, công nghiệp - xây dựng ước tăng 2,4%/năm, nông nghiệp ước tăng 3,2%/năm). Báo cáo chính trị cũng có cách tiếp cận mới, thể hiện việc đánh giá kết quả theo hướng làm rõ thành quả 4 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2019 và nhìn nhận tác động to lớn và khó lường của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, sau đó có những đánh giá chung cho cả giai đoạn của nhiệm kỳ 2015-2020. Việc đánh giá như vậy nhằm thể hiện rõ hơn, khách quan hơn thành quả trong cả nhiệm kỳ và lý do khách quan của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, GRDP (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2019 ước tăng bình quân 7,5%/năm, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (4.095 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 và đạt chỉ tiêu đề ra theo nghị quyết là 4.000-4.500 USD). Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội ở tâm dịch Đà Nẵng, GRDP năm 2020 ước giảm 9,3% so với năm 2019, dẫn đến GRDP giai đoạn 2015-2020 giảm còn 4%/năm. GRDP bình quân đầu người giảm còn 87,4 triệu đồng (3.693 USD).
Cũng theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, việc đưa ra “tầm nhìn đến năm 2030” vào mục tiêu tổng quát là một điểm mới khác nữa trong dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ lần này. Tầm nhìn đến năm 2030 là sẽ xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống. Người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo… Ở nhiệm kỳ trước, không có mục tiêu trong thời hạn 10 năm với thời gian 2 nhiệm kỳ.
Đại hội lần thứ 22 khai mạc vào ngày 21.10
Ông Trần Đình Hồng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cho biết thêm, Bộ Chính trị nhận định dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy của Đà Nẵng được chuẩn bị cơ bản đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu đề ra. Dự thảo báo cáo có tính khái quát cao, đánh giá toàn diện thực trạng tình hình địa phương; nêu được những điểm nổi bật, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân. Rút ra 5 bài học kinh nghiệm sát với thực tế; tầm nhìn và phương hướng nhiệm kỳ tới vừa bao quát vừa toàn diện…
Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành dân chủ, chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định, quy trình theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của T.Ư. Bộ Chính trị đồng ý số lượng Ủy viên BCH là 51 người, Ban thường vụ Thành ủy 15 người (trong đại hội bầu 14 người); Ủy viên Kiểm tra 11 người. Đại hội tổ chức trong 3 ngày (20 - 22.10), phiên khai mạc chính thức vào sáng 21.10.
|
Bình luận (0)