Đại hội thể thao đồng tính

04/08/2010 09:15 GMT+7

Chủ nhật vừa qua, một sự kiện đặc biệt trong làng thể thao thế giới là Đại hội thể thao dành cho người đồng tính (Gay Games) lần thứ 8 đã khởi tranh ngày đầu tiên tại Cologne (Đức). Khẩu hiệu của Gay Games lần này là “Hãy cùng tham gia” (Be part of it).

Những VĐV tranh tài rất quyết liệt

Chủ nhật vừa qua, một sự kiện đặc biệt trong làng thể thao thế giới là Đại hội thể thao dành cho người đồng tính (Gay Games) lần thứ 8 đã khởi tranh ngày đầu tiên tại Cologne (Đức). Khẩu hiệu của Gay Games lần này là “Hãy cùng tham gia” (Be part of it).

Tham dự Gay Games 2010 có khoảng 10.000 VĐV là gay (đồng tính nam) và lesbian (đồng tính nữ) đến từ 70 quốc gia trên thế giới, tranh tài ở 35 môn thể thao như điền kinh, bơi lội, nhảy cầu, bóng chuyền, cầu lông, tennis… Ngoài ra, rất đông khán giả và khách du lịch quốc tế đã đổ đến Cologne để chứng kiến những màn diễu hành rực rỡ và lạ mắt của các đội cổ vũ (cheerleaders) là người đồng tính.

Gay Games 2010 sẽ kéo dài trong 8 ngày, kết thúc vào ngày 7.8 tới. Tại buổi lễ khai mạc vào ngày 31.7 vừa qua, đích thân Bộ trưởng ngoại giao Đức, ông Guido Westerwelle, một người đồng tính nam công khai (openly-gay), đã lên đốt ngọn đuốc truyền thống của đại hội. “Chúng tôi không đòi hỏi đặc quyền. Chúng tôi chỉ đòi được tôn trọng”, ông Westerwelle phát biểu trong lễ khai mạc.

Một trong những VĐV đồng tính nổi tiếng nhất, nhà vô địch Olympic 2008 môn nhảy cầu 10m người Úc Matt Mitcham đã nhận nhiệm vụ làm người phát ngôn cho Gay Games 2010. “Không khí phấn chấn của mọi người đang có mặt ở đây làm tôi rơi nước mắt, điều chưa từng xảy ra với tôi từ sau Olympic 2008. Gay Games ở Cologne mang đến những cảm xúc sâu sắc và niềm vui thuần khiết. Thật vinh dự cho tôi khi được là một phần của sự kiện này”, Mitcham phát biểu.

Gay Games được tiến sĩ Tom Waddell (người Mỹ) khai sinh vào năm 1982, lần đầu tổ chức tại San Francisco (Mỹ) và hiện nay được tổ chức định kỳ 4 năm một lần. Lúc đầu đại hội được đặt tên là Gay Olympic. Nhưng chỉ 3 tuần trước khi Gay Olympic lần đầu khai mạc, Liên đoàn Olympic quốc tế (IOC) và Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) đã phát đơn kiện buộc đại hội này phải đổi tên thành Gay Games.

Là một VĐV đồng tính đã từng tham gia Olympic 1968 (nội dung 10 môn phối hợp), ông Waddell muốn hướng Gay Games đến mục tiêu hòa hợp giới tính và chống kỳ thị trong thể thao. Mặc dù tên là Gay Games nhưng đại hội thể thao này chào đón tất cả các VĐV đến tham gia, không phân biệt giới tính.

Vì tính chất “mở” nên Gay Games luôn thu hút rất đông người tham gia, đặc biệt quy tụ nhiều VĐV đồng tính đến từ các quốc gia chưa chấp nhận giới tính thứ 3. Hiện nay các kỳ Gay Games chưa được các tổ chức thể thao chính quy như IOC công nhận. Hiện nay, Mỹ là quốc gia đã đăng cai Gay Games nhiều nhất (4 lần). Gay Games tiếp theo vào năm 2014 cũng sẽ do Mỹ đăng cai tại thành phố Cleveland (bang Ohio).

Nguyên Chính
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.